Truyền nhân giữ cột mốc nơi biên cương Tổ quốc | |
Truyền nhân thứ 18 của lụa Mã Châu |
Trong căn phòng nhỏ nằm sâu trong con hẻm 131 đường 2-4, TP Nha Trang, ông Nguyễn Văn Tiếu (SN 1932) vẫn miệt mài chế tác những vật phẩm từ sọ dừa (gáo dừa) như một thói quen đã gắn liền với ông hàng chục năm qua.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếu và tác phẩm con cò được làm từ sọ dừa nhỏ như quả trứng gà. (Ảnh: Khải An) |
Cầm trên tay chiếc sọ dừa nhỏ như quả trứng gà, ông Tiếu khoe, đây là một trái dừa rất hiếm, phải hàng ngàn trái dừa mới có một trái dừa có sọ nhỏ như vậy.
“Nhiều nghệ nhân sử dụng thân dừa, xơ dừa để chế tác đồ mỹ nghệ nhưng tôi chỉ chuyên dùng sọ dừa.
Tôi thường lân la nhiều vùng quê để tìm những quả dừa có sọ dừa 'dị hình' để chế tác. Với sọ dừa nhỏ như hột gà nhưng lại thon dài tôi để dành làm mình con hạc hoặc cò...”, ông Tiếu chia sẻ.
Bàn tay tỉ mẩn chà láng sọ dừa vừa được lột sạch vỏ, ông kể, gia đình ông làm nông ở TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) nhưng từ nhỏ ông lại "bén duyên" với mỹ thuật, mê những hình thù kỳ lạ của trái dừa khô.
Ngày ấy, ông Tiếu thường tạo hình với những quả dừa khô và những rễ cây đào được trong xóm nhưng khá thô kệch.
“Khoảng năm 1968, một tổ chức nước ngoài về Huế mở lớp dạy nghề miễn phí cách chế tác các sản phẩm phục vụ đời sống từ những mảnh gáo dừa, gốc tre, tôi liền đăng ký theo học.
Qua 3 tháng học tập, tôi bị lôi cuốn bởi những tác phẩm do chính mình tạo ra từ sọ dừa. Từ đó, cuộc đời tôi gắn liền với nó cho đến ngày nay”, lão nghệ nhân cho biết.
Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông cùng gia đình chuyển vào Nha Trang sinh sống.
Tại đây, ông đi khắp các vùng quê để sưu tầm, thu mua sọ dừa và thả hồn sáng tạo, để rồi sản phẩm của ông theo chân những du khách đi khắp thế giới.
Lão nghệ nhân tỉ mẩn tạo hình cho các tác phẩm của mình. (Ảnh: Khải An) |
Theo ông, làm nghề này không khó nhưng phải tỉ mỉ, cẩn trọng và không thể thiếu cặp mắt tinh tường, trí tưởng tượng phong phú để có thể hình dung được những vật phẩm sẽ tạo ra.
“Cái khó của nghề là từ sọ dừa thô với nhiều hình thù khác nhau, người nghệ nhân phải định hướng ngay trong đầu sẽ làm tác phẩm gì. Tỉ như, muốn làm con cò phải hiểu được dáng vẻ, tính cách của nó rồi tìm sọ dừa phù hợp để chế tác.
Sọ dừa tuy vô hồn nhưng nếu biết tạo hình phù hợp sẽ làm ra những sản phẩm hết sức sống động nhưng riêng biệt”, nghệ nhân Tiếu cho hay.
Những sản phẩm từ sọ dừa của lão nghệ nhân rất phong phú và đặc sắc. Từ những chiếc muỗng ăn, chén bát, đèn ngủ, hộp đựng bánh kẹo, chuông gió, bình hoa... đến búp bê, chim, tôm hùm, cảnh vật...
Ông còn khéo léo kết hợp với các loại vật liệu khác như tre, trúc… để bảo đảm tính mỹ thuật, sự hài hòa giữa công năng và độ bền của sản phẩm.
“Trước tôi lấy sọ dừa tròn để làm búp bê nhưng nhìn chúng rất vô hồn. Về sau tôi cố tìm các trái dừa có phần mõm nhọn như sóng mũi để tạo hình.
Hay như những con cò làm bằng sọ dừa kết hợp với những thanh trúc mảnh có đốt nhìn như chân của con cò nên chúng rất sống động”, người đàn ông dành cả đời gắn bó với sọ dừa tiết lộ.
Những sản phẩm của ông hiện được bày bán tại nhiều khu du lịch trong và ngoài tỉnh. Một số sản phẩm còn xuất đi Úc, Mỹ…
Một số khách sạn lớn thường ghé chỗ ông đặt hàng như làm muỗng, chén, gạt tàn và đồ mỹ nghệ khác.
Các sản phầm từ sọ dừa của ông Tiếu rất phong phú và độc đáo. (Ảnh: Khải An) |
"Nhiều khách sạn còn đặt tôi làm chuông bằng sọ dừa để treo lên cây thông hay bộ đèn.
Với mỗi sản phẩm họ đặt, tôi phải nghiên cứu và tìm sọ dừa phù hợp với yêu cầu khách hàng.
Điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc là các sản phẩm của mình luôn được du khách và khách hàng đón nhận”, lão nghệ nhân cười hiền.
Tuy nhiên điều mà lão nghệ nhân lo lắng nhất là sau hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông vẫn chưa tìm được một truyền nhân thực thụ
Ông kể, có thời gian dự tính sẽ truyền lại cho con cháu, nhưng khi chúng lớn lên, lại tìm một hướng đi khác. Rồi người ngoài cũng đến ông học nghề nhưng không ai đủ kiên nhẫn.
"Nghề này làm kinh tế được nhưng buộc người ta phải kiên nhẫn và tỉ mỉ cao độ nên không có ai theo. Sau nhiều năm trời suy nghĩ, tôi đã đến các cơ sở bảo trợ xã hội để truyền nghề cho trẻ em mồ côi.
Năm 2013, tôi dạy cho 10 em tại cơ sở Mái ấm Anh Đào (thị xã Ninh Hòa). Tuy nhiên, các em ở đây còn nhỏ nên chuyện học nghề chỉ mới dừng ở góc độ tìm hiểu dù đã làm được một số sản phẩm bán cho du khách đến thăm.
Tôi chỉ ước mong có một đơn vị, một cơ sở nào đó mời tôi đến dạy nghề vì tôi không muốn nghề thất truyền. Tuổi tôi đã cao lắm rồi", lão nghệ nhân trầm giọng.
Ông Nguyễn Văn Tiếu đã nhận được nhiều bằng khen, bằng chứng nhận như: - Giải Tinh hoa Việt Nam 2004, Quả cầu vàng trong Tuần lễ Du lịch thương mại quốc tế tại Nha Trang 2004. - Giải Sản phẩm có tính ứng dụng cao tại Festival dừa Bến Tre 2012... Tại địa phương ông là một người uy tín, giỏi nghề trong ngành mỹ nghệ và hội sinh vật cảnh của tỉnh Khánh Hòa. |
Truyền nhân đời thứ 6 của Thái cực quyền tin vào chất riêng của võ cổ truyền
Diệp Vịnh Tương, truyền nhân đời thứ 6 của Thái Cực quyền hệ Dương gia, khẳng định thời gian trôi qua, Thái cực quyền có ... |
Quang Vinh tìm ra 'truyền nhân' có giọng hát giống 99,9%
Nam ca sĩ không lấy làm bất ngờ khi Quốc Anh, thí sinh của đội anh hát quá giống mình khiến ca sĩ Khởi My ... |