Kiên Giang 'ì ạch' giải ngân đầu tư công

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, đến hết tháng 4/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt hơn 11% kế hoạch năm, tương đương 573,1 tỷ đồng. Trong số này, một số đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn, có dự án chuyển tiếp nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Kiên Giang Trần Ngọc Tính cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh hơn 5.124 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 3.930 tỷ đồng, số còn lại là vốn ngân sách trung ương và đã giao chi tiết cho các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện.
 
Theo đó, có 50 công trình lớn, trọng điểm do các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương quản lý được bố trí 3.862 tỷ đồng, chiếm 75,3% kế hoạch vốn năm 2022 của tỉnh nhưng đến cuối tháng 4 mới giải ngân hơn 368 tỷ đồng, bằng 9,5% kế hoạch. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp do vướng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xử lý dứt điểm, chậm tiến độ; các dự án khởi công mới chưa hoàn thành thủ tục đầu tư xây lắp; một số dự án phải điều chỉnh hồ sơ, thủ tục để triển khai…
 
Cụ thể như ngành giao thông vận tải Kiên Giang được giao kế hoạch vốn 1.022 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân hơn 37 tỷ đồng, bằng 3,6% kế hoạch.
 
Các dự án chuyển tiếp giải ngân thấp, chậm tiến độ như: đường ven biển Rạch Giá – Hòn Đất; nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam – Bắc đảo Phú Quốc; cảng hành khách Rạch Giá; đường ven sông Cái Lớn đi qua địa bàn các huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Gò Quao; cầu Mỹ Thái (Hòn Đất); cải tạo, nâng cấp đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy ở U Minh Thượng…
 
Ngoài ra, nhiều dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xử lý dứt điểm theo kế hoạch và một số dự án khởi công mới chưa hoàn thành thủ tục đấu thầu xây lắp đã ảnh hưởng, làm chậm tiến độ thi công.
 
Tiếp đến, thành phố Phú Quốc, mới giải ngân hơn 51 tỷ đồng, bằng 4,7% kế hoạch vốn phân bổ; ngành tài nguyên và môi trường chưa giải ngân; thành phố Rạch Giá giải ngân hơn 5,7 tỷ đồng, bằng 4,7% kế hoạch vốn được giao; các dự án, chương trình Biển đông – Hải đảo giải ngân mới chỉ bằng 0,5% kế hoạch vốn bố trí…
 
Cùng với đó, nhóm các dự án khởi công mới năm 2022 sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ chưa hoàn thành thủ tục đầu thầu xây lắp nên chưa giải ngân được nguồn vốn. Cụ thể là cầu thị trấn Thứ 11 (An Minh), đường Minh Lương – Giục Tượng (Châu Thành), đường tránh thị trấn Kiên Lương, dự án kè chống sạt lở một đoạn kênh Hà Giang khu vực Trung tâm hành chính huyện Giang Thành.
 
Trước tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công “ì ạch” trong 4 tháng đầu năm nay, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan, chủ đầu tư xây dựng phương án giải phóng mặt bằng cụ thể và quán triệt đến các xã, phường, thị trấn có dự án trên địa bàn, tăng cường trong tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục cho người dân hiểu lợi ích của dự án mang lại và đồng thuận.
 
Để “tăng tốc” thực hiện kế hoạch đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo kiên quyết, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xem nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ trọng tâm và đến hết ngày 31/01/2023 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được bố trí. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đề ra các giải pháp, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, tập trung vào kiểm tra, giám sát để phát hiện những hạn chế, tồn tại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
 
“Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn. Lập kế hoạch chi tiết từng dự án để phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành và căn cứ vào đó để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức”, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.
 
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chỉ đạo, quyết tâm đến hết quý II/2022, đối với các công trình đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trước 31/12/2021 phải hoàn thành hồ sơ thanh toán theo đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn bố trí. Tiếp đến, các công trình khởi công mới phải hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu thi công, giải ngân các chi phí tư vấn giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp trong quý II/2022.
 
Đến cuối quý III/2022 phải giải ngân đạt tối thiểu 65% kế hoạch vốn; đến ngày 31/12/2022 đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên. Các cơ quan, đơn vị, địa phương không đạt chỉ tiêu thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời bị xử lý trách nhiệm nếu không giải ngân hết số vốn được giao.
 
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng việc lập các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh việc bồi hoàn giải phóng mặt bằng, khi có mặt bằng sạch trên 80% mới tổ chức đấu thầu và triển khai thi công xây dựng, tập trung xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.
 
Tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không ký kết hợp đồng đối với các nhà thầu tư vấn, thi công không có năng lực thực hiện, kiên quyết xử phạt, cắt hợp đồng, xử lý nghiêm những nhà thầu vi phạm hợp đồng vượt thời gian thực hiện nhưng không có lý do chính đáng. Tỉnh cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và từ các dự án chưa hoặc chậm hoàn thành thủ tục đầu tư sang các dự án đã đủ thủ tục hồ sơ, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư và đúng theo quy định.
chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.