Lão họa sĩ vẽ bảng hiệu bằng cọ tay hiếm hoi trên đất Sài thành

Công nghệ in ấn, kỹ thuật số phát triển nhanh hiện nay đã làm mai một nghề vẽ bảng hiệu quảng cáo bằng cọ tay nhưng giữa đất Sài thành vẫn còn một lão họa sĩ bám nghề dù cuộc sống còn nhiều gian nan, vất vả.

Một thời hưng thịnh

lao hoa si ve bang hieu bang co tay cuoi cung tren dat sai thanh
Lão họa sĩ Hoài Minh Phương là người hiếm hoi còn gắn bó với nghề vẽ bảng hiệu bằng cọ tay tại Sài Gòn.

Người thợ vẽ ấy là ông Nguyễn Thế Minh, nghệ danh là Hoài Minh Phương với gần 30 năm gắn bó với nghề. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân), ông Phương chỉ vào bảng hiệu với những nét vẽ dang dở giọng đượm buồn: “Thời hưng thịnh của nghề này qua lâu rồi, anh em lứa của tui người mất, người chuyển nghề, người tay run mắt mờ. Mấy thợ trẻ thì tôi không biết nhưng bạn vẽ thủa ấy giờ chỉ còn mỗi mình”.

Tuy không phải là con nhà nòi nhưng ông Phương yêu hội họa từ thuở nhỏ. Thời Trung học, sáng đến trường, chiều ông lại đến lớp học vẽ nằm trên đường Phan Đăng Lưu. Rồi những lần được nghe họa sĩ Vũ Trọng Hợp (anh em kết nghĩa với ba ông Phương) hướng dẫn và chỉ điểm đã giúp ông nắm được nhiều kỹ thuật hội họa để ôm ấp giấc mơ trở thành họa sĩ.

Nhưng cuộc sống vốn dĩ không như ông tưởng, sau 1975, ông gác bảng màu, cọ vẽ để lao vào cuộc mưu sinh như bao người. Mãi đến năm 1990, sau một vài năm đất nước mở cửa chuyển qua kinh tế thị trường, ông quay lại với đam mê thuở nào… nhưng là vẽ quảng cáo. “Ngày đó, Sài Gòn có rất nhiều phòng vẽ, giá cả khá cao mà việc thì chẳng bao giờ hết. Chúng tôi nhiều khi phải thuê thêm sinh viên Mỹ Thuật, Kiến Trúc để phụ việc với mình chứ không tài nào làm nổi”, ngừng tay cọ ông Phương hồi tưởng.

lao hoa si ve bang hieu bang co tay cuoi cung tren dat sai thanh
Những nét vẽ bằng cọ tay mang tâm hồn người họa sĩ.

Công việc của ông Phương ngày ấy rất đa dạng, ngoài việc vẽ pano, bảng hiệu... ông còn thực hiện luôn việc thiết kế mẫu, làm hộp đèn, đôi khi là sáng tác, sao chép tranh. “Nhiều người có vốn bước ra làm ăn nhưng không rành về tiếp thị nên bê hết mọi thứ lên bảng hiệu trong rất rối. Chúng tôi phải phân tích đúng sai, đẹp xấu vì nhìn bảng hiệu thì biết được trình độ văn hóa của chủ. Rồi nhiều khi cầm maket mà thấy hứng thú thì vẽ quên ăn”, ông Phương chia sẻ.

Nghề không phụ người

lao hoa si ve bang hieu bang co tay cuoi cung tren dat sai thanh
Ông Phương luôn gắn bó với công việc vẽ bằng cọ tay từ nhiều năm qua.

Sống với nghề khoảng 15 năm thì công nghệ in ấn phát triển đẩy những thợ vẽ như ông Phương ra khỏi cuộc chơi trong ngành quảng cáo. Mọi thứ trước đây được vẽ bằng cọ, sơn dầu trên bảng kẽm mà người thợ dùng cả tâm huyết để có thể hoàn thành trong vài ngày thì nay đã nhanh chóng được chuyển qua mọi chất liệu và hoàn tất trong vài giờ bởi công nghệ in tiên tiến. “Người ta thích nhanh, thích trào lưu và giá rẻ nên nghề của chúng tôi cứ rơi rụng dần”, ông Phương nhận định.

Cuộc sống tuy khó khăn khi không còn nhận được nhiều đơn hàng như xưa nhưng ông Phương quyết giữ nghề, thậm chí ông còn truyền nghề lại cho cậu con trai giữa. Cứ thế ngày qua ngày ông sống với đam mê, dù có tháng chỉ nhận được một đơn hàng. “Tôi may mắn hơn nhiều bạn vẽ khác vì có nghề thuốc trị bong gân, trật xương gia truyền nên lấy cái này đắp cái kia chứ không cũng khó trụ nổi với nghề”, ông Phương tâm sự.

Theo ông nhìn nhận, nghề vẽ cọ đang có chiều hướng quay lại vì dạo gần đây ông nhận được nhiều đơn hàng hơn, trong đó có những đơn hàng cao cấp. “Vẽ cọ sẽ cho người ta cảm giác gần gũi, chân thật và mỗi họa sĩ sẽ truyền tải một phong cách, thần thái riêng nên không lẫn vào đâu được. Tôi nghĩ đó là lý do mà nghề này đang được hồi sinh”, lão họa sĩ chia sẻ.

lao hoa si ve bang hieu bang co tay cuoi cung tren dat sai thanh
Từng nét vẽ là cả tâm hồn của người họa sĩ.

Ngoài những yếu tố thẩm mỹ, các bảng hiệu vẽ cọ tuy có giá cao, khoảng 350.000 – 400.000 đồng/m2, nhưng lại có tuổi thọ từ 6 – 10 năm trong khi các bảng hiệu in bằng chất liệu nhựa, sợi tổng hợp chỉ khoảng 1 – 2 năm. Do đó, nhiều cửa hàng, quán cà phê đã chọn sử dụng lại loại bảng hiệu truyền thống để tiết kiệm chi phí và tăng thẩm mỹ.

Gia đình ông vẫn đang sống trong căn nhà thuê giữa đất Sài thành, lão họa sĩ vẫn chắt chiu từng đồng một qua từng nét vẽ nhưng nhìn họa sĩ Hoài Minh Phương tỉ mẩn đi từng nét vẽ thẳng tắp đầy chân phương hay những nét cong thanh mảnh đầy hoa mỹ trên một bảng hiệu đơn giản, mới thấy hết cái tâm và niềm đam mê của người cầm cọ.

Thời gian gần đây, phong cách Sài Gòn xưa đang trở thành một trào lưu khá thịnh trong giới trẻ, và phong cách typography kiểu chữ ngày xưa đang nhen nhuốm quay trở lại ngày một nhiều hơn trên những tấm bảng hiệu kinh doanh cũng như các mẫu thiết kế khác. Và đâu đó giữa thành phố này, lão hõa sĩ Hoài Minh Phương vẫn vui với cây cọ, những lọ sơn đầy màu sắc và những nét chữ đã sống cùng năm tháng và đam mê của ông.

chọn
Nhiều dự án ở tỉnh lẻ bung hàng
Những tháng cuối năm, thị trường bất động ở các tỉnh lẻ như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Ninh... bắt đầu đón nguồn cung từ các dự án mới.