Kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng nổi bật

Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ số đều đạt kết quả khả quan. Đặc biệt, vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài tăng mạnh, nhờ hiệu ứng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của thế giới. (nhà đầu tư, tăng trưởng, đầu tư nước ngoài, Việt Nam, kinh tế, lãi suất)

Vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhờ Việt Nam là điểm đến hấp dẫn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều đạt kết quả khả quan, phù hợp với định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần ổn định nhằm thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực. Tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến tháng 9 tăng trưởng tín dụng đạt mức 11,02%, là mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế là tương đối tốt.

Điểm đáng chú ý, vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài tăng mạnh nhờ hiệu ứng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Bằng chứng, tính chung trong 9 tháng năm 2017, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI) đạt khoảng 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Về đối tác đầu tư, Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu; tiếp theo là Nhật Bản, Singapore...

kinh te viet nam dang co nhieu diem sang noi bat
Ảnh minh họa.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm sáng nổi bật nhất trong 9 tháng qua là tăng trưởng kinh tế có tín hiệu rất tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1%, riêng quý III tăng cao nhất đạt 7,46%, vượt mức kỳ vọng đề ra.

Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP đã tăng 6,41%, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,99%, làm cho mục tiêu 6,7% cả năm khả thi hơn.

Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhờ sự triển khai tích cực Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP cùng với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay.

Không những thế, các lĩnh vực xã hội đều có những tiến bộ và chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, trong 9 tháng đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,24 triệu người, đạt 77,3% kế hoạch năm, tăng 3,48% so với cùng kỳ.

Kiên trì thực hiện hài hòa các giải pháp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc... đều được các định chế tài chính lớn trên thế giới dự báo tăng trưởng tích cực; sản xuất toàn cầu tiếp tục tăng trưởng; giá cả hàng hóa thế giới duy trì đà tăng; giá dầu thế giới tuy đạt sát mức đỉnh trong tháng 9 nhưng dự kiến sẽ có biến động...

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với bối cảnh quốc tế khả quan, nền kinh tế trong nước dự báo tiếp tục có chuyển biến tích cực, thương mại quốc tế của Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cả ở trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động và quyết liệt hành động; tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ, Nghị quyết chuyên đề, nhất là các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và số 35/NQ-CP...

Đặc biệt, kiên trì và tiếp tục tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp, kết hợp hài hòa giữa ngắn hạn và dài hạn, gồm: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; Cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu hợp lý, mở rộng thị trường trong nước; Chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực; Đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công, trong đó thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ; (vi) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin đối ngoại quảng bá hình ảnh Việt Nam, nhất là trong dịp tổ chức sự kiện APEC.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quý III là quý quan trọng nhất quyết định đến khả năng đạt hay không đạt mục tiêu kế hoạch năm. Với kết quả tăng trưởng GDP quý III đạt 7,46% và tính chung 9 tháng 6,41%, nền kinh tế đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của năm 2017.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% vẫn còn đang ở phía trước, tăng trưởng quý IV ít nhất phải đạt tốc độ khoảng 7,31% trong khi phải duy trì mục tiêu ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững.

Do vậy, trong các tháng cuối năm, công tác điều hành tín dụng nên tập trung định hướng tăng trưởng mức hợp lý, có thể hướng tới mục tiêu tối đa là 21% nhưng cần có dẫn hướng tỷ trọng tín dụng cho các ngành ưu tiên, các ngành sản xuất kinh doanh, đảm bảo kiểm soát chất lượng tín dụng; công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.