Kinh tế vỉa hè không phải là một khái niệm kinh tế, mà nó là ảo giác được sinh ra từ những thói quen dễ dãi và tùy tiện. Ảnh minh họa. |
Tuyến phố độc đạo xuyên qua khu tập thể nơi tôi ở, buổi chiều 9/3 như rộng hẳn ra. Đoạn vỉa hè, kiêm đường dạo bên hồ hàng ngày có hàng trăm quán bánh mỳ que và thịt xiên nướng, hôm nay không tăm dạng.
“Trật tự phường hôm nay quần cả ngày, mai quận ra quân”, cậu bạn tôi - chủ một quán café ven hồ tiết lộ.
Trong quán café khu tập thể, chuyện thời sự buổi chiều là số phận của những người kinh doanh vỉa hè chiều nay vắng bóng. Có người bảo “dẹp là đúng, vừa đỡ tắc đường, mà các cụ già trẻ nhỏ có đường đi dạo đúng nghĩa”. Có người lại chép miệng “nhưng mà tội nghiệp, những người bán hàng ở đó giờ không biết sẽ làm thế nào?”.
Rất nhiều tiếng chép miệng, rất nhiều tiếng thở dài, một bầu không khí cảm thương đang dâng lên cho đến khi một ai đó chợt hỏi: “Mấy năm trước, khi cái vỉa hè này mới làm xong, những người bán hàng đó đã ở đâu?” Những người kiếm sống trên vỉa hè đó đã ở đâu?". Câu hỏi thực sự là mấu chốt của vấn đề, là cánh cửa đóng lại mọi tranh luận về việc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ và quyền được mưu sinh trên hè phố.
Những vỉa hè như cái vỉa hè trên con phố độc đạo xuyên qua khu tập thể nơi tôi ở vốn không phải được sinh ra để làm nơi bán hàng. Nó chỉ trở thành nơi bán hàng khi người dân đã có thói quen sinh hoạt, vui chơi trên những vỉa hè đó, khi con đường nơi đó trở nên đông đúc, và người ta nhìn thấy cơ hội bán hàng nơi tập trung đông người.
Những quầy hàng ăn lớn nhỏ vốn không phải là thành phần cơ hữu của cái vỉa hè. Vỉa hè không có hàng quán thì vẫn là vỉa hè. Hàng quán, hay rộng hơn là nền kinh tế vỉa hè thực chất chỉ là thứ "ký sinh trùng" trên cơ thể của hạ tầng giao thông khi nó không được chăm sóc, giữ gìn và vệ sinh tử tế.
Và thứ "ký sinh trùng" ấy không chỉ làm suy yếu năng lực của hạ tầng giao thông, những biến chứng của nó còn gây loạn nhịp ở rất nhiều khía cạnh khác của đời sống đô thị.
Tại sao rất nhiều chợ, trung tâm thương mại được xây mới trong suốt gần 20 năm qua ở Hà Nội rơi vào cảnh hoang phế, đìu hiu như chợ Cửa Nam, hay cả chợ Hàng Da? Người ta sẽ chẳng có lý do gì để ra chợ bán hàng khi chỉ cần ra vỉa hè là có thể kinh doanh. Người ta sẽ chẳng có lý do gì để vào chợ đi chợ, khi mà mọi thứ có thể mua được ở vỉa hè.
Tại sao các doanh nghiệp ngần ngại tham gia xã hội hóa vận chuyển hành khách bằng xe bus? Chẳng ai muốn đi những chuyến xe bus với những điểm dừng phù hợp với hạ tầng đô thị theo quy hoạch khi mà mọi thứ phục vụ nhu cầu dân sinh đều có trên vỉa hè, không cần theo quy hoạch.
Trong một thành phố mà mọi nhu cầu dân sinh đều được phục vụ trên vỉa hè thì xe máy sẽ luôn là lựa chọn cơ động, linh hoạt và tiện lợi nhất.
Người ta rất hay nói đến nền kinh tế vỉa hè, mang nó ra làm "con ngáo ộp" để che lấp những nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè. Đúng là kinh tế vỉa hè có một vai trò rất lớn trong nền kinh tế của đất nước hiện nay. Song, kinh tế vỉa hè thực chất là gì? Cơ bản, đó là dựa trên kinh doanh dịch vụ, là kinh doanh thứ phát.
Một nền kinh tế dựa dẫm vào kinh doanh dịch vụ thứ phát có phải điều mà thực sự chúng ta mong muốn hay không?
Thời phổ thông, tôi có nhiều bạn học nhà ở mặt phố. Điều dễ nhận thấy ở phần lớn trong số họ là thiếu động lực, bởi số phận của họ dường như đã được định sẵn một con đường. Mặt phố cho thuê để người ta bán hàng, hoặc tự bán hàng, thế là đủ sống.
Vỉa hè mặt phố là một nguồn thu tiềm tàng và to lớn. Đó là điều không thể phủ nhận. Song, chính thứ tiềm năng ấy lại là một cái bẫy giữ người ta ở lại với thói quen mưu sinh dễ dãi và không cần khát vọng.
Kinh tế vỉa hè không phải là một khái niệm kinh tế, mà nó là ảo giác được sinh ra từ những thói quen dễ dãi và tùy tiện.
Bởi thế, lập lại trật tự vỉa hè, hạn chế kinh doanh vỉa hè không chỉ là câu chuyện của giao thông đô thị. Lập lại trật tự vỉa hè là bước đi đầu tiên của quá trình tạo nên một diện mạo đô thị mới. Mọi ước mơ xây dựng một thành phố phát triển, thành hay bại, chính là việc có đòi lại được vỉa hè hay không!