Lập thành phố Huế trực thuộc trung ương năm 2025

Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc trung ương từ năm 2025 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.

Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương được Quốc hội thông qua sáng 30/11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TP Huế để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với nghị quyết này.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động. Trường hợp HĐND quận thuộc TP Huế không đủ 2/3 tổng số đại biểu được bầu theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì thường trực HĐND TP Huế chỉ định quyền chủ tịch HĐND quận.

Chủ tịch UBND TP Huế được chỉ định quyền chủ tịch UBND quận, UBND quận lâm thời và quyết định lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận lâm thời.

Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này tạo cơ sở pháp lý kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương tại các quận mới để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước mà không cần tổ chức bầu bổ sung đại biểu HĐND quận tại thời điểm quá gần bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031.

Cơ chế đặc thù đã áp dụng cho tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn được duy trì đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trung tâm TP Huế nhìn trên cao. (Ảnh: Võ Thạnh).

TP Huế có diện tích 4.947 km2, dân số 1,236 triệu, giáp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Lào và Biển Đông.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tất cả phát biểu của đại biểu Quốc hội tán thành cao chủ trương lập TP Huế trực thuộc trung ương. Về băn khoăn tỷ lệ đơn vị hành chính đô thị trực thuộc TP Huế và thu nhập bình quân đầu người so với cả nước còn thấp, Thường vụ Quốc hội cho rằng Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Vì vậy, về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa mà chú trọng nhiều hơn cho việc đảm bảo chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị.

Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và địa phương cải thiện, nâng cao trình độ phát triển kinh tế xã hội, thu hút nguồn vốn đầu tư đa dạng trên địa bàn, thúc đẩy quá trình ổn định, đảm bảo cân đối, hài hòa. Nguyên tắc là vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại Huế. Chính phủ và địa phương đồng thời nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cơ chế đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển mới, trình Quốc hội xem xét.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023, Thừa Thiên Huế sẽ có ba trung tâm đô thị ở trung tâm TP Huế, vùng Tây Bắc và vùng Đông Nam. Trong đó, đô thị TP Huế được chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương, là trung tâm vùng, đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực; thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh.

Đô thị vùng Tây Bắc gồm thị xã Phong Điền, huyện Quảng Điền, A Lưới, trong đó đô thị trung tâm Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh, cửa ngõ kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Đô thị vùng Đông Nam gồm huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại 3 - thành phố thông minh, hiện đại gắn với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9-10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index)...

Như vậy từ năm 2025, cả nước có 6 thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ.

Thành phố Huế trực thuộc trung ương năm 2025. Đồ họa: Đăng Hiếu - Võ Thạnh

 
chọn
Chủ dự án Vinhomes Global Gate nhận hơn 51.000 tỷ tiền người mua trả trước trong quý IV
Tại ngày 31/12/2024, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của VEFAC chiếm 63.261 tỷ đồng, tăng hơn 51.000 tỷ so với ngày 30/9/2024. VEFAC hiện đang hợp tác cùng Vinhomes để thực hiện dự án Vinhomes Global Gate tại Đông Anh.