Lắng nghe người dân, Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình nhiều tuyến xe buýt để phục vụ hành khách tốt hơn

TP Đà Nẵng đang phát triển nhiều tuyến xe buýt tiện nghi, qua đó đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao, khuyến khích sử dụng để giảm ùn tắc giao thông.

Đà Nẵng có 14 tuyến xe buýt tiện nghi

Ảnh Lê Hường 2

Xe buýt Đà Nẵng. (Ảnh: Lê Hường).

Tại kì họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng, Ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, giao thông của Đà Nẵng chủ yếu là giao thông đường bộ, thành phố có 918 km đường nhưng có đến 2.700 nút giao thông. Xe buýt có 14 tuyến, đáp ứng 2% nhu cầu đi lại.

Theo Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đà Nẵng (Datramac), triển khai theo qui hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng tại TP Đà Nẵng, ngày 10/12/2016, Sở GTVT thành phố đã tổ chức lễ khai trương 5 tuyến xe buýt trợ giá đầu tiên của thành phố.

Tất cả các xe buýt thuộc hệ thống xe buýt trợ giá đều được trang bị hiện đại với nhiều tiện ích: điều hòa mát lạnh, nội thất tiện nghi, sạch sẽ, cửa đóng mở tự động, tivi, loa báo trạm.

Các tuyến xe buýt trợ giá này kết hợp với các tuyến không trợ giá đã góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra diện mạo mới cho hệ thống xe buýt của thành phố.

Từ ngày 1/7/2019, cùng với việc 6 tuyến buýt mới đưa vào hoạt động, hệ thống vận tải hành khách công cộng TP Đà Nẵng đã có 14 tuyến buýt trong đó có 11 tuyến trợ giá, 5 tuyến liên tỉnh và 2 tuyến du lịch.

Trong các tuyến xe buýt trợ giá, hầu hết các tuyến sẽ hoạt động từ 5h30 đến 21h00 hàng ngày với tần suất 10 phút/chuyến vào các khung giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào các giờ thấp điểm.

Duy nhất tuyến xe buýt R14: Công viên 29/3 - Khu Công nghệ Cao (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) hoạt động từ 4h30 đến 22h10, giãn cách 45 phút/chuyến, nhằm phù hợp với thời gian hoạt động của người lao động tại các khu công nghiệp.

Ảnh Travelling Club

Sinh viên đi xe buýt Đà Nẵng. (Ảnh: Travelling Club).

Về giá vé xe buýt, vé lượt: 5.000 đồng/lượt/hành khách; vé tháng ưu tiên: 45.000 đồng/tháng; vé tháng không ưu tiên: 90.000 đồng/tháng.

Lắng nghe người dân góp ý để xe buýt Đà Nẵng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thiết thực hơn

Đầu tháng 7 vừa qua, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã khai trương giới thiệu hoạt động 6 tuyến xe buýt có tên gọi R4A, R6A, R14, R15, R16, R17A.

"Xe buýt có máy lạnh mát rượi, sạch sẽ, nhân viên phục vụ hòa nhã thân thiện. Đi xe buýt thật sự rất an toàn, tiết kiệm và vệ sinh, không bị bụi bẩn đi đường. Phương tiện xe buýt quá tuyệt vời", chị Lam, người dân huyện Hòa Vang nhận xét về tuyến buýt R17A.

Tuy nhiên, trong quá trình dùng xe buýt di chuyển, người dân ở huyện Hòa Vang nhận thấy hai tuyến R4A và R17A chưa khai thác triệt để nhu cầu người dân đi lại nên ý kiến lên Sở GTVT thành phố.

Cụ thể, suốt cả lộ trình hơn 15 km từ Trung tâm hành chính Hòa Vang đến đường 2/9, xe tuyến R17A không đi qua 1 trường học, chợ hay điểm đông người nào nên sẽ rất ít người tham gia đi xe buýt.

Xe buýt Đà Nẵng

Xe buýt Đà Nẵng hoàn thiện lộ tình từ góp ý người dân. (Ảnh: Văn Luận).

Ngay khi nhận thông tin, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có Tờ trình số 3296/TTr-SGTVT báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem xét về việc cho phép điều chỉnh tuyến xe buýt R17A (Cảng Sông Hàn đi Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang) đi theo hướng từ đường Trường Sơn rẽ vào đường Quảng Xương (quốc lộ 14B cũ) đến Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.

Ngoài ra, điều chỉnh kéo dài tuyến xe buýt R4A (Cảng Sông Hàn đi Hòa Tiến) từ điểm cuối khu vực Trung tâm Thể dục thể thao xã Hòa Tiến qua chợ Lệ Trạch về kết thúc tại điểm cuối Vịnh đỗ xe trên đường ĐT 605 (khu đất đối diện Nghĩa trang xã Hòa Tiến).

Cũng từ ý kiến người dân, ngành giao thông vận tải TP Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành thực hiện điều chỉnh hành trình chạy xe 5 tuyến buýt hiện trạng từ ngày 1/11 tới, gồm tuyến buýt số 05 ,07, 08, 11, 12 nhằm nâng cao hiệu quả các tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn thành phố, khuyến khích người dân tham gia sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Sở GTVT vẫn đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt trong TP Đà Nẵng cho phù hợp với các điểm thu hút mới và phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân khi nhận được ý kiến đề đạt nguyện vọng.

UBND TP Đà Nẵng mới đây cũng đã đồng ý bắt đầu từ ngày 1/11/2019, đưa vào hoạt động tuyến buýt: Vũng Thùng – Công viên 29/3- Công viên Biển đông (tuyến buýt TMF).

Xe buýt liền kề chạy ẩu, gây ô nhiễm sẽ không đi vào khu vực nội thành

Thời gian qua, nhiều người dân Đà Nẵng bức xúc phản ánh việc các xe buýt chạy tuyến Tam Kỳ – Đà Nẵng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đi Đà Nẵng và ngược lại) ảnh hưởng đến an toàn người tham gia giao thông và ô nhiễm môi trường.

Chị Trương Thị Khánh Hòa, một người dân có ý kiến đến Sở GTVT: Xe buýt tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng thải ra lượng khói bụi rất ô nhiễm và tạo mùi hôi thối trên đường. Ngoài ra tài xế lái xe cũng rất ẩu.

"Tôi thực sự mong tuyến xe buýt này bị đình chỉ hoạt động hoặc được thay thế bằng mẫu xe mới để không khí thành phố trong sạch hơn, và không bị nguy hiểm về mặt giao thông", chị Khánh Hòa ý kiến.

Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, đã thường xuyên phối hợp với Sở GTVT tỉnh Quảng Nam tổ chức các cuộc họp để chấn chỉnh các trường hợp vi phạm của đội ngũ lái xe.

Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo Datramac phối hợp Thanh tra Sở tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xe buýt thông qua thiết bị giám sát hành trình từ 6h30 đến 18h30 hàng ngày (ngoài khung giờ này, các lỗi vi phạm sẽ được hậu kiểm vào ngày tiếp theo), đồng thời thành lập Tổ kiểm tra giám sát và xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của xe buýt ngoài hiện trường hàng tháng trên địa TP Đà Nẵng.

Từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2019, Sở GTVT thành phố đã kiểm tra các tuyến xe buýt liền kề trên địa bàn và xử lý 256 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt là gần 99 triệu đồng. Ngoài ra,thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Cổng thông tin điện tử thành phố, Trung tâm Dịch vụ công, đường dây nóng, website và facebook, Sở GTVT đã tiếp nhận và xử lí trên 500 trường hợp phản ánh liên quan xe buýt liền kề về chất lượng dịch vụ trong quá trình vận hành.

Tuy nhiên, đến nay tình trạng hạn chế nêu trên của các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam vẫn còn xảy ra.

"Thực hiện chủ trương của UBND TP Đà Nẵng, sau khi các tuyến xe buýt trợ giá mở mới đi vào hoạt động ổn định, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng, dự kiến vào cuối năm 2019", Sở GTVT TP Đà Nẵng trả lời.

Mạng lưới xe buýt Đà Nẵng

Mạng lưới xe buýt công cộng Đà Nẵng. (Ảnh: Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đà Nẵng (Datramac).