Sau nửa tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước quy định mức trần lãi suất gửi tiết kiệm các kì hạn ngắn dưới 6 tháng tối đa là 4,25%/năm, nhiều nhà băng nghiêm túc chấp hành kéo lãi suất các kì hạn ngắn xuống rất thấp theo quy định. Tuy nhiên, ở các kì hạn dài, lãi suất đang cao ngất ngưỡng.
Khảo sát tại nhiều ngân hàng cho thấy, nhiều nơi đẩy lãi suất huy động các kì dài lên mức hơn 8%/năm. Đáng chú ý, có ngân hàng đang huy động tiền gửi tiết kiệm với lãi suất lên đến 9,2%/năm. Đây cũng là lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay.
Quán quân đưa ra mức lãi suất cao nhất này là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Lãi suất 9,2%/năm được áp dụng cho kì hạn gửi 13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để hương mức lãi này là số tiền gửi trên 500 tỉ đồng. Nếu gửi cùng kì hạn nhưng với số tiền ít hơn, thì lãi suất cũng giảm mạnh chỉ còn 6,8-6,9%/năm.
Cũng tại SHB, lãi suất cho kì hạn 12 tháng đang được ngân hàng này niêm yết đến 8,9%/năm, nhưng cũng kèm điều kiện số tiền gửi trên 500 tỉ đồng. Cùng kì hạn, nếu gửi ít hơn 500 tỉ thì lãi suất chỉ còn 6,7-6,8%.
Sau SHB, một loạt ngân hàng cũng đang niêm yết lãi suất huy động vượt 8%/năm, dao động từ 8-8,35%/năm, hầu hết đều ở kì hạn gửi dài 13 tháng. Danh sách này gồm SCB, VietBank, NCB, VietCapital Bank. Điều kiện áp dụng tại nhóm ngân hàng này "dễ thở" hơn, hoặc không giới hạn tiền gửi hoặc giới hạn tiền gửi từ 5 tỉ đồng.
Với kì hạn 12 tháng, ngân hàng đang có lãi suất cao nhất hiện nay là SCB và NamABank, lần lượt 8,25%/năm và 8,3%/năm. Cùng có lãi suất huy động ở mức 8%/năm ở kì hạn 12 tháng này còn có CBBank, VietCapital Bank.
Đối với kì hạn 6 tháng, 4 ngân hàng đang niêm yết lãi suất huy động trên 8%/năm là VietABank, SCB, CBBank và NamABank.
Ngay cả các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước cũng đang đưa ra lãi suất huy động khá cạnh tranh, nhất là đối với kì hạn 12 tháng.
Ở kì hạn này, BIDV đang có lãi suất huy động ở mức 7%/năm, thấp hơn khoảng 1% so với mức cao nhất hiện nay của các ngân hàng.
Trong khi đó, VietinBank và Agribank cùng có mức lãi suất 6,8%/năm, thấp nhất là Vietcombank với lãi suất 6,5%/năm cho kì hạn 1 năm.
Ở kì hạn 6 tháng, Agribank, VietinBank và BIDV cùng niêm yết 5,1%/năm, Vietcombank là 4,9%/năm.
Thời điểm này, nếu khách hàng gửi 1 tỉ đồng vào một trong 4 ngân hàng lớn này với kì hạn 1 năm, thì lãi nhận được từ 65-68 triệu đồng/năm.
Nếu so với nhóm các ngân hàng như ACB, Sacombank, MB, Techcombank, VPBank… thì số tiền lãi nhận được từ nhóm Big 4 sẽ không chênh lệch nhiều. Mức chênh lệch chỉ giãn rộng hơn nếu khách hàng chọn nhóm ngân hàng SCB, VietABank, CBBank, NamABank…
Riêng kì hạn ngắn dưới 6 tháng, theo quy định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng từ ngày 13/5, các ngân hàng đều sử dụng hết mức trần lãi huy động quy định là 4,25%/năm.
Gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá lượng tiền gửi có thể sẽ tăng thấp, khi nguồn thu của doanh nghiệp và người dân sụt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi suất huy động trên thị trường.
Do đó, với các kì hạn gửi dài hơn không bị qui định về trần lãi suất, thời gian này, các ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất hấp dẫn lẫn các chương trình ưu đãi khác.
Thực tế, ở lần giảm lãi suất điều hành trước đó của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã tăng ưu đãi dành cho các khách hàng gửi tiền trực tuyến, nhất là các kì hạn dài. Dĩ nhiên, nếu so với giai đoạn cuối năm 2019, mức lãi suất đó vẫn không thể bằng.
Tuy nhiên, trong tình hình mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm, các chuyên gia vẫn cho rằng gửi tiết kiệm là một kênh cất giữ tiền an toàn, để theo dõi thị trường, nhất là lúc thị trường chứng khoán và giá vàng diễn biến khó lường thời gian qua.