KTS Trần Huy Ánh: 'Không nên vội vàng tính chuyện sáp nhập quận Hoàn Kiếm'

Liên quan đến việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, theo KTS Trần Huy Ánh, đây là vấn đề liên quan kinh tế, văn hóa xã hội, lịch sử, địa lý nhân sinh, quản trị hành chính đa chiều, đa dạng. Nếu chỉ dựa trên chỉ tiêu diện tích và dân số thì đây mới chỉ là 2 tiêu chí có tính phổ quát, chưa đề cập tới các yếu tố đặc thù.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã mới đây, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025. 

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội. Tuy nhiên, thu ngân sách năm 2022 của quận lớn nhất, lên tới 12.500 tỷ đồng.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000 người. Trong 2 năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập. 

Một góc quận Hoàn Kiếm. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Chỉ dựa vào tiêu chí diện tích, dân số là chưa đủ

Trao đổi với người viết về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng việc sáp nhập các địa phương cần có những nghiên cứu khoa học cẩn trọng và khi công bố dự kiến thực hiện cần có sự lập luận rõ ràng. 

Việc sáp nhập là vấn đề liên quan kinh tế, văn hóa xã hội, lịch sử, địa lý nhân sinh, quản trị hành chính đa chiều, đa dạng. Nếu chỉ dựa trên chỉ tiêu diện tích và dân số thì đây mới chỉ là 2 tiêu chí có tính phổ quát, chưa đề cập tới các yếu tố đặc thù.

"15 năm trước, Hà Nội đã thực hiện mở rộng địa giới hành chính nhằm bổ sung quỹ đất để phát triển giao thông, tăng thêm chỉ tiêu cây xanh, mặt nước, thêm nghĩa trang, nơi chôn lấp rác…

Sau 15 năm, những mục tiêu nào được đáp ứng? Mục tiêu nào chưa? Ý nghĩa tích cực của nó ra sao... thì cần phải có những tổng kết khách quan, để đánh giá chuẩn xác và rút ra những bài học kinh nghiệm. Nếu hướng đi nào đúng thì phát huy, hướng nào chưa phù hợp thì điều chỉnh, tránh lấy cái sai mới sửa cái sai cũ.

Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm với đơn vị nào cũng vậy, Hà Nội cần nghiêm túc chấp hành chỉ đạo cấp trên, song cũng cần lập luận và tự đưa ra những mặt tích cực, hạn chế của việc sáp nhập để chủ động thực hiện.

KTS Trần Huy Ánh. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Năm 2023, Hà Nội lại bắt đầu điều chỉnh quy hoạch chung sau 10 năm công bố (2011 - 2021), Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050, đồng thời khẩn trương lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch 2017 và tuân thủ Quy hoạch tổng thể Quốc gia của Chính phủ.

Để lập các quy hoạch này, các quận huyện đang triển khai lập Quy hoạch vùng quận huyện. Quá trình rà soát đánh giá quy hoạch cũ, lập quy hoạch mới thì các quận như Hoàn Kiếm chưa nên vội vàng tính chuyện sáp nhập; cũng như một số huyện khoan nghĩ đến việc lập thành phố trong thành phố.

Thay vào đó, các địa phương cần làm rõ các mặt mạnh yếu, chỉ ra động lực phát triển của địa phương mình và giải những bài toán như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cơ hội sinh kế , an sinh xã hội...", KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.