Kon Tum: Kì lạ tục 'cà răng, căng tai'

Đối với người dân tộc thiểu số Brâu, “cà răng, căng tai” là một trong những chuẩn mực của cái đẹp. Chính vì thế, người dân thay phiên nhau tự “làm đau” bản thân để được đẹp.
kon tum ki la tuc ca rang cang tai
Nhà văn hóa làng Đăk Mế.

Phong tục lâu đời

Để hiểu rõ hơn về tục lệ “cà răng căng tai”, chúng tôi tìm đến làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi có phần đông người Brâu sinh sống. Brâu là dân tộc có dân số nhỏ nhất tại khu vực Tây Nguyên. Lúc đầu, chỉ với khoảng 200 người, nhưng đến nay con số đó đã lên đến 700 nhân khẩu.

Theo những người sống lâu năm trong làng tục “cà răng, căng tai”, là 1 trong những phong tục truyền thống của người Brâu. Tục này cũng được xem là đau đớn nhất từ trước đến nay mà người Brâu phải trải qua nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận vì không phải ai muốn cũng có thể thực hiện được. Vì chỉ những người giàu có, xinh đẹp mới đủ điều kiện để “cà răng, căng tai”.

“Lúc chuẩn bị “cà răng, căng tai” tôi sợ lắm, vì trước đó đã thấy nhiều người đau đớn rồi chảy máu. Khi bắt đầu, người ta lấy lưỡi dao có răng cưa cà vào răng của tôi. Lúc đó, tôi thấy tê, buốt và dần dần cảm thấy đau. Không chỉ đau, tôi còn chảy máu và ngất lịm đi nhiều lần, nhưng vẫn phải gồng người chịu đựng vì muốn dân trong làng công nhận mình người phụ nữ đẹp”, bà Năng Pế (63 tuổi), một trong số ít người còn lưu giữ được tục “cà răng, căng tai” ở làng nhớ lại.

Sau khi đã có bộ răng ưng ý, người cà răng được nhai lá gong như người kinh nhai lá trầu và mọi người đốt một loại cây rừng cho chảy nhựa vàng ra, sau đó nhổ nước lá gong vừa nhai xong vào nhựa này rồi dùng để chà răng.

Theo như người Brâu, làm như vậy sẽ giúp răng hết nhột và buốt, đồng thời răng sẽ vàng, đặc biệt về sau sẽ không bị đau và sâu răng nữa.

kon tum ki la tuc ca rang cang tai
Người phụ nữ đã thực hiện tục “cà răng, căng tai”

Riêng tục căng tai (Siu tiếp) bà Năng Pế cho biết, nó không đau đớn như cà răng, nhưng chỉ dành riêng cho những người có địa vị cao và giàu có.

“Lúc căng tai, tôi được người ta dùng thanh nứa hoặc lồ ô đã vót tròn và nhọn hơ dưới lửa của một loại lá rừng rồi đâm nhẹ vào tai. Mỗi ngày chỉ đâm một chút nên không gây đau đớn như cà răng. Sau đó, hoa tai bằng ngà voi được đeo vào”, bà Năng Pế cho biết.

Được biết, một bộ hoa tai bằng ngà voi phải làm mất mấy tháng mới có thể hoàn thành. Hoa tai bằng ngà voi rất nặng nên đeo lâu ngày dái tai sẽ bị kéo dài ra. Dái tai càng dài chứng to hoa tai to, điều đó nói lên sự giàu có của chủ nhân.

Mai một theo thời gian

Qua thời gian với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, người Brâu dần nhận thấy tục “cà răng căng tai” không tôn vinh vẻ đẹp và chứng tỏ sự giàu có của người thực hiện. Mà theo đó, tục lệ này ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm và đau đớn nên nhiều người Brâu không còn lưu giữ tục lệ này.

Theo như già Thao Lợi (Trưởng làng Đăk Mế), hiện cả làng chỉ còn 2-3 người còn lưu giữ tục lệ “cà răng, căng tai”, nhưng những người này đều đã lớn tuổi và có thể về với Yàng bất cứ lúc nào.

Mỗi cái hoa tai ngà voi có thể đổi được cả con bò nên hầu hết những người trong làng đều bán hoa tai ngà voi lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ không còn theo tục “cà răng, căng tai” nên người dân cũng không lưu luyến gì để giữ lại.

“Do sợ mất đi nét văn hóa truyền thống của người Brâu nên chính quyền xã đã xuống tận làng để tìm mua những ngà voi còn sót lại mang về bảo tàng trưng bày”, già Thao Lợi nói.

chọn
TP HCM chốt phương án điều chỉnh quy hoạch chung
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vừa được thông qua, thành phố dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng.