KISV: Hoà Phát sẽ quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh từ năm 2024 nhờ ra mắt Dung Quất 2

Theo KISV, các vấn đề trong nước và toàn cầu kéo triển vọng các doanh nghiệp ngành thép, bao gồm Hòa Phát, đi xuống. Từ năm 2024, KISV cho rằng Hoà Phát sẽ tăng trưởng trở lại từ nhu cầu toàn cầu phục hồi và việc nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động.

Nhu cầu thép giảm trong năm 2023

Theo Chứng khoán KIS Việt Nam (KISV), trong năm nay, ngành thép chịu ảnh hưởng do lạm phát cao kéo dài làm giảm nhu cầu toàn cầu. Sang năm 2023, KISV nhận thấy nhu cầu toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại rõ rệt hơn.

Theo đó, kết quả hoạt động năm 2023 của hầu hết các ngành sử dụng thép cuối cùng dự báo sẽ sụt giảm. Mặt khác, một số tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản tại Trung Quốc và chính sách Zero-Covid sẽ giúp giải tỏa phần nào lo ngại dư cung từ Trung Quốc và hỗ trợ giá thép toàn cầu.

Bên cạnh đó, đối với thị trường trong nước, sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng có thể làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm thép. Với hơn 90% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường nhà ở trì trệ có thể làm giảm nhu cầu trong nước trong những tháng tới.

Hoà Phát đón triển vọng kém tích cực trong năm 2023, trước khi tăng trở lại vào năm 2024

Với diễn biến trên, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG) đã công bố kế hoạch đóng cửa 2 trong số 3 lò cao tại Hải Dương, 2 trong số 4 lò cao tại Dung Quất trong tháng 11 và thêm một lò nữa vào tháng 12/2022 nếu nhu cầu vẫn yếu. Theo Hòa Phát, công ty giảm sản lượng sản xuất để giảm tồn kho chi phí cao và chi phí vận hành.

Mới đây, Ban lãnh đạo công ty cho biết, Hoà Phát kỳ vọng các lò cao sẽ hoạt động trở lại vào quý I/2023, tuy nhiên còn phụ thuộc vào mức tiêu thụ tại thời điểm đó. Chi phí cho việc ngừng hoạt động và vận hành lại lò sẽ vào khoảng 40 - 50 tỷ đồng/lần và 7 ngày làm việc để hoạt động trở lại.

Trong năm 2022 - 2024, KISV giảm dự báo thu nhập của Hòa Phát do sản lượng tiêu thụ dự báo giảm đáng kể (12 - 41%, tùy thuộc vào từng sản phẩm) do nhu cầu được dự báo yếu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đơn vị này cũng dự báo doanh số bán hàng sẽ yếu hơn vào năm 2023.

Bên cạnh đó, năm 2023, KISV nhận thấy tác động của nâng tỉ giá và chi phí đầu vào giảm nhiệt nhờ nỗ lực ổn định đồng USD và VND của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, chi phí tài chính sẽ tiếp tục tăng do lãi suất cho vay ở mức cao cho cả 2 khoản vay USD và VND.

Trước đó, trong 9 tháng đầu năm, đồng USD tăng giá đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Hoà Phát do chi phí nguyên vật liệu đầu vào đắt hơn, lỗ tỷ giá và chi phí tài chính cao hơn đối với cả khoản vay bằng USD và VND.

Mặc khác, biên lợi nhuận được kỳ vọng sẽ cải thiện lên 19,4% vào năm 2023 từ mức 14,7% vào năm nay do giá đầu vào đã hạ nhiệt. Đối với Hòa Phát, việc giá HRC cải thiện gần đây nhờ tâm lý thị trường tốt hơn từ Trung Quốc có thể hỗ trợ tốt cho kết quả hoạt động của công ty trong năm 2023.

Sang năm 2024, KISV cho rằng Hoà Phát sẽ quay trở lại giai đoạn tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu phục hồi đáng kể và hoạt động “đúng thời điểm” của Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 (Dung Quất 2). Theo công ty, dự án này dự kiến sẽ được ra mắt một phần từ cuối năm 2024, trễ hơn kế hoạch ban đầu. Theo KISV, điều này hợp lý trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu và chi phí tài chính đắt đỏ.

Nợ tài chính dài hạn của Hòa Phát cũng được dự báo sẽ tăng lên khoảng 15.400 tỷ đồng vào năm 2024 để chi trả cho chi phí đầu tư của Dung Quất 2. Trước đó, nợ dài hạn được dự báo sẽ duy trì ổn định khoảng 13.400 tỷ đồng, còn nợ ngắn hạn sẽ duy trì quanh mức 24 - 36% doanh thu trong giai đoạn 2023 – 2025 để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động.

chọn
ĐHĐCĐ Becamex IJC: Quý đầu năm lãi sau thuế 40 tỷ, sắp mở bán Sunflower II và Prince Town II
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Becamex IJC tiết lộ doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất dự kiến quý I đạt 162 tỷ và 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào bán hàng dự án Sunflower II và Prince Town II trong quý III/2024.