Ngày 3/10, trung tâm quận 1, TP HCM vẫn chìm trong bụi mịn và sương mù. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Các bác sĩ cho biết, để có sức khỏe tốt trong "mùa" ô nhiễm không khí, người dân cần thực hiện các biện pháp bảo vệ và chăm sóc cơ thể từ bên trong lẫn bên ngoài.
Chị H.T. (TP HCM) cho biết chị chở con nhỏ đi học đến 10km. Dù đã đeo khẩu trang cho con nhưng chị T. vẫn thấy không an tâm vì sợ bụi không khí có thể len lỏi qua lớp khẩu trang, lo ngại khi ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến não bộ, làm tăng nguy cơ chứng tự kỷ trẻ em.
Còn chị H.N. lại bối rối khi nghe ai đó cho rằng khẩu trang y tế thông thường không ngăn được bụi mịn. Vì vậy, chị N. tăng số lượng khẩu trang y tế để chặn được bụi mịn bằng cách dùng đến 3 chiếc khẩu trang. Tuy nhiên điều này lại làm chị N. ngột ngạt, khó chịu.
Duy trì thói quen tập thể dục từ 6h30-7h30 đã nhiều năm qua, nhưng những ngày gần đây bà N.T.T. (54 tuổi, TP HCM) lo ngại cho sức khỏe của mình vì nơi bà sinh sống bị ô nhiễm không khí mức cao.
Bà T. cho biết mình đọc báo thấy nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm không khí ô nhiễm nặng. Bà T. muốn biết bà cần tập thể dục thời gian nào và tập như thế nào để tránh ô nhiễm không khí.
Khẩu trang, máy lọc không khí... là những sản phẩm và thiết bị được các bác sĩ khuyến cáo người dân cần trang bị để bảo vệ cơ thể từ bên ngoài. Tuy nhiên, không phải cứ mua về là sẽ dùng hiệu quả. Hiện nhiều người suy nghĩ đeo càng nhiều lớp khẩu trang càng chống được bụi mịn.
BS Trịnh Hồng Nhiên - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM - cho biết không phải là sử dụng bao nhiêu chiếc khẩu trang mà quan trọng là khẩu trang bạn sử dụng phải là khẩu trang tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Một khẩu trang tốt cần có đủ 5 lớp, trong đó có đủ 3 lớp màng lọc: màng than hoạt tính, màng lọc tĩnh điện, màng lọc các hạt nhỏ. Ngoài ra còn có lớp thoáng để giảm cảm giác ngột ngạt khi đeo và lớp vải không dệt để lọc các chất ô nhiễm có kích thước lớn.
Cần chú ý khẩu trang chỉ được sử dụng một lần, không giặt sử dụng lại vì sẽ làm phá hủy lớp màng bảo vệ.
"Việc dùng hai chiếc khẩu trang hay lót thêm giấy không có bằng chứng cải thiện tác hại bụi mịn so với một chiếc. Mặt khác, việc dùng quá nhiều lớp khẩu trang có thể làm cho người sử dụng bị ngột ngạt, khó chịu hơn" - BS Nhiên nói.
Còn máy lọc không khí, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần mua ở cơ sở uy tín, có bảo hành, nơi sản xuất và chứng nhận nhà sản xuất rõ ràng. Thông thường, những máy lọc không khí tốt đều có phần lọc tương thích chuẩn HEPA.
Máy lọc không khí tốt thì cần có bộ lọc đầy đủ gồm 3 màng lọc: màng lọc thô - lọc bụi lớn, phấn hoa...; màng thứ hai - cũng là lớp quan trọng nhất - lọc bụi mịn (bụi PM2.5); màng thứ ba thường là carbon hoạt tính giúp hấp thụ mùi, vi khuẩn gây hại, nấm mốc.
Trong trường hợp không trang bị máy lọc không khí, người dân cũng có thể áp dụng một số biện pháp như: thường xuyên vệ sinh và thay bộ lọc máy điều hòa; quét, lau sàn nhà; trồng cây xanh, đối với những nhà không có khoảng vườn thì nên ưu tiên những loại cây thải khí O2 về đêm như: lô hội (nha đam), trầu bà, lưỡi hổ...
Bên cạnh đó, người dân cần chú ý trang bị mắt kính và áo khoác khi di chuyển ngoài đường. Đồng thời, tránh di chuyển tại khu vực ô nhiễm và hạn chế lưu thông trong giờ cao điểm.
Người dân đeo khẩu trang khi ra đường. (Ảnh: DUYÊN PHAN)
Khỏe bên trong, tăng sức đề kháng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nhiều người có thói quen tập thể dục ngoài trời đang e ngại việc hít vào - thở ra đều đặn sẽ làm tăng mức độ hít phải bụi mịn.
Đặc biệt khi hiện nay nhiều công viên tại các thành phố lớn lại được bao bọc xung quanh bởi những tuyến đường chính với rất nhiều phương tiện giao thông tham gia vào giờ cao điểm.
BS Nhiên cho hay đối với những ai có thói quen tập thể dục ngoài trời thì nên lựa chọn khung giờ sớm, lúc này sẽ rất ít phương tiện giao thông hoạt động. Bên cạnh đó, cần lưu ý nơi tập phải thông thoáng, có nhiều cây xanh và lựa chọn những bài tập phù hợp thể trạng mỗi người.
Sau khi ở ngoài đường về, người dân nên vệ sinh cá nhân bằng cách tắm rửa bằng xà phòng; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lí.
Về dinh dưỡng, người dân cần chú ý bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất (chất bột, chất béo, chất đạm, các vitamin và khoáng chất). Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm trái cây và rau xanh để phòng ngừa tác hại của các chất oxy hóa.
Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh nên đưa con trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là các văcxin tiêm ngừa các bệnh lí đường hô hấp. Việc bổ sung các thuốc tăng cường sức đề kháng là không cần thiết nếu trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.
Theo BS Trịnh Hồng Nhiên, sự phân bố các hạt bụi mịn và các chất gây ô nhiễm khác phụ thuộc vào tỉ trọng các chất gây ô nhiễm và ba yếu tố khác như: nhiệt độ, độ ẩm, gió.
Thông thường các hạt bụi mịn có khuynh hướng ở vùng thấp, tuy nhiên khi có gió hoặc nhiệt độ tăng cao thì các chất này có thể bay lên cao do hiện tượng đối lưu. Vì vậy, các chất này có thể phân bố khắp hết tầng đối lưu của khí quyển.
Việc ở tầng cao cũng không thể đảm bảo tránh được tác hại của những yếu tố này. Cần chú ý phòng tránh môi trường trong nhà và xung quanh khu vực mình sinh sống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về các cách hạn chế tác hại của bụi không khí, các chuyên gia cho biết:
Bà Phan Thu Phương (phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai):
Mọi người nên theo dõi các trang đo và cảnh báo chất lượng không khí, những thời điểm ô nhiễm không khí nặng hơn nên chú ý chăm sóc sức khỏe nói chung, giữ vệ sinh mũi, họng, ra đường nên đeo khẩu trang.
Những người có thói quen tập thể dục ngoài trời vào sáng sớm, nhất là người già, chúng tôi cũng khuyến cáo các bác nên tránh những thời điểm sáng sớm và tối muộn, vì đây là những thời điểm bụi không khí rất cao do đặc trưng thời tiết dễ ảnh hưởng sức khỏe.
Các bác lớn tuổi (nhất là người có bệnh mãn tính kèm theo như phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, hen...) chỉ nên ra đường khi thật cần thiết, tránh làm bệnh nặng hơn.
Do các hoạt động thể thao ngoài trời làm tăng hoạt động của phổi, người tập sẽ hít thở nhiều hơn, nên thời điểm không khí ô nhiễm thì chọn tập trong phòng tập với thiết bị để giảm các tác hại của bụi siêu mịn.
Trong môi trường không khí có bụi siêu mịn và bụi kích thước lớn, chúng ta thường chỉ cảm nhận được loại bụi kích thước lớn trong khi bụi siêu mịn có thể vào phổi, theo máu đi các cơ quan, gây viêm và gây các ảnh hưởng khác tới sức khỏe, đặc biệt là ở mắt, họng, ngoài da.
Ngoài bảo vệ sức khỏe, chúng tôi cũng khuyên mọi người nên thay đổi thói quen như tắt máy xe khi dừng đèn đỏ, ngưng sử dụng bếp than chuyển sang sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường khi đun nấu, không đốt rơm rạ, vàng mã...
Những người có sức khỏe yếu nên tiêm ngừa văcxin phòng cúm, phòng phế cầu định kỳ để bảo vệ sức khỏe.
Ông Doãn Ngọc Hải (viện trưởng Viện Sức khỏe lao động và môi trường):
Khi chọn khẩu trang cần chú ý đến các yêu cầu về độ kín khít, do nếu không kín thì không khí có thể đi qua kẽ khẩu trang, đồng thời chọn khẩu trang không ảnh hưởng đến tầm nhìn, không vướng víu, không quá nặng, không cản trở lực hô hấp gây khó thở.
Trên thị trường có nhiều loại khẩu trang. Tùy theo môi trường mà sử dụng loại khẩu trang nào, nhưng tôi cho rằng loại khẩu trang y tế giá vừa phải, nếu có thêm than hoạt tính, nano bạc kháng khuẩn là đã rất hiệu quả trong chặn bụi mịn.
L.ANH ghi