Làm đại gia Việt dễ hay khó?

Việc xuất hiện trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam chưa đủ để đảm bảo vị trí này có thể là vĩnh cửu.

Chưa bao giờ danh sách người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam lại thay đổi và có nhiều bất ngờ như năm 2016.

4 đại gia mới nổi

Từ 2010 đến cuối năm 2016, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup - đứng trên đỉnh của sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong gần 7 năm đó, không cái tên nào đủ tiềm lực để so sánh với tỷ phú Vượng về khối lượng tài sản trên sàn chứng khoán. Thế nhưng chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - đã làm được điều mà trong 7 năm không ai làm được đó là soán ngôi ông Vượng và trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán.

Khối tài sản của ông Quyết tăng nhanh kể từ khi cổ phiếu ROS của Công ty CP xây dựng FLC Faros nơi ông nắm phần lớn cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 1/9/2016.

ROS tăng phi mã đẩy giá trị tài sản của ông Quyết tăng tới vài nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Từ một người vô danh trên sàn chứng khoán, chỉ sau 2 tháng, ông Quyết đã trở thành tỷ phú USD thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt.

Trong khi ông Phạm Nhật Vượng mất 4 năm kể từ khi VIC niêm yết để trở thành tỷ phú USD thì ông Trịnh Văn Quyết chỉ mất 2 tháng kể từ khi ROS niêm yết để đạt được danh hiệu này, nhờ cổ phiếu ROS. Đồ hoạ: Hiền Đức.

Cũng giống ông Quyết, ông Bùi Thành Nhơn, ông Đỗ Hữu Hạ và bà Lê Thị Ngọc Diệp trước đó chưa hề được nhắc tên trên sàn chứng khoán. Nhưng sau khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu, 4 cái tên này đã lập tức gia nhập danh sách người giàu năm 2016.

Trước khi cổ phiếu TCH của Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy niêm yết, khối tài sản của ông Hạ chỉ khoảng 31 tỷ đồng, thì ngay khi TCH niêm yết, con số đã tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.

Cũng với kịch bản tương tự, cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va niêm yết trên sàn chứng khoán ngày 28/12/2016 đã đẩy tổng tài sản của ông Bùi Thành Nhơn tăng hơn 7.000 tỷ đồng. Doanh nhân này trở thành người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán.

Giá trị tài sản của 3 vị đại gia trước và sau khi cổ phiếu doanh nghiệp của họ niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồ hoạ: Quang Thắng

Có mức tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên doanh nghiệp của nhiều vị đại gia trong số này đều không thực sự được coi là "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Tuy vậy, cổ phiếu các doanh nghiệp này vẫn đang được giao dịch với mức giá khá cao, đẩy vốn hoá đạt hàng chục nghìn tỷ đồng, vượt xa với các công ty lớn khác cùng ngành.

"Khó" như làm đại gia trên sàn chứng khoán

Việc nhiều người phút chốc trở thành đại gia trên sàn chứng khoán khiến cho chỉ số tài sản để gia nhập danh sách 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán cũng tăng lên.

Năm 2015, để lọt vào danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, mỗi đại gia cần sở hữu tối thiểu 1.500 tỷ đồng, thì năm 2016 con số này đã tăng lên thành 2.200 tỷ đồng. Những người sở hữu gần 1.500 tỷ đồng hiện nay chỉ xếp vị trí thứ 17, 18 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán.

Trong số những người giàu nhất sàn chứng khoán chỉ có một vài đại gia duy trì vị thế của mình lâu bền là ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương, bà Phạm Thuý Hằng với khối tài sản tới từ cổ phiếu VIC.

Ông Trần Đình Long và vợ Nguyễn Thị Hiền với khối tài sản đến từ cổ phiếu HPG tại Tập đoàn Hoà Phát. VIC và HPG cũng là những mã cổ phiếu giữ được sự ổn định qua nhiều năm và có đà tăng trưởng vững chắc.

Trong khi đó, nhiều đại gia chỉ xuất hiện thoáng chốc trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán rồi vụt tắt.

Nếu như năm 2014, ông Đoàn Nguyên Đức là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán thì đến năm 2015 vị trí thứ 2 đã thuộc về ông Trần Đình Long. Thậm chí, năm 2016, ông Đức còn tụt xuống vị trí thứ 12 trong số những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Một số đại gia từng lọt danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán những năm trước. Đồ hoạ: Hiền Đức.

Không chỉ ông Đức, nhiều doanh nhân khác như bà Nguyễn Hoàng Yến, bà Chu Thị Bình, ông Nguyễn Duy Hưng hay ông Lê Phước Vũ từng có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay đều đã tụt xuống vị trí trong top 20.

Ngay cả một số đại gia đang nằm trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán cũng ghi nhận khối tài sản có dấu hiệu giảm dần.

Khối tài sản của ông Đỗ Hữu Hạ đã giảm gần 2.000 tỷ đồng kể từ thời điểm mới niêm yết TCH. Giai đoạn đầu, cổ phiếu TCH tăng kịch trần đạt 32.750 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian tăng nóng thì nay cổ phiếu TCH đã bắt đầu hạ nhiệt khiến khối tài sản của ông Hạ teo dần theo thời gian.

Hiện tại, những mã cổ phiếu của các đại gia mới nổi như ROS, NVL… cũng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, và thị trường sẽ là thước đo chính xác nhất cho giá trị thực của các cổ phiếu cũng như doanh nghiệp này.

Quang Thắng

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.