Kinh doanh hàng chục năm, tăng trưởng liên tục, tại sao Coco-Cola và loạt ông lớn FDI né thuế hàng nghìn tỉ ở Việt Nam?

Cơ quan thuế đã truy hàng nghìn tỉ đồng từ các "ông lớn" FDI hoạt động hàng chục năm tại Việt Nam nhưng vẫn báo lỗ. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm có khoảng 40-50% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam kê khai lỗ.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết năm 2019, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 503.500 hồ sơ khai thuế, kiến nghị xử lí 62.660 tỉ đồng, trong đó chống chuyển giá, giảm lỗ gần 41.600 tỉ, tức chiếm đến 66%.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động tại Việt Nam ngày càng tăng với quy mô đầu tư ngày càng lớn. Tuy nhiên, sau mỗi đợt thanh tra, cơ quan thuế lại phát hiện chuyện trốn thuế hoặc có dấu hiệu chuyển giá.

Coca-Cola bị truy thu hơn 821,4 tỉ đồng

Các "ông lớn" là doanh nghiệp FDI trốn thuế, chuyển giá không còn quá xa lạ và mới nhất là trường hợp của Coca-Cola Việt Nam. Tổng cục Thuế đã ra quyết định xử phạt hành chính và truy thu thuế với số tiềngần cả nghìn tỉ đồng.

Kinh doanh chục năm, báo lỗ liên tục, Coco-Cola, Heineken và loạt ông lớn FDI né thuế hàng nghìn tỉ ở Việt Nam - Ảnh 1.

Coca-Cola bị truy thu thuế hơn 821,4 tỉ đồng. (Ảnh: Phúc Minh).

Trường hợp của Coca-Cola Việt Nam, tổng cộng số tiền bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỉ đồng. Trong đó, hiện Coca-Cola đã nộp khoảng 471 tỉ gồm thuế giá trị gia tăng bị truy thu hơn 60 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ và thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỉ đồng.

Hơn 350 tỉ đồng tiền thuế còn lại là tiền chậm nộp hơn 288,6 tỉ, vi phạm hành chính hơn 61,6 tỉ đồng.

Tổng cộng số tiền 821,4 tỉ đồng Coca-Cola Việt Nam bị truy thu là số thuế phải nộp sau đợt thanh tra kì 9 năm, từ năm 2007-2015 với nhiều sắc thuế khác nhau.

Coca-Cola hoạt động tại Việt Nam từ đầu năm 1994. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã liên tục báo lỗ kể từ khi hoạt động cho đến cuối năm 2012. Tại thời điểm đó, lỗ luỹ kế do Coca-Cola công bố lên tới 3.768 tỉ đồng, trong khi đó, số vốn đầu tư ban đầu chỉ 2.950 tỉ đồng, lỗ nhiều hơn vốn đầu tư.

Theo cơ quan thuế, việc kê khai chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao đã giúp Coca-Cola Việt Nam né thuế trong nhiều năm. Doanh nghiệp FDI này khai hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ, giá nhập tối đa có năm lên đến 85% giá vốn, khiến lỗ lũy kế ngày càng tăng.

Cơ quan thuế đã xếp Coca-Cola Việt Nam vào danh sách các doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế. Năm 2013, Coca-Cola mới chịu báo lãi.

Thực tế, sản lượng doanh nghiệp FDI này liên tục tăng 25% mỗi năm, năm 2014 lại tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 210 triệu USD. Hai năm 2015 và 2016, doanh thu của Coca-Cola Việt Nam đều đạt gần 7.000 tỉ đồng, với lãi sau thuế khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm.

Vì sao Heineken bị truy thu đến 917 tỉ đồng?

Ngay sau Coca-Cola bị truy thu thuế, thêm một "ông lớn" khác trong ngành nước giải khát, bia rượu được nêu tên, là Heineken Việt Nam. Tổng số tiền truy thu lên đến 917 tỉ đồng, lớn hơn cả số tiền mà Coca-Cola Việt Nam phải nộp.

Số tiền thuế phải nộp này liên quan vụ chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội hồi cuối năm 2018, do Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) chuyển nhượng cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam.

Kinh doanh chục năm, báo lỗ liên tục, Coco-Cola, Heineken và loạt ông lớn FDI né thuế hàng nghìn tỉ ở Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng số tiền thuế Heineken Việt Nam phải nộp vào ngân sách là 917,2 tỉ đồng. (Ảnh: Phúc Minh).

Giá trị thương vụ chuyển nhượng được xác định lên đến hơn 4.800 tỉ đồng.

Sau đó, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp thay tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế gần 823 tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd có văn bản gửi Cục Thuế Hà Nội, về việc xin được miễn giảm số thuế trên theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Chính phủ Việt Nam - Singapore. 

Vì vậy, số tiền thuế 823 tỉ đồng trên vẫn chưa được nộp cho cơ quan thuế.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Singapore và luật Dân sự quy định, trường hợp giá trị bất động sản chiếm từ 50% giá trị tổng tài sản chuyển nhượng thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng ở nước sở tại. 

Áp dụng vào thương vụ nghìn tỉ này, giá trị bất động sản chiếm hơn 50% giá trị tổng tài sản chuyển nhượng, do đó Heineken phải nộp thuế tại Việt Nam. 

Tổng số tiền thuế Heineken Việt Nam phải nộp vào ngân sách là 917,2 tỉ đồng, gồm tiền thuế và tiền chậm nộp.

Vụ né thuế hơn 4.000 tỉ đồng của 2 đại gia bán lẻ Metro và Big C

Trước đó, một loạt doanh nghiệp FDI khác cũng đã bị cơ quan thuế truy thu, trong đó, một số vụ lên đến hàng nghìn tỉ đồng. 

Năm 2015, qua hơn 1 năm thanh tra, ngành thuế phát hiện hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn thuế tại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam). 

Metro Việt Nam bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2002. Mạng lưới hệ thống ở 16 tỉnh, thành trên cả nước nhưng đến năm 2013, tức đúng 10 năm hoạt động nhưng doanh nghiệp FDI này vẫn khai lỗ, tổng lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỉ đồng, và chỉ duy nhất một năm hiếm hoi có lãi, lãi 173 tỉ đồng.

Xác định doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, thanh tra Tổng cục Thuế đã vào cuộc và qua thanh tra. Cơ quan này đã yêu cầu công ty điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu 507 tỉ đồng. 

Kinh doanh chục năm, báo lỗ liên tục, Coco-Cola, Heineken và loạt ông lớn FDI né thuế hàng nghìn tỉ ở Việt Nam - Ảnh 3.

2 ông lớn bán lẻ Metro Việt Nam và Big C bị truy thu hơn 4.000 tỉ đồng nợ thuế. (Ảnh: Phúc Minh).

Đặc biệt, cơ quan thuế buộc doanh nghiệp điều chỉnh giảm lỗ đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo điều kiện thủ tục là 335 tỉ đồng. 

Khoản tiền này được xác định là hành vi chuyển giá. 

Thủ thuật của Metro Việt Nam là thực hiện giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức. Cụ thể, chi phí nhượng quyền thương mại giai đoạn 2001-2013 lên tới 731 tỉ đồng. Thanh tra bóc tách và loại khỏi chi phí hợp lí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại cho công ty mẹ tại Đức số tiền 7,5 tỉ đồng trong năm 2012-2013.

Tiếp đó, thanh tra phát hiện trong vòng 3 năm, Metro Việt Nam đã cố tình không đăng kí hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công Thương, nhưng vẫn đưa vào hạch toán chi phí này. Từ đó, thanh tra thuế buộc điều chỉnh giảm chi phí này với số tiền 245 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, khi thực hiện thương vụ chuyển nhượng thương hiệu cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan, cơ quan thuế đã chính thức thu được 1.911 tỉ đồng tiền thuế của Metro.

Gần nhất, một đại gia trong ngành bán lẻ khác bị truy thu thuế hơn 2.000 tỉ đồng là Big C. Theo đó, hệ thống siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) khi chuyển nhượng cho đại gia bán lẻ Thái Lan Central Group vào tháng 4/2016, với trị giá hơn 1 tỉ euro nhưng không chủ động nộp thuế.

Tổng cục Thuế đã liên tục có "tối hậu thư" nếu không nộp thuế, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ không cho đổi chủ. Đến lúc đó, bên bán đã phải ủy quyền cho bên mua nộp thuế thay hơn 2.000 tỉ đồng.

Doanh nghiệp FDI đóng thuế chưa tương xứng lợi nhuận

Theo báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI và chính sách ưu đãi tài chính của Bộ Tài chính công bố vào đầu năm 2019, cho biết đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động.

Cụ thể, năm 2012, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp vào ngân sách, chưa kể thu từ dầu thô, hơn 83.000 tỉ đồng, năm 2013 hơn 111.000 tỉ đồng.

Đến năm 2016 là 161.000 tỉ đồng, chiếm 19% tổng thu ngân sách và đến năm 2017, chỉ còn chiếm 14,5% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết tốc độ tăng về số nộp ngân sách (7%) của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2017 so với năm 2016 thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%), và lợi nhuận sau thuế (22,6%) cho thấy đóng góp ngân sách của doanh nghiệp FDI tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động.

Bộ Tài chính cho rằng điều này lí giải một phần do doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, khi đầu tư lớn vào các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Trong khi đó, thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mỗi năm có khoảng 40-50% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam kê khai lỗ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí mở rộng quy mô.

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định cơ quan thuế cần đưa các doanh nghiệp này, đặc biệt là các ông lớn FDI vào tầm ngắm thanh tra chống chuyển giá, trốn thuế.