Mua bán tiểu ngạch, buôn lậu... là một trong những nguyên nhân gia tăng kinh tế ngầm tại VN ẢNH: BÌNH MINH - ĐỒ HỌA: VĂN NĂM |
Một số tính toán ước tính, quy mô kinh tế ngầm lên tới 50 - 60 tỉ USD, tương đương 25 - 30% GDP. Nhưng con số này cũng đang còn nhiều tranh cãi.
"Lọt sổ" 20 tỉ USD
Một mảng ngầm nhưng khá rõ là chênh lệch lớn về số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa VN và Trung Quốc nhiều năm qua. Theo đó, con số từ Tổng cục Thống kê VN đưa ra luôn thấp hơn số liệu của phía hải quan Trung Quốc. Đơn cử, năm 2010, thống kê phía VN là
Giải pháp duy nhất để hạn chế và giảm thiểu kinh tế ngầm là cần tiến đến con đường “chính thức hóa” các hoạt động mà chúng ta đang “dung túng” cho phi chính thức TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM |
20,2 tỉ USD thì Trung Quốc thống kê là 23,1 tỉ USD, chênh nhau gần 3 tỉ USD và đến năm 2014 chênh nhau 20 tỉ USD.
Chi tiết hơn, riêng năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, VN nhập từ Trung Quốc gần 44 tỉ USD, song phía Trung Quốc lại thống kê là gần 64 tỉ USD thu được qua kênh xuất khẩu sang VN. Trong đó, chênh lệch lớn nhất các nhóm hàng liên quan tiêu dùng, sản xuất, gia công dệt may, máy móc, thiết bị… lên đến 12,5 tỉ USD. Hay nhóm hàng rau quả, số liệu của VN công bố năm 2014 chỉ nhập 500 triệu USD từ Trung Quốc, trong khi phía Trung Quốc công bố 2,1 tỉ USD, chênh nhau đến 1,6 tỉ USD. Đó là lệch số liệu nhập, còn xuất khẩu cũng lệch hàng trăm triệu USD chỉ với một mặt hàng khoáng sản. Năm 2014, số liệu nhập khẩu khoáng sản của Trung Quốc từ VN được hải quan hai nước công bố chênh nhau hơn 386 triệu USD, năm 2015 chênh hơn 133 triệu USD.
Con số 20 tỉ USD “lọt sổ” trong thống kê hàng nhập từ Trung Quốc vào VN sau đó đã được Tổng cục Thống kê lý giải do khác nhau về phương pháp thống kê, song đơn vị này cũng thừa nhận với biên giới kéo dài, hoạt động gian lận thương mại giữa VN và Trung Quốc là rất khó kiểm soát. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói thẳng, đây chính là kinh tế ngầm ẩn trong hoạt động buôn lậu, trốn thuế mà cơ quan gác cổng “càng gác càng bị lọt nhiều hơn. Số liệu chênh nhau luôn tăng qua mỗi năm”.
Thực tế, hoạt động mua bán qua đường tiểu ngạch, đường biên dài là một trong những nguyên nhân khiến hàng lậu, trốn thuế được tuồn về VN nhiều nhất. Năm 2017, ngành hải quan phát hiện hơn 15.000 vụ vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm thu về gần 790 tỉ đồng. Con số này chưa phản ánh hết bức tranh kinh tế ngầm của VN, song nó là một phần quan trọng đáng báo động, đặc biệt trong quản lý. Một chủ doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) chuyên nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc về TP.HCM qua đường tiểu ngạch cho biết, hàng hóa được “tập kết” hằng ngày qua các cửa khẩu và hóa đơn được phía đầu nậu Trung Quốc “lo”. Muốn có hóa đơn mua hàng thường phải cộng thêm 5% giá trị lô hàng.
Giao dịch không hóa đơn, giấu doanh thu…
Dự kiến trong quý 1 năm nay, “Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” bao gồm cả nền kinh tế ngầm, nền kinh tế phi chính thức và cả nền kinh tế bất hợp pháp sẽ được trình Thủ tướng. Mục đích báo cáo để triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia năm 2018. |
Một trong những vấn đề thuộc kinh tế ngầm được nhiều chuyên gia lưu ý các giao dịch tiền mặt, không hóa đơn chứng từ vẫn diễn ra phổ biến tại VN. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chị Hồng (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết chị đăng ký cho hai vợ chồng đi du lịch Nhật Bản với giá 35 triệu đồng/người. Khi nhận được thông báo đóng tiền cho công ty du lịch không phải là số tài khoản công ty mà là số tài khoản cá nhân của một nhân viên trong công ty này.
Phía công ty du lịch giải thích, một số khách hàng cá nhân như chị không có nhu cầu lấy hóa đơn và nhằm né thuế nên công ty nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Hiện tượng nhiều doanh nghiệp (DN) né thuế, bán hàng không xuất hóa đơn không còn là chuyện lạ. Đến nay, nhiều DN vẫn có hai hệ thống sổ sách kế toán, một để hạch toán nội bộ và một để báo cáo thuế.
Doanh thu của hai sổ này chắc chắn chênh nhau rất nhiều dù không có một con số điều tra nào. Loại hình này được coi là kinh tế ngầm. Nói chung các hoạt động sản xuất hợp pháp nhưng có chủ ý giấu giếm các cơ quan chức năng để giảm thuế phải nộp hoặc giảm đóng góp cho bảo hiểm xã hội theo quy định… là xếp vào dạng kinh tế ngầm.
Trên thực tế, cách tiếp cận thông tin của cơ quan thống kê là từ báo cáo quyết toán đã có con dấu của cơ quan thuế. Cách tiếp cận này đã bỏ sót rất nhiều doanh thu thực tế của DN.
“Trong quy mô nền kinh tế chưa quan sát được thì kinh tế ngầm và các hoạt động phi pháp như buôn lậu, ma túy... chiếm tỷ lệ lớn nhất. Quan trọng là chúng ta phải làm thế nào để chống được nó. Quy mô kinh tế ngầm hay phi pháp càng lớn là tỷ lệ thuận với tham nhũng. Chẳng hạn việc cán bộ thuế đi đêm thỏa thuận ngầm về mức thuế khoán cho các hộ kinh doanh. Điều này không chỉ làm thất thu thuế của quốc gia mà còn làm mất lòng tin của người dân và DN”, TS Bùi Trinh nói.
Hợp pháp nhưng không công khai
TS Lê Viết Thái, nguyên Trưởng ban Thể chế, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phân tích: Bên cạnh hoạt động buôn lậu, làm hàng giả hàng nhái thì những hoạt động kinh doanh hợp pháp nhưng không công khai là rất lớn. Đây là phần chính của kinh tế ngầm. Ví dụ dịch vụ dạy thêm rất hiếm có người đăng ký công khai; khám chữa bệnh tại nhà mà không mở phòng mạch hay cho thuê nhà đối với người thân, người quen không khai báo để tránh nộp thuế thu nhập cá nhân hay thuế môn bài...; hay nhiều hộ kinh doanh cá thể hoạt động không có hóa đơn chứng từ và cơ quan quản lý khó kiểm soát được doanh thu thực tế của các cơ sở này. Thậm chí hiện nay, các giao dịch buôn bán qua mạng internet ngày càng nhiều nhưng cũng khó xác minh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét: Khu vực kinh tế hộ gia đình đang phát triển và theo thống kê chiếm tỷ lệ 31% GDP, trong khi khu vực kinh tế tư nhân chính thức chỉ khoảng 10 - 11%. Số hộ gia đình chủ yếu nộp thuế khoán thông qua thương lượng với cán bộ thuế, không có căn cứ về doanh thu vì không có hóa đơn chứng từ.
TS Doanh nêu vấn đề: Vậy doanh thu bị giấu đi của số này là bao nhiêu? Mức thuế đáng lẽ phải nộp sẽ không hề nhỏ. “Tôi biết có nhiều hộ gia đình sử dụng cả trăm lao động hay cơ sở xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng trăm tỉ đồng vẫn không thành lập DN. Tình trạng hàng nhái, hàng giả cũng xuất phát từ các hộ gia đình nhỏ lẻ đã gây hại cho các DN lớn, trong khi cũng không thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Tôi gọi đây là kinh tế phi hình thức chứ không phải ngầm vì hoàn toàn lộ rõ và ai cũng biết. Cần phải tổng rà soát và liên kết để quản lý khu vực kinh tế hộ gia đình chặt chẽ hơn”, ông Doanh nói.
Còn TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng giải pháp duy nhất để hạn chế và giảm thiểu kinh tế ngầm là cần tiến đến con đường “chính thức hóa” các hoạt động mà chúng ta đang “dung túng” cho phi chính thức. Chẳng hạn kinh tế hộ gia đình, có nhiều thứ chúng ta chưa giải quyết được, nhưng phải có nghiên cứu thống kê để cân đối kinh tế ngầm thế nào, vì bản chất của xã hội phát triển nào cũng có nền kinh tế ngầm hoạt động, quan trọng là nó đóng góp bao nhiêu phần trăm cho GDP. Có rất nhiều mô hình kinh doanh đang phi chính thức cần chính thức hóa nó thì mặc nhiên nền kinh tế ngầm sẽ giảm thiểu.
Khó thống kê Mới đây, một nghiên cứu của Đại học Fulbright đưa ra cho thấy quy mô của kinh tế chưa quan sát được của VN hiện chiếm từ 25 - 30% GDP, tương đương 55 - 60 tỉ USD. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho rằng ước tính này là không đúng và quy mô nền kinh tế này thấp hơn con số nêu trên. Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Thống kê đang xây dựng đề án giải pháp thu thập thông tin của khu vực kinh tế chưa được quan sát. Hơn nữa, theo người đứng đầu đơn vị này, riêng hoạt động kinh tế ngầm và phi pháp không thể thu thập được thông tin theo cách chính thống do những quan điểm, cách hiểu khác nhau. Ví dụ nhiều quốc gia coi đánh bạc, mại dâm là những hoạt động hợp pháp; nhưng ở VN đánh bạc và mại dâm là phi pháp. Do đó, những hoạt động này không đưa vào khái niệm sản xuất và thu thập dữ liệu của thống kê VN. Đồng quan điểm, TS Lê Viết Thái, nguyên Trưởng ban Thể chế, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định: Tùy theo các quy định pháp lý của từng nước thì một hoạt động có thể là hợp pháp chuyển thành phi pháp hoặc ngược lại. Ví dụ tại VN, đánh bạc, đánh đề là phi pháp nhưng xổ số là hợp pháp dù bản chất gần giống nhau. Quan trọng nhất là các hoạt động buôn lậu, buôn hàng cấm thì không ai biết được. Tương tự hoạt động kinh tế ngầm, giấu doanh thu để né thuế thì khó có cuộc điều tra nào chính xác. “Nền kinh tế nào cũng tồn tại kinh tế ngầm và khi không quan sát được thì làm sao thống kê được? Nhưng nhiều quốc gia xây dựng được mô hình dự báo và chỉ có thể ước lượng để từ đó đưa ra các chính sách kinh tế phù hợp. Tuy nhiên, việc ước lượng đó cũng phải tính toán cẩn thận để có một mức độ chính xác hợp lý thuyết phục được mọi người. Quan trọng nhất là đứng sau việc làm đó là gì? Nếu để từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước là không khả thi vì nhiều hoạt động từ trước đến nay đã không thu thuế được. Còn nếu từ đó nâng quy mô GDP và đưa ra chính sách tăng tỷ lệ nợ công thì khá nguy hiểm cho nền kinh tế”, TS Thái chia sẻ thêm. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cũng cho rằng ở VN, kinh tế phi chính thức đã được chú ý từ lâu, nhưng chưa có một điều tra thống kê chính thức đầy đủ nào và có muốn cũng không dễ đo lường thống kê được. Liên quan đến tỷ lệ kinh tế ngầm được cho chiếm 30% GDP, con số này là thiếu căn cứ. Thậm chí trước đây còn có người công bố kinh tế ngầm chiếm hơn 50% GDP. Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là chúng ta giải quyết và ứng xử với nền kinh tế phi chính thức thế nào. Cần tính toán thật kỹ để không ảnh hưởng đến nền kinh tế và quan trọng là chính sách điều hành tối ưu hơn. Con đường để giảm bớt nền kinh tế phi chính thức còn dài, làm thế nào để đưa hoạt động mua bán bưng bê lên DN hay hộ kinh doanh lên DN để chính thức hóa hoạt động kinh tế là quan trọng. |
5 chuyển động lớn để Việt Nam bứt phá
Điều quan trọng là khát vọng và trách nhiệm đưa quốc gia bứt phá không phải chỉ của một nhà lãnh đạo, nó phải trở ... |