Trẻ con ở Việt Nam đang bị 'tước đoạt' những gì? |
Có nên vì ngại mà để mặc người khác ôm hôn con mình?
Ai sinh con ra cũng muốn con được mọi người yêu thương và quý mến. Tuy nhiên, yêu thương là một chuyện, thể hiện tình cảm đó như thế nào lại là một chuyện khác, nhất là gần đây, thông tin trẻ em lây bệnh chỉ từ hành động ôm hôn của người lớn đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vậy các bậc cha mẹ có suy nghĩ gì khi người khác ôm hôn con mình? Và họ sẽ phản ứng thế nào để cả con và khách đều thoải mái?
Chúng tôi đã khảo sát ý kiến của rất nhiều bà mẹ trẻ, và hầu hết trong số đó đều cảm thấy không hài lòng khi nhiều người nựng con quá đà mà lí do chủ yếu là sợ con lây bệnh, sợ mất vệ sinh.
Chị Bích Thủy (TP HCM) chia sẻ về quan điểm không cho người khác hôn lên mặt con mình. |
Chị Bích Thủy (mẹ bé NiNa, 8 tháng tuổi): Mình biết thói quen thơm má, môi hay vùng mặt em bé để thể hiện tình cảm là phong cách lâu đời của người Việt, và đó cũng là cách để người thân bạn bè chứng tỏ họ rất yêu con mình. Mình rất ghi nhận tình cảm đó, có điều không phải ai cũng biết, hành động cưng nựng như vậy có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe cho bé. Khi người ta đã ôm con mình trên tay và hôn hít mà mình nói thì cũng ngại, cho nên mình đã quán triệt tư tưởng với ông xã, dặn trước khách tới thăm chỉ ôm thôi, đừng hôn lên mặt bé. Mới đầu cũng sợ mất lòng thiệt, nhưng may là khách khứa cũng bạn bè, anh chị em nên hiểu mình không có ý gì, vì vậy cũng “dễ thở” hơn.
Chị Anh Thư (TP HCM) sau khi được bác sĩ cảnh báo về nguy cơ trẻ lây nhiễm bệnh khi bị người khác hôn, cũng rất đề cao cảnh giác. |
Chị Anh Thư (mẹ bé Olga 7 tháng tuổi): Hồi trước mình cũng không nghĩ gì, ai ôm hôn con cũng được. Nhưng sau mấy lần cháu bị cảm đi khám, bác sĩ ở phòng khám cũng có cảnh báo cho mình nguy cơ bé lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp khi bé bị hôn môi hay mũi, từ đó mình đã cẩn thận hơn. Thường có khách tới thăm mình ôm con trên tay, các cô chú cũng biết ý, chỉ nựng má con một chút rồi thôi. Riêng ông bà cô bác hai bên, mình cũng chia sẻ là bác sĩ dặn vậy đó nên hầu hết cũng hiểu và thông cảm.
Bé Xuka nhà chị Minh Thư (TP HCM). |
Chị Minh Thư (mẹ bé Xuka- 12 tháng tuổi): Ngay cả người làm mẹ như mình cũng rất hạn chế hôn môi, hôn mặt con vì mình biết miệng người lớn chứa đầy vi khuẩn. Mình không chê người khác dơ, nhưng thực sự đôi khi chúng ta mang nhiều mầm bệnh nhưng chính bản thân không hề biết, vì vậy việc lây nhiễm cho trẻ là hoàn toàn có thể xảy ra. Để khỏi mất lòng, mình thường mượn bố tụi nhỏ để từ chối khéo. Chẳng hạn như khi có khách tới thăm mà bố đang nựng con, mình sẽ nhắc nhỏ: anh ẵm thôi, đừng có hôn vào mặt con như thế không tốt. Mình nghĩ chỉ cần như vậy người ta cũng có thể hiểu được và hạn chế hành động quá thân thiết với con mình.
Chị Lê Thị Lài ngay từ khi mang bầu đã tìm hiểu những việc nên và không nên làm khi chăm sóc con. |
Chị Lê Thị Lài (mẹ bé Hana, 11 tháng): Từ ngày mang thai, mình đã thường xuyên tìm hiểu những điều không tốt cho con. Mình đã từng đọc nhiều bài báo nói về hệ lụy nghiêm trọng của việc ôm hôn con, thậm chí một số trường hợp con đã tử vong vì nụ hôn của bố nên nói thật là mình chẳng thích ai đụng chạm vào vùng mặt con mình. Thà mất lòng trước được lòng sau, chứ nhỡ con lây bệnh, lúc đó ai chịu đau, ai chịu ốm, ai khóc hộ con đâu? Theo mình, có thể 1, 2 lần đầu khi mọi người chưa hiểu sẽ tự ái hoặc giận nhưng rồi sẽ hiểu cho sự lo lắng của người làm mẹ như mình.
Mẹ càng ngại, càng gây hại
Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra với trẻ chỉ vì một cái hôn của người khác, thậm chí từ chính cha mẹ. Các trường hợp đau lòng này đã gióng lên hồi chuông cảnh tình những người có thói quen hôn môi trẻ.
Nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi người lớn hôn vào môi trẻ. (Ảnh: Lipglossladys) |
Làn da của trẻ sơ sinh mẫn cảm gấp chục lần người thường. Việc hôn môi trẻ nhỏ dễ truyền nhiễm bệnh, truyền nhiễm vi khuẩn sang cho trẻ. Việc hôn bé, đặc biệt là hôn môi hoặc mũi bé có thể gây ra những bệnh về đường hô hấp và lây qua nước bọt cho bé vì vòm miệng người lớn chưa rất nhiều vi khuẩn, chưa kể còn có khả năng chứa nhiều mầm bệnh. Chẳng hạn bệnh tay chân miệng, người lớn ít bị nhưng nếu đang bị loét miệng mà hôn trẻ thì mầm bệnh có thể từ người lớn truyền sang trẻ và làm trẻ mắc bệnh. Ngoài ra còn có những mầm bệnh khác có thể lây lan như mụn rộp, thủy đậu, quai bị, sởi...
Ngay cả em bé chưa chắc đã thích "được" hôn. (Ảnh: Tinygentleasians) |
Dưới đây là một số đối tượng mà mẹ cần cảnh giác không nên cho đến gần trẻ.
- Người bị viêm gan
- Người mọc mụn nước, người bị tiêu chảy
- Người hay trang điểm
- Người bị viêm loét dạ dày, người bị bệnh răng miệng, cảm cúm
- Người hút thuốc lá, thuốc lào
- Người bị quai bị
- Người bị viêm kết mạc
Các mẹ có thể từ chối khéo các hành động thân mật bằng cách cho mọi người nói chuyện với bé và luôn giữ bé trong lòng mình hoặc đưa tay của trẻ cho mọi người hôn thay vì hôn miệng, hôn má.
Hãy khéo léo yêu cầu gia đình và bạn bè vệ sinh tay trước khi bế em bé. Bản thân bạn cũng vậy vì người mẹ là người tiếp xúc với em bé thường xuyên nhất. Bạn có thể luôn đặt một lọ gel vệ sinh tay khô ở phòng khách và gợi ý cho vị khách của bạn dùng trước khi bế em bé. Rửa tay cho bé thật sạch sau khi được người lạ bế cũng là một cách tránh lây nhiễm bệnh hiệu quả.
(Ảnh: NVCC)