Khu tái định cư bị bỏ hoang
Khu tái định cư cho người dân tại thôn Giang Đông chỉ toàn trẻ em. |
Năm 1996, người đồng bào H’Mông di cư từ Yên Bái vào thôn Giang Đông (xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) sinh sống. Lúc mới đầu chỉ vài gia đình nhưng đến nay, thôn Giang Đông đã có đến 157 hộ với 856 khẩu. Mỗi hộ có từ 5-6 người con nên cuộc sống nghèo đói luôn bám lấy họ.
Anh Chảo A Pính, Phó thôn Giang Đông cho biết, người dân ở đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, với nguồn thu nhập chủ yếu từ ngô, khoai, sắn... vì thế, tỉ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm 90% với 147/157 hộ. Do tính lười nhác lao động, lại thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt nên thôn Giang Đông luôn trong tình trạng nghèo “bền vững”.
Năm 2005, khu tái định cư mới được xây dựng theo quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ với 75 căn nhà và 5ha đất rẫy, nhằm mục đích di dời người dân ra khỏi thôn Giang Đông cũ để cải thiện kinh tế, điều kiện sống cho người dân. Mặc dù chỉ cách UBND xã Ea Đăh vài trăm mét nhưng các ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố lại trong tình trạng bị bỏ hoang lâu ngày.
Nhà tái định cư ngày càng xuống cấp do không có người ở. |
Chính quyền di dời được vài ngày thì người dân lại tự ý bỏ về thôn cũ ở. Nhiều lần cơ quan chức năng đã xuống vận động, can thiệp nhưng các hộ dân nhất quyết không ra với lí do 5ha đất không đủ để canh tác và nuôi sống gia đình.
Theo quan sát của chúng tôi, những ngôi nhà ở khu tái định cư mới do bị bỏ hoang lâu ngày đã trở nên cũ kĩ, xập xệ, nhiều căn nhà cửa đã bung và rớt hẳn ra. Số khác cửa đóng im lìm với ổ khóa đã hoen rỉ vì nắng mưa.
Khu tái định cư chỉ toàn...trẻ em!
Do trong thôn Giang Đông cũ không có trường học, các trung tâm y tế lại cách xa. Điện, nước chưa về đến bản nhưng tệ nạn ma túy, trộm cắp lại phát triển mạnh nên nhiều gia đình đã đưa các em ra khu tái định cư mới sinh sống, thuận tiện cho việc đi lại và học tập. Chính vì thế, khu tái định cư mới hầu như chỉ toàn trẻ em.
Ngồi lặng lẽ trong căn nhà cũ kĩ với vật dụng giá trị nhất chỉ là chiếc tivi trắng đen, em Hờ A Phòng, học sinh trường THCS Chu Văn An cho biết, hiện đang sống chung với một người em và hai người cháu. “Một tuần em chỉ về nhà cũ vào ngày cuối tuần để lấy gạo và ít đồ ăn. Hôm nào không về được thì bố mẹ chở ra cho, chứ trước giờ bố mẹ em chưa ở đây lần nào”, A Phòng cho biết.
Các em nhỏ do sống xa bố mẹ nên phải tự lo mọi việc trong nhà. |
Cũng tự túc nấu ăn và đi học, em Sổng A Nụ (học sinh lớp 4) với thân hình nhỏ bé, đen nhẻm, gương mặt lem luốc nhưng đã biết nấu ăn từ năm 7 tuổi để lo cho cô em gái ở chung. “Ở đây, hầu hết tất cả các bạn đều không có bố mẹ ở cùng nên phải tự học, tự chăm sóc và chơi với nhau. Có lúc không có tiền đóng tiền điện, người ta cắt điện, chúng em lại phải soi đèn pin để học”, A Nụ cho hay.
Nhìn khuôn mặt ngây thơ của các em học sinh nơi đây khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mặc dù thiếu thốn sự chăm sóc, tình thương của bố mẹ nhưng các em nhỏ vẫn ngày ngày tự chăm sóc cho nhau với hi vọng đến trường tìm con chữ để thoát khỏi cái nghèo.
Trao đổi về khu tái định cư chỉ toàn trẻ em, ông Đinh Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Đăh cho biết, khu tái đinh cư được xây dựng cách đây đã nhiều năm, nhưng chỉ có hơn 10 hộ dân sinh sống.
“Chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp để vận động người dân từ Giang Đông chuyển đến khu vực tái định cư mới sinh sống. Nhưng người dân vẫn dựng chòi trong thôn Giang Đông để ở, chính quyền đã thuyết phục nhiều lần nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn. Các nhà hảo tâm từ thiện cũng thường xuyên xuống trao tặng quà tết, sách vở, gạo, đồ dùng... các chế độ chính sách thì người dân đều được hưởng theo chủ trương của Đảng và nhà nước, nhưng người dân nhất quyết không chịu di dời”, ông Hạnh thông tin.
Theo ông Hạnh, khu vực này hầu như chỉ toàn trẻ em là do bố mẹ các em làm nương rẫy ở thôn Giang Đông cũ nên không thể ra sinh sống cùng các em. “Hiện nay, vấn đề học hành của các em còn gặp nhiều khó khăn, nhiều em phải bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy. Chính quyền cũng đang từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân, để các em có thêm điều kiện để học tập”, ông Hạnh chia sẻ.