Ông Đô mạnh dạn trồng cam trên vùng đất cằn (Ảnh: Trang Anh) |
Vào một ngày giữa tháng 5, chúng tôi có dịp đi ngang vùng đất cằn sỏi đá ở xã Kon Gang (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai). Theo tưởng tượng của chúng tôi đây sẽ là nơi khô cằn, quanh năm đất đai nứt nẻ không cây gì có thể mọc được nhưng bên ngoài lại là những vườn cây nặng trĩu quả được nhuộm xanh cả một vùng.
Nhớ về khoảng thời gian trước đây, ông Nguyễn Duy Đô (52 tuổi, xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cho hay, cách đây gần chục năm ông từ Bắc Giang vào nhà người thân ở Gia Lai để chơi. Tại đây ông vô cùng bất ngờ khi thấy đất trong đây còn rộng lớn, nhiều vùng đất bị bỏ hoang mà ở quê nhà lại chật chội, bon chen.
Trở về quê sau một chuyến đi dài ngày, đến năm 2012 ông Đô quyết định đưa cả gia đình vào Tây Nguyên sinh sống và lập nghiệp. Nhận thấy vùng đất này còn thưa thớt, rộng rãi nhiều nơi bị bỏ hoang nên ông nảy ra ý định trồng cây ăn quả.
Sau khi tìm hiểu được thổ nhưỡng, khí hậu nơi này phù hợp với những loại cây trồng nào, ông quyết định ra TP.Vinh để mua 200 gốc cam đưa về trồng thử nghiệm.
Ngoài các loại cây ăn trái lão nông còn táo bạo trồng 500 gốc tre để làm giàu (Ảnh: Trang Anh). |
Theo lão nông U50, nhiều người thấy ông trồng cam nên có ý định khuyên can, bởi vùng đất ruộng, cằn cỗi khiến cây khó phát triển. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm tìm tòi, chăm sóc và nuôi dưỡng những cây cam được ông mua ở xa đưa về. Qua một thời gian thử nghiệm, tìm hiểu ông nhận thấy cây cam phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng đất cát nên ông đã quyết định mở rộng lên 1.000 gốc cây.
“Hồi đó, nhiều người thấy tôi mở rộng diện tích cam trên vùng đất ruộng, cằn cỗi nên đều khuyên tôi không được trồng. Ấy vậy mà sau khi thấy những quả cam căng tròn, ngọt lịm của tôi bán ra thị trường thì vùng đất Kon Gang này hiện đã trở thành vùng đất nổi tiếng của cam”, ông Đô tâm sự.
Ông Đô chia sẻ, để vườn cam đạt được năng suất và chất lượng tốt nhất, người trồng phải đặc biệt chú ý ngay từ khâu chọn giống. Giống cam phải được chọn lựa kĩ càng, phải chọn những giống cây sạch bệnh, sinh trưởng và phát triển mạnh tuyệt đối không nên lựa những cây vàng lá, thân yếu.
Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú ý đến hệ thống kênh mương thoát nước, trong vườn mùa hè luôn luôn phải ẩm, còn mùa đông phải ráo nước tránh tình trạng cây bị úng.
Lão nông cho hay, cây cam thường xuyên mắc các bệnh sâu nhện đỏ, xì mù và vàng lá. Đối với những loại bệnh gây hại này, người trồng cần đặc biệt chú ý không nên dùng thuốc hóa học mà phải tăng cường các loại thuốc vô cơ, các sản phẩm sinh học để tránh lây lan mầm bệnh ra những cây đang khỏe mạnh khác.
Không chỉ thử nghiệm làm giàu với giống cam Vinh, ông Đô còn táo bạo trồng thêm 100 gốc ổi, 40 gốc vải thiều... để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài trồng các loại cây ăn quả, ông Đô còn trồng 500 gốc tre giống Đài Loan. Năm vừa qua, riêng 500 gốc tre ông đã thu về được hơn 100 triệu đồng.
Vườn cây ăn trái của ông Đô nặng trĩu quả, mang về thu nhập 400 triệu đồng/năm (Ảnh: Trang Anh). |
Theo lão nông, đối với ông trồng cây gì hay nuôi con vật gì ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo sạch sẽ, chất lượng và không chạy theo phong trào.
“Mình mặc dù trồng cây lên với hy vọng đạt được chất lượng, năng suất để làm giàu cho gia đình. Tuy nhiên, phải biết cách chăm sóc loại quả của mình như thế nào để thị trường cần mình chứ không phải mình cần thị trường.”, ông Đô nói.
Nhờ sự kiên trì, mạnh dạn thử thách trồng giống cây ăn quả trên mảnh đất lạ, ông Đô đã thu về hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ tất cả các chi phí phân bón, thuốc thang, công sức bỏ ra…
Lão nông còn học hỏi, tìm tòi các kiến thức để truyền dạy lại cho người dân. (Ảnh: Trang Anh). |
Ngoài việc chăm sóc cho vườn của gia đình mình, lão nông còn tranh thủ thời gian tìm tòi các kiến thức trên sách báo và nhiều nơi khác về truyền đạt lại cho người dân quanh vùng với mong muốn xây dựng vùng đất cây ăn quả đạt chất lượng.
Hiện tại, ông cũng đang ươm khoảng 13.000 gốc bưởi để tiến hành cắt ghép giống cam Vinh đưa lên huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân vùng này.
Thuần phục ‘Chúa tể của bầu trời’
Được mệnh danh là “chúa tể” của bầu trời với bản tính hung dữ, cùng với sự nhạy bén, tinh nhanh của mình. Nhưng khi ... |
Đắk Lắk: Cơn mưa kéo dài 45 phút kèm lốc xoáy khiến hàng trăm nhà dân 'bỗng dưng' mất nóc
Trận mưa lớn kèm lốc xoáy đi qua địa bàn huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đã làm cho 1 người tử vong, nhiều hoa ... |