Trưởng bộ môn một trường đại học khoa học ở Việt Nam: "Những người không giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học không nên đăng ký làm hồ sơ xét duyệt chức danh GS, PGS".
Về năng lực ngoại ngữ:
Nếu là tiếng Anh, ứng viên chức danh PGS, GS cần phải có chứng chỉ quốc tế như TOEFL, TOEIC, IELTS… với mức điểm 5,5 của IELTS hoặc tương đương. Việc kiểm tra năng lực tiếng Anh trong HĐCDGS cơ sở và ngành như hiện nay vẫn còn theo cảm tính.
Về công trình nghiên cứu khoa học, sách xuất bản hiện được đánh giá khá cao và do vậy nhận được số điểm cao. Tuy nhiên, nhiều sách xuất bản hiện nay là sách dịch hoặc sách biên soạn nhưng không hoặc ít nêu rõ các nguồn tài liệu tham khảo.
Việc xét đến tiêu chuẩn phải có bài báo ISI/SCOPUS là cần thiết; tuy nhiên cần có lộ trình chứ không nên gây đột biến. Cũng cần phải cân nhắc về số lượng bài báo ISI/SCOPUS cụ thể cho từng ngành vì ngành khoa học tự nhiên có thuận lợi hơn ngành khoa học xã hội.
Việc tổ chức xét duyệt tiêu chuẩn theo 3 cấp như hiện nay là tốn kém và không cần thiết; do vậy trước mắt HĐCDGS cần nhanh chóng giảm xuống còn 2 cấp là cấp cơ sở và Nhà nước. Bước tiếp theo sẽ giao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc xét duyệt lẫn bổ nhiệm PGS, GS.
Cần tuân theo thông lệ của thế giới đối với chức danh PGS, GS. Những chức danh này chỉ được phong tặng cho cho những người làm việc ở trong các trường đại học, trung tâm và viện nghiên cứu với nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những người không giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học thì không nên đăng ký làm hồ sơ xét duyệt chức danh PGS, GS.
Một tiêu chí quan trọng khác là chất lượng của HĐCDGS cấp cơ sở và ngành. Ngoài việc sử dụng thông thạo tiếng Anh, các giáo sư trong hội đồng phải có bài báo quốc tế nằm trong danh mục ISI/Scopus.
Thực hiện được những giải pháp trên đây một cách đồng bộ và quyết liệt thì chắc chắn trong những năm sắp đến, đất nước chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ GS, PGS có uy tín và chất lượng, đồng thời tránh được những điều tiếng từ dư luận.
TS Kinh tế Nguyễn Kiều Dung: Chức danh GS không phải để vinh danh
1. "Luật chơi quyết định cách chơi"
Quy định của Nhà nước về công nhận PGS, GS như thế nào thì đa số giảng viên sẽ phấn đấu như thế. Nhưng liệu có nên tăng yêu cầu số bài ISI/SCOPUS lên như một số người đề nghị hay không thì phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Ngoài ra, do “luật chơi quyết định cách chơi”, khi thay đổi luật theo hướng tăng số bài ISI/SCOPUS lên thì cũng sẽ có một bộ phận không nhỏ tìm đủ mọi cách không hay ho gì để theo luật mới. Thị trường mua bán bài vở ISI/SCOPUS sẽ nhộn nhịp hơn. Bởi vì chưa chắc luật mới đã phản ánh đúng năng lực xuất bản của các giảng viên đại học.
2. Chức danh PGS, GS không phải là sự vinh danh cho một số ít người, mà là một chức danh nghề nghiệp để làm việc.
Thứ nhất, nên nghĩ rằng chức danh PGS, GS là một chức danh để để ghi nhận một người là chuyên gia của một lĩnh vực nào đó ở khu vực hàn lâm mà thôi. Các trường đại học phải có một tỷ lệ PGS, GS đủ lớn, để tạo uy tín của khoa và người dạy đối với người học. Cũng vì lẽ đấy cho nên nhiều trường Liberal Art (đều là những trường đạt chuẩn về giáo dục) của Hoa kỳ vẫn có PGS, GS mặc dù tiêu chuẩn để công nhận còn kém hơn cả Việt Nam.
Tỷ lệ PGS trở lên trong một khoa ở Việt Nam hiện nay vẫn tương đối thấp - tôi nghĩ khoa kinh tế là khoảng 25-40%, trong khi ở Mỹ chẳng hạn là 50-70%. Vậy căn cứ trên cái gì để tăng chuẩn lên nữa dẫn đến nguy cơ tỷ lệ này ở Việt Nam còn thấp hơn nữa?
Thứ hai, trình độ nghiên cứu của giảng viên Việt Nam chỉ có thế: trong ngành kinh tế của tôi, có lẽ 1/2 số người có khả năng xuất bản tương đối tốt làm việc ở viện tư nhân, các bộ ngành ngoài khu vực hàn lâm, và các trường liên kết, những nơi không đào tạo bậc cao học. Thế nên đưa ra tiêu chí như thế nào phải phù hợp với trình độ thực tiễn. Nên coi các trường liên kết ở Việt Nam như Việt-Đức, Việt-Nhật, Việt-Pháp là các trường hạng A, nơi có thể áp đặt những tiêu chuẩn cao như các nước trong khu vực (mặc dù cũng không phải tất cả các giảng viên ở đó, kể cả PGS, GS đều có chất lượng cao). Các trường công lập còn lại là các trường hạng B.
3. Nước nào cũng phải ghi nhận những đóng góp quan trọng, thiết thực đối với quốc gia
Trong ngành của tôi ở Việt Nam hiện nay, nghiên cứu chính sách là phần quan trọng nhất. Đấy là những phần yếu kém nhất ở Việt Nam và cần nhiều nghiên cứu nhất. Có rất nhiều câu hỏi quan trọng cần phải trả lời trong thời gian ngắn, không ai ngồi đợi được mấy năm mới xuất bản được một bài báo ISI/SCOPUS để có câu trả lời. Hiện giờ vẫn rất thiếu người làm những đề tài thiết thực.
Các nước phát triển có thể rất giàu có nên có nhiều tiền đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản ngẫu hứng. Nhưng Việt Nam vẫn phải dành phần lớn số tiền cho những nghiên cứu thiết thực nhất. Và những người làm những nghiên cứu thiết thực phải được khuyến khích, ghi nhận công lao bằng các học hàm PGS, GS.
4. Không nên đề cao thái quá ISI/SCOPUS
Không phải phi lý mà trên thế giới, ngành kinh tế và nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn khác không đòi hỏi có bài báo xuất bản quốc tế mới có bằng PhD. Đại đa số các nhà kinh tế Việt Nam chỉ xuất bản được các bài ISI/SCOPUS hạng thấp, những bài báo mà các GS các trường uy tín phương Tây giấu đi, không khai trong hồ sơ. Họ thường chỉ khai báo những nghiên cứu tiêu biểu là những bài báo chất lượng bao.
Không thể áp đặt tư duy của khoa học tự nhiên và kỹ thuật vào các ngành ngành khoa học xã hội và nhân văn, bởi ngành kinh tế chẳng hạn không quan tâm đến số lượng xuất bản nói chung (mà chỉ quan tâm đến số lượng những nghiên cứu chất lượng cao).
5. Kết luận
Đa số những giảng viên được công nhận PGS, GS không sai, mà phản ánh đúng năng lực nghiên cứu trung bình của các trường đại học ở Việt Nam. Phải coi trọng cả những người nghiên cứu đóng góp thiết thực đối với quốc gia và cả những người phấn đấu theo chuẩn quốc tế. Phải có cách nào đấy để tạo điều kiện cho người ta đàng hoàng được công nhận mà không phải chạy chọt ai cả.
Việt Nam có thêm hơn 1.200 GS, PGS không liên quan việc 'trượt' xếp hạng 350 đại học châu Á?
PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, Việt Nam không có trường đại học nào ... |