Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV có gì nổi bật?

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước, lấy phiếu tín nhiệm và biểu quyết thông qua nhiều dự án luật quan trọng là những điểm nổi bật.

Sáng nay, 22/10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ dành 24 ngày xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trước khi bế mạc vào ngày 21/11.

Mặc niệm cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Theo đó, từ 7h15', các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc 8h00, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua chương trình kỳ họp. Đúng 9h00, Quốc hội họp phiên khai mạc.

Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại phiên họp trù bị sáng 22/10, Quốc hội dự kiến dành một phút mặc niệm cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cố đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông, những người qua đời trong thời gian qua từ kỳ họp thứ 5 vừa qua tới kỳ họp thứ 6 này.

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, qua đời ngày 1/10, là đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII, IX.

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, qua đời ngày 21/9, là đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV.

Cố đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông, qua đời ngày 31/8, là đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Bầu Chủ tịch nước, phê chuẩn Bộ trưởng Bộ TT&TT mới

Trong ngày hôm nay - ngày đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội sẽ khởi động quy trình bầu Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Việc bầu và công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23/10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10. Việc bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp sẽ giúp thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Hiện, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức quyền Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Cũng về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn và xem xét, phê chuẩn Bộ trưởng mới. Quy trình diễn ra trong ngày 23-24/10.

Người giữ chức quyền Bộ trưởng TT&TT hiện là ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn

Theo chương trình dự kiến của Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong chiều 24/10.

Những chức danh lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó chủ tịch nước; Chủ tịch, 4 phó chủ tịch Quốc hội; 12 chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, 5 phó thủ tướng, 20 bộ trưởng; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

So với lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất (năm 2014), kỳ họp này có 2 chức danh không lấy phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông; do tính đến thời điểm lấy phiếu hai người giữ chức danh này chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định.

Có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào

Một điểm nhấn đáng chú ý tại kỳ họp này đó là Quốc hội không chất vấn số lượng thành viên Chính phủ cụ thể. Thay vào đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người đã được chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv co gi noi bat
Các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, nếu có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông thì Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời thay.

Thời gian dự kiến cho chất vấn là 3 ngày. Mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút. Người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của 1 đại biểu, việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề…

Thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Tại kỳ họp lần này, dự kiến dự án luật quan trọng là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua.

Cho đến thời điểm này, còn 2 loại ý kiến khác nhau nên bản dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình ra Quốc hội vào kỳ họp 6 sẽ trình cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv co gi noi bat
Dự kiến dự án luật quan trọng là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Theo đó, với phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định. Trên cơ sở các chứng cứ, ý kiến tranh tụng, tòa án sẽ xem xét và đưa ra phán quyết để bảo đảm tính minh bạch, công khai.

Với phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Nếu thông qua, Việt Nam là nước thứ 5 trong số 11 nước thông qua hiệp định này. CPTPP có hiệu lực khi có ít nhất 6/11 nước thông qua.

CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.

Với Việt Nam, CPTPP sẽ tác động rất lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới một cách phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...

Ngoài ra, do là kỳ họp cuối năm, cũng là giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ và thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020.

Quốc hội cũng nghe báo cáo và cho ý kiến việc thực hiện nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo giữa kỳ thực hiện Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020...

Quốc hội dự kiến dành 9,5 ngày xây dựng pháp luật. Thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày; xem xét quyết định nhân sự là 1,5 ngày. Thời gian dành cho giám sát chuyên đề và các vấn đề khác là 10 ngày.

Trong 9,5 ngày xây dựng pháp luật, ngoài dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội dự kiến thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv co gi noi bat Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh trong tuần sau

Dự kiến từ 24 đến 25/10, các đại biểu sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu ...

ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv co gi noi bat Quốc hội bầu Chủ tịch nước, phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ ...

chọn
ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.