Chiều 24/2, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng và Liên danh các nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã ký thoả thuận cam kết hợp tác đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan Nhà nước có thầm quyền.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh khẳng định, đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Xác định cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cần có bước đi chiến lược, quan trọng – có đường mới có thể thoát nghèo.
Con đường cũng là khát vọng của nhân dân và nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Để hiện thực hóa dự án này, cả hệ thống chính trị của tỉnh qua các nhiệm kỳ đã vào cuộc quyết liệt để công trình được triển khai sớm nhất.
Vì vậy, để tăng tính khả thi, tỉnh Cao Bằng đã kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu. Sự kiện hôm nay thể hiện lời phúc đáp và các nhà đầu tư quan tâm, có nguyện vọng và quyết tâm thực hiện dự án.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 13.181 tỷ đồng, thực hiện góp vốn áp dụng mô hình 3 chữ P, gồm: Vốn ngân sách nhà nước (P1) là 6.580 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư (P2) là 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác (P3) là 5.371 tỷ đồng.
Ngoài phần vốn ngân sách nhà nước và vốn chủ sở hữu nhà đầu tư thì với phần vốn huy động khác, nhà đầu tư sẽ huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)…; trong đó liên danh nhà đầu tư (Đèo Cả, Văn Phú - Invest, Phú Mỹ, Thành Lợi) cam kết tham gia phần vốn hợp tác đầu tư (BCC) là 2.685 tỷ đồng và cùng với UBND tỉnh để huy động phần còn lại khoảng 2.685 tỷ đồng (vốn tín dụng) để thực hiện dự án.
Trước một dự án khó, việc các nhà đầu tư cam kết cũng chứng minh, phương án huy động vốn theo mô hình 3 chữ P (P - "vốn ngân sách", "P - "vốn chủ sở hữu nhà đầu tư" và "P - "vốn huy động khác") là khả thi để triển khai thực hiện dự án. Việc lựa chọn nhà đầu tư ở bước sau vẫn được thực hiện theo quy định.
Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đi đầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư, đã xây dựng thành công các công trình trọng điểm của ngành giao thông như hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cửa Lục, hầm Bao biển…
Bên cạnh đó Văn Phú - Invest là nhà đầu tư bất động sản có gần 20 năm kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án bất động sản đô thị có quy mô lớn như Khu đô thị Văn Phú- Hà Đông; Khu đô thị Cồn Khương - Cần Thơ, các dự án PPP như cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Dự án BT 5 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị và dân cư quận Hà Đông - Hà Nội, cùng nhiều dự án BT uy tín…. Cùng với đó, Thành Lợi là nhà đầu tư phát triển dịch vụ logistics, Phú Mỹ là nhà đầu tư phát triển Khu công nghiệp đô thị…
Sự kết hợp của 4 nhà đầu tư là cộng thêm sức mạnh, đồng lòng, quyết tâm cùng tỉnh Cao Bằng thực hiện tuyến đường cao tốc, mở thêm cơ hội để Cao Bằng phát triển đồng bộ các khu đô thị, công nghiệp, các dự án bất động sản, trung chuyển, thương mại dịch vụ hiện tại.
Liên danh nhà đầu tư được đề xuất hoặc tham gia đăng ký đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và cam kết sử dụng lợi nhuận từ các dự án này đầu tư vào Dự án cao tốc.
Các nhà đầu tư cam kết chứng minh phương án PPP, phương án huy động vốn là khả thi và việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án ở bước sau vẫn được thực hiện theo quy định.
Về phía tỉnh Cao Bằng, cam kết tập trung mọi nguồn lực cho dự án và chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện tốt vai trò cơ quan có thẩm quyền.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án quan trọng của tỉnh Cao Bằng, thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Điểm đầu dự án tại vị trí nút giao của tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc địa phận huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).
Điểm cuối dự án tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh). Quy mô dự án giai đoạn hoàn thiện 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 17m, phần tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012.