Làng ngoại thành Hà Nội dự kiến thu về 150 tỷ từ bán đấu giá gỗ sưa

Thôn Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) chuẩn bị tổ chức đấu giá lô gỗ sưa hơn 6 tấn, dự kiến thu ít nhất 146 tỉ đồng. Để tham gia đấu giá, người mua phải đặt cọc tối thiểu 1,5 tỉ đồng.

Người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã bắt đầu bán hồ sơ mời đấu giá lô gỗ sưa quý hiếm khai thác hồi đầu năm. Dự kiến, ngày 12/9 sẽ tiến hành tổ chức đấu giá tại trụ sở UBND xã Hòa Chính với giá khởi điểm khoảng 146 tỉ.

Tại khuôn viên chùa Vĩnh Phúc ở thôn Phụ Chính có 2 cây gỗ sưa, trong đó 1 cây là loại sưa đỏ quý hiếm. Các vị cao niên trong làng cho biết cây sưa đỏ có tuổi đời trên 130 năm, cây còn lại khoảng 50 năm.

Thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, riêng cây sưa đỏ được trả giá 26 triệu đồng/kg, tương đương hơn 100 tỉ đồng. Năm 2010, một nhánh của cây bị gãy đổ và được người dân khai thác, bán theo hình thức đấu giá với giá 20,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi vận chuyển số gỗ trên, cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ phát hiện, tạm giữ. Đến năm 2015, UBND huyện Chương Mỹ bán đấu giá được hơn 31 tỉ đồng. Câu chuyện thời điểm ấy gây xôn xao dư luận.

Làng ngoại thành Hà Nội dự kiến thu về 150 tỷ từ bán đấu giá gỗ sưa - Ảnh 1.

Cây sưa đỏ tại thôn Phụ Chính. (Ảnh: Phạm Trường - Anh Tuấn).

Nhận thấy giá trị gỗ sưa cao, nhiều kẻ gian có ý định lợi dụng mưa bão ra cưa trộm. Lo lắng, dân làng Phụ Chính góp tiền mua dây thép gai quấn quanh thân cây, đồng thời cử ra một tổ bảo vệ túc trực trông nom cả ngày lẫn đêm.

Tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân thôn Phụ Chính khai thác cây sưa theo đúng trình tự và quy định pháp luật.

Theo đó, 2 cây sưa thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính nên việc khai thác hoàn toàn do thôn quyết định. Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính tùy ý sử dụng số tiền thu được từ việc bán gỗ sưa.

Làng ngoại thành Hà Nội dự kiến thu về 150 tỷ từ bán đấu giá gỗ sưa - Ảnh 2.

Toàn bộ phiên đấu giá bán gỗ sưa sẽ do dân làng Phụ Chính phụ trách. Số tiền thu được chính quyền thôn sẽ họp bàn với dân để lập kế hoạch sử dụng. (Ảnh: Phạm Trường - Anh Tuấn).

Đến sáng 27/1, người dân trong thôn Phụ Chính cùng lực lượng chức năng bắt đầu chặt hạ 2 cây sưa tại chùa Vĩnh Phúc. Người dân sau đó kiểm đếm gỗ và cho vào trong thùng container hàn chắc lại, chờ thời điểm đem ra bán đấu giá.

Theo Dân Việt, đầu tháng 7 vừa qua, buổi đấu giá gỗ sưa lần thứ nhất đã không diễn ra bởi người mua hồ sơ không ai chịu đặt cọc. Nguyên nhân được cho là giá cao, lô gỗ đem bán lại tính cả phần vỏ, rác bám thân cây chứ không phải chỉ có phần lõi.

Sau đó, người dân trong thôn Phụ Chính thống nhất thuê 20 người đẽo toàn bộ phần rác và vỏ của hơn 6 tấn gỗ sưa. Phần loại bỏ ước tính vào khoảng 300-500 kg.

Ông Vũ Văn Tuyến, trưởng thôn Phụ Chính, cho biết lô gỗ sưa được chia làm 5 nhóm. Nhóm một gồm gốc nhỏ, rễ cây sẽ được bán với giá sàn là 6,5 triệu đồng/kg. Phần thân tùy theo chất lượng gỗ sẽ được phân thành các loại giá sàn khác nhau cao nhất bán 32 triệu đồng/kg. Còn lại, các loại gỗ khác bán lần lượt từ 15-28 triệu đồng/kg.

Tạm tính nếu bán hết số gỗ sưa với giá khởi điểm, thôn Phụ Chính sẽ thu về khoảng 146 tỉ đồng.

Ông Tuyến cũng cho biết ngày 22/8 đã chính thức bán hồ sơ đợt hai mời đấu giá. Ngày 9-10/9 bắt đầu nhận đặt cọc tiền. Người tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc tối thiểu từ 1,5 tỉ đồng đến 9,8 tỉ đồng tùy vào nhóm gỗ khi tham gia đấu giá. 

Sáng 12/9 sẽ tiến hành tổ chức đấu giá tại trụ sở UBND xã Hòa Chính.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.