Khi các thành phố ngày càng đông đúc và chật chội, đầy khói bụi, nhiệm vụ của các kiến trúc sư sẽ là nỗ lực tìm kiếm các biện pháp để cho ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Song, theo New York Times đánh giá, "không ai làm điều này giống với Võ Trọng Nghĩa".
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa (Ảnh: New York Times).
Tờ báo hàng đầu nước Mỹ nhận định: "Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa, có trụ sở tại TP HCM, đưa ra những thiết kế kết hợp sự hiện đại với những bức tường xanh, có cây leo, đá phong hóa hay các cảnh quan chìm phía dưới. Các kĩ thuật xây dựng truyền thống của Việt Nam như kèo tre, hệ thống nước làm mát, sân thượng có mái che hay mái tranh, cũng đều được coi là nền tảng để phát triển.
Công ty của ông Nghĩa cũng đang mở rộng sang các mô hình khác, như nhà ở làm sẵn, các trang trại đô thị, các tháp xanh, công viên, trên phạm vi toàn châu Á".
Những nỗ lực này được ông tạo ra với một tôn chỉ: tạo ra kiến trúc hài hòa giữa tự nhiên và bản sắc địa phương, thông qua những vật liệu và phương pháp hiện đại, dựa trên các thiết kế đương đại. Ông Nghĩa coi công việc này không chỉ là để cải thiện môi trường đô thị, mà còn "mang lại cảm giác bình yên cho thế giới".
Lãnh đạo của một công ty thiết kế lớn, ông Nghĩa, 43 tuổi, bắt đầu dành thời gian cho thiền từ năm 2012. Hai năm qua, ông đã thực hành tại Trung tâm Thiền Pa-Auk Tawya, một tu viện Phật giáo nằm trong rừng ở Myanmar.
Ông chỉ đạo doanh nghiệp của mình từ xa, thông qua các cuộc gọi thảo luận về công việc. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Vị kiến trúc sư này đang có kế hoạch trở về Việt Nam vào đầu năm tới.
Điều đặc biệt tại Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa, đó là toàn bộ nhân viên đều phải thiền ít nhất hai giờ mỗi ngày, và họ "cần phải tuân thủ các quy tắc một cách nghiên ngặt, như không uống rượu, không hút thuốc, và không nói dối".
Tôi muốn tạo ra ngôn ngữ thiết kế mới ở riêng nước ta
Võ Trọng Nghĩa
"Tôi đã học kiến trúc trong 10 năm tại Nhật Bản. Tôi tốt nghiệp đại học tại Học viện Công nghệ Nagoya và có bằng Thạc sĩ tại Đại học Tokyo.
Ở Nhật Bản, tôi học được sự trung thực trong thiết kế, cũng như sự thành thật trong cuộc sống.
Những cây xanh xuất hiện trong nhà đóng vai trò làm mát và điều hòa không khí, mang lại cảm giác xanh cho không gian bên trong nhà. (Ảnh: NYT).
Tôi đã học về các cấu trúc gỗ, bê tông, về các luồng khí, và về các thiết kế cho khí hậu nhiệt đới. Trở về Việt Nam, tôi ngay lập tức thấy rằng các thành phố tại đất nước mình thiếu cây xanh và cả yếu tố kiến trúc như thế nào".
"Đầu tiên, tôi muốn mọi người biết về sự tập trung của chúng ta vào thiền định cũng như các giới luật. Nếu bạn có thể thiền trong vài giờ, mọi chuyện sẽ đều tỏ tường. Bạn sẽ trở thành phiên bản 'siêu nhân' của chính mình so với lúc trước. Công việc kiến trúc cũng trở nên dễ dàng hơn. Chúng tôi không thiền trong thời gian dài, mà tập trung vào làm sạch tâm trí và trái tim của mình. Đó là lí do, tại sao công ty của chúng tôi đang làm việc rất hiệu quả.
Từ quan điểm đó, chúng tôi tập trung vào việc kết nối mọi người với thiên nhiên. Chúng tôi cố gắng tạo ra những dấu ấn nhỏ nhất tại thành phố. Ở Việt Nam, những thành phố thường có ít không gian xanh hay công viên. Con người bị tách rời khỏi tự nhiên. Đó là lí do tại sao chúng ta có quá nhiều xung đột trên toàn thế giới.
Không có cảnh quan thiên nhiên xung quanh, chúng ta sẽ trở nên mất trí. Vị vậy, chúng tôi cố gắng đưa không gian xanh trở lại với cuộc sống của mình.
Tôi yêu cây. Khi tôi nhìn thấy một cái cây, tôi thực sự tập trung vào các tán lá, và tự hỏi nó cần bao nhiêu đất và ánh sáng mặt trời.
Các thiết kế của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa luôn có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố kiến trúc và thiên nhiên. (Ảnh: NYT).
Tôi lớn lên tại một ngôi làng nhỏ tại tỉnh Quảng Bình, nơi mà trời rất nóng và không có điện. Và tôi cũng nhanh chóng hiểu được tầm quan trọng của cây xanh đối với môi trường.
Làng tôi nằm ở giữa hai miền Bắc và Nam. Khi tôi còn nhỏ, chiến tranh diễn ra, bom đạn được rải liên tục từ bầu trời và rất nhiều người đã ngã xuống. Cũng như bao người khác trong làng, gia đình tôi rất nghèo. Thời điểm đó, tôi nghĩ nếu trở thành một kiến trúc sư, tôi sẽ giàu có. Sau này, tôi biết đó là sự thật. Nhưng đó không phải là vấn đề lớn nhất. Cái quan trọng là tôi thích công việc kiến trúc của mình.
Bởi vì chiến tranh mà chúng tôi không có những kiến trúc theo hướng hiện đại. Tôi muốn tạo ra một loại kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, không cần điều hòa nhiệt độ, chỉ cần sử dụng các vật liệu đơn giản và rẻ tiền. Tôi muốn tạo ra một ngôn ngữ thiết kế mới ở riêng nước ta".
"Công việc kiến trúc luôn đầy những thách thức. Nhưng khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là sự hài hòa ở mức cao nhất với thiên nhiên, và luôn phải tìm cách giúp cho kiến trúc tồn tại lâu bền. Mọi người hay nói về việc tạo ra các công trình bền vững, nhưng điều mà họ làm được chỉ là những thức tồn tại trong vài năm.
Dự án Son La Ceremony Dome tạo ra không gian công cộng với mái vòm bằng tre phản chiếu những ngọn núi xung quanh. (Ảnh: NYT).
Làm vậy có gì là bền vững? Ngày nay, người ta chỉ muốn xây dựng càng nhanh càng tốt. Chúng tôi không muốn tạo ra những thứ vô giá trị. Chúng tôi nói với các nhà phát triển rằng kiến trúc của mình sẽ tồn tại cả trăm năm, nhưng chả ai chịu hiểu.
Để làm một ngôi nhà hoàn chỉnh, bạn cần phải xây dựng đúng cách, về cả cấu trúc lẫn chi tiết. Giá cao hơn không phải là vấn đề. Cái quan trọng là cần sử dụng đúng nguyên liệu, theo đúng cách".
"Chúng tôi sử dụng tre, gỗ, đất nung, đá và nhiều vật liệu khác. Công ty của tôi cũng đưa cây xanh vào ngôi nhà, không chỉ để mục đích trang trí, mà còn là một trong những yếu tố chính của thiết kế kiến trúc.
Một số người xây nhà rồi đặt cây lên trên. Còn chúng tôi muốn đưa cây cối, các vật liệu hoàn toàn tự nhiên có thể "tương tác" với tòa nhà, với nhiều mục đích: hạn chế lũ lụt, che bớt nắng nhưng vẫn có ánh sáng tự nhiên, lọc âm thanh... Trên hết, chúng tôi cố gắng có thể tái chế nước, sử dụng được các tấm pin năng lượng mặt trời. Chúng tôi cố gắng hợp nhất năng lượng tự nhiên và vật liệu tự nhiên".
Những thiết kế mang phong cách đặc trưng của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa. (Ảnh: NYT).
"Chúng tôi muốn sử dụng những thiết kế kế hợp giữa hiện đại và truyền thống để giải quyết các vấn đề của những thành phố có mật độ dân số cao như TP HCM và TP Hà Nội. Các thiết kế truyền thống thực sự đem đến sự hài hòa với thiên nhiên. Nó đã xuất hiện trước khi có điện, và giải quyết được các vấn đề cơ bản như khi trời nóng.
Ngày nay, khi các thành phố ngày càng đông đúc, quỹ đất ngày một hạn hẹp, phương pháp thiết kế này có thể không được áp dụng 100%. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu triển khai một kiểu kiến trúc mới để hài hòa với những điều kiện hiện tại, với con người và lối sống hiện đại.
Một văn phòng tại TP HCM được bố trí nhiều hộp để trồng cây. (Ảnh: NYT).
Tôi đã học được từ phương pháp truyền thống cách sử dụng vật liệu và kĩ thuật xây dựng đơn giản để cố gắng biến kiến trúc của mình trở thành một dạng công viên thu nhỏ trong thành phố.
Và chúng tôi muốn đưa phương pháp này áp dụng ở quy mô lớn hơn.
Chúng tôi đã thành lập một quỹ để giúp mọi người trong nước có nhiều cây xanh hơn, từ trường học, đường phố cho tới những vùng quê. Chỉ gói gọn trong kiến trúc và quy hoạch tổng thể là không đủ, chúng tôi muốn giới thiệu nó ra với thế giới tự nhiên".
Việc thiền mang ý nghĩa rất lớn với kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa. (NYT).
"Với tôi, thành công là sự giác ngộ. Trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng chả có nghĩa lí gì so với việc giác ngộ.
Việc thiền giúp tôi có được sự tập trung sâu sắc, cảm giác yên bình vô cùng. Các ý tưởng thiết kế đến một cách tự nhiên. Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về chúng. Nhưng việc bạn cần làm để có được nó không phải là tập trung, mà là cực kì tập trung.
Tôi có thể thiền ba giờ liên tục. Với một cái đầu thư thái, nếu muốn phát triển một concept, bạn sẽ thấy nó vô cùng đơn giản. Thay vì chỉ suy nghĩ về những concept, tôi tập trung thiền, và chỉ mất khoảng 5 - 10 phút để tạo ra một concept hoàn chỉnh".