Gặp Bộ trưởng Giáo dục 34 tuổi của Phần Lan | |
Bí mật trong tuyển chọn và đào tạo giáo viên Phần Lan | |
'Nhập khẩu' chương trình giáo dục - SGK mới chỉ là 1/10 điều kiện |
Dưới quan điểm, góc nhìn của GS Trương Nguyện Thành (Phó Hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen) khẳng định việc Việt Nam xem xét "nhập khẩu" một chương trình đào tạo phổ thông từ nước ngoài là điều nên làm tuy nhiên rất khó để triển khai chương trình "nhập khẩu" một cách đại trà. Th.S Nguyễn Thị Thu Huyền (Thạc sĩ giáo dục học, giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM), nhận định vấn đề "nhập khẩu chương trình đào tạo của Phần Lan" y nguyên là không phù hợp và quan ngại về chất lượng giáo viên hiện tại của Việt Nam.
"Việc nhập khẩu y nguyên là không phù hợp"
Xoay quanh vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận, Th.S Nguyễn Thị Thu Huyền thẳng thắn nhận định: "Tôi cho rằng việc học hỏi các thành tựu giáo dục của quốc gia khác là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên chỉ học sản phẩm cuối cùng mà nên học luôn cách thức họ tạo ra sản phẩm đó.
Vì vậy, trước thông tin nhập khẩu chương trình, tôi chưa rõ Bộ sẽ nhập khẩu mức nào nên chưa thể đánh giá khả thi hay không. Nếu Bộ định nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa thì đó là ý tưởng không thực vì Phần Lan không có sách giáo khoa thống nhất cả nước mặc dù có một số bộ sách được sử dụng phổ biến hơn trong trường học. Giáo viên vốn dĩ được tự do chọn tài liệu để thiết kế bài giảng của mình.
Về chương trình, chỉ xét về các mục tiêu giáo dục đã khó có thể copy vì mục tiêu giáo dục của bất cứ quốc gia nào thì trước hết phải dựa vào bối cảnh của quốc gia đó. Nói khác hơn, việc nhập khẩu y nguyên là không phù hợp".
Th.S Nguyễn Thị Thu Huyền thẳng thắn nhận định, việc học hỏi các thành tựu giáo dục của quốc gia khác là điều đáng hoan nghênh |
Cũng theo Th.S Thu Huyền, có vô số rào cản về chính sách vĩ mô, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị. Tuy nhiên bản thân Th.S là người đào tạo giáo viên nên quan ngại nhất là chất lượng giáo viên hiện tại của Việt Nam nếu mang chương trình Phần Lan về áp dụng.
Giáo viên phổ thông Phần Lan gần như toàn bộ có bằng thạc sĩ, được tuyển chọn kỹ lưỡng, được đào tạo bài bản về chuyên môn, rất đồng đều nên việc thực hiện một chương trình giáo dục tích cực như vậy là khả thi. Điều kiện này chưa được thoả mãn ở Việt Nam.
Rất khó để triển khai chương trình "nhập khẩu" một cách đại trà
GS Trương Nguyện Thành cũng đã có những chia sẻ trước vấn đề nhập khẩu chương trình đào tạo của Phần Lan: "Việc một quốc gia đang phát triển "nhập khẩu" chương trình đào tạo từ một quốc gia tiên tiến là một chiến lược đào tạo khôn ngoan vì nó có thể giúp rút ngắn thời gian phát triển nguồn nhân lực cần thiết để đáp ứng với nhu cẩu phát triển của đất nước...
Việt Nam xem xét "nhập khẩu" một chương trình đào tạo phổ thông từ nước ngoài là điều nên làm. Thực chất thì nội dung chương trình giáo dục phổ thông của tất cả các quốc gia không khác nhau nhiều lắm. Các quốc gia trong khu vực châu Á thì chương trình tương đối nặng hơn. Khác nhau là ở phương pháp giảng dạy và môi trường học tập. Điều khác biệt giúp Phần Lan thành công hơn các quốc gia tiên tiến khác là ở cách làm khác biệc từ triết lý giáo dục "Less is More" của họ. Nếu Việt Nam muốn triển khai chương trình này thì phải có một chiến lược hành động cẩn thận và từng bước một vì triết lý giáo dục này rất mới đối với xã hội Việt Nam như tôi đã chia sẻ trước đây".
GS cho rằng rất khó để triển khai chương trình "nhập khẩu" một cách đại trà. |
Đồng thời, GS Trương Nguyện Thành cũng cho rằng, vì sự khác biệt trong triết lý đào tạo quá lớn giữa hai chương trình đào tạo của Phần Lan và chương trình hiện nay của Việt Nam nên rất khó để triển khai chương trình "nhập khẩu" một cách đại trà. Muốn thực hiện thì cần có một chiến lược và kế hoạch triển khai đầy đủ và có lộ trình rõ ràng.
Kế hoạch chỉ cần tập trung thí điểm ở một vài cơ sở đào tạo có cơ chế khác nhau như một vài trường công và một vài trường tư trong 5 - 10 năm. Chính phủ và doanh nghiệp có thể hợp tác với Phần Lan xây dựng một vài trường mẫu để thí điểm. Đào tạo đội ngũ giáo viên là một nhu cầu cần thiết và do đó chính phủ cần có một chương trình đào tạo giáo viên - ví dụ chương trình đào tạo ThS về giáo dục phổ thông ở Phần Lan.
Trong thời gian đó cần có một đội ngũ các nhà nghiên cứu về giáo dục phổ thông đánh giá các phần cần thay đổi để phù hợp với văn hóa Việt Nam và thay đổi như thế nào. Cần có một cơ chế quản lý thoáng và lương bổng đặc thù với mức độ lương cao để thu hút quản lý và giáo viên giỏi. Về phần này thì cơ chế trường tư có vẻ sẽ thuận lợi cho phát triển bền vững. Do đó ở thời gian đầu tôi nghĩ chính phủ nên tạo điều kiện cho một vài trường tư thí điểm chương trình đào tạo "nhập khẩu" sau đó mới quyết định có nên triển khai đại trà.