Kịch tính đường về tay doanh nhân 8X của Nước sạch Sông Đà

Cổ đông lớn nhất của CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex - Công ty thành viên của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1984).
Kịch tính đường về tay doanh nhân 8X của Nước sạch Sông Đà - Ảnh 1.

Là đơn vị cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực phía Tây Nam TP  Hà Nội, CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco - Mã VCW) có lợi thế kinh doanh rất lớn. Bởi vậy, dù trong quá khứ từng dính bê bối 21 lần vỡ ống nước, Viwasupco luôn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.

Thời gian gần đây, cái tên “Sông Đà” càng được dư luận nhắc tới với biến cố nguồn nước của công ty cung cấp có mùi khét, nhiễm dầu thải.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, trước khi đổi tên thành CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà vào năm 2018, Viwasupco có tên là CTCP Nước sạch Vinaconex - cái tên gắn với thương hiệu của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex - Mã VCG).

Được biết, tiền thân của Viwasupco là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Vinaconex (thành lập năm 2006). Tháng 3/2009, Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập theo quyết định số 0182/2009/QĐ-HĐQT của Hội Đồng Quản Trị Tổng Công ty.

Ngày 1/1/2010, CTCP Nước sạch Vinaconex chính thức đi vào hoạt động theo hình thức CTCP, mức vốn điều lệ là 500 tỉ đồng.

Đến ngày 22/7/2010, Công ty được UBCKNN chấp thuận hồ sơ và trở thành công ty đại chúng.

Chỉ 4 tháng sau đó, cổ đông sáng lập Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã chuyển nhượng 21,8 triệu cổ phần (tương đương tỉ lệ 43,6% vốn điều lệ) của Tổng Công ty tại Viwasupco (thời điểm đó vẫn là CTCP Nước sạch Vinaconex) cho nhà đầu tư nước ngoài, là Công ty Acuatico.

Ngày 25/4/2016, cổ đông nước ngoài Công ty Acuatico đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trên cho CTCP Đầu tư và phát triển Sinh Thái.

Cuối năm 2017, Vinaconex công bố bán toàn bộ cổ phần tại Viwasupco. Phiên đấu giá được thực hiện thông qua CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Mức giá khởi điểm là 39.904 đồng/cổ phần.

Ban đầu, Vinaconex đưa ra những điều kiện ngặt nghèo đối với các nhà đầu tư muốn tham gia đấu giá, như: Đã đầu tư và tham gia quản lí, vận hành nhà máy sản xuất nước sạch có quy mô tương tự quy mô hiện tại của Viwasupco trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng; hay đăng kí mua tối thiểu 5 triệu cổ phần.

Đặc biệt, Vinaconex còn đưa ra điều kiện nhà đầu tư nhận chuyển nhượng vốn tại Viwasupco phải cam kết để công ty này kí hợp đồng “giao Vinaconex triển khai thi công Dự án nước sông Đà giai đoạn 2 theo định mức, đơn giá của Nhà nước và giảm khoảng 3%”.

Sau này, Vinaconex đã thay đổi điều kiện trên, thành “nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần Viwasupco từ Vinaconex cam kết ủng hộ, để Viwasupco kí hợp đồng giao Vinaconex thực hiện thi công toàn bộ phần xây dựng Dự án nước sông Đà giai đoạn 2 theo đúng quy định của pháp luật”.

Điều kiện ngặt nghèo là thế, nhưng với lợi thế kinh doanh độc quyền, giới đầu tư đã đồn đoán Đầu tư Phát triển Sinh Thái và CTCP Cơ điện lạnh (mã REE) sẽ cạnh tranh sở hữu cổ phần chi phối tại Viwasupco.

Kết quả, Đầu tư Phát triển Sinh Thái mua thành công 8,2 triệu cổ phần, để nâng tỷ lệ sở hữu lên quá bán 50,42%. REE mua 17,34 triệu cổ phần còn lại và nắm 34,68% vốn Viwasupco. 

Giao dịch được thực hiện vào ngày 22/12/2017.

Biến động trong cơ cấu cổ đông của Viwasupco vẫn chưa dừng lại.

Đúng 1 tuần sau khi nắm tỉ lệ chi phối tại Viwasupco, Đầu tư Phát triển Sinh Thái ngày 29/12/2017 bất ngờ đăng kí thoái toàn bộ 25,21 triệu cổ phần đang sở hữu, và bán thành công vào ngày 4/1/2018.

Ở chiều ngược lại, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex liên tục mua vào cổ phiếu VCW.

Hiện nay, Năng lượng Gelex là cổ đông lớn nhất của VCW (60,46%), xếp sau là REE với 35,88%, các cổ đông khác nắm 3,66%.

Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex là công ty thành viên của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn.

Gelex thành lập năm 1990, với vốn điều lệ ban đầu 177 tỉ đồng và doanh thu 300 tỉ đồng. Đến năm 2018, vốn điều lệ của Gelex tăng lên hơn 4.000 tỉ đồng, doanh thu thuần 13.700 tỉ đồng, lợi nhuận ròng gần 1.300 tỉ đồng.

HĐQT Gelex có 6 thành viên, trong đó Chủ tịch là ông Nguyễn Văn Tuấn. Ông Tuấn sinh năm 1984, và là người trẻ nhất trong HĐQT doanh nghiệp.

Hiện, Gelex hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm công nghiệp, tiện ích, logistics và bất động sản.


chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.