Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP HCM

Qua đường dây nóng Báo Thanh Niên, nhiều người dân phản ánh về mùi hôi thối từ một cơ sở sản xuất nước mắm. Phóng viên Thanh Niên đã phối hợp lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn của cơ sở này.

Liên quan đến cơ sở sản xuất nước mắm bẩn Phúc Khang ở Bình Dương vừa bị cơ quan chức năng triệt phá, phóng viên Thanh Niên đã có thời gian điều tra, bóc trần quy trình sản xuất, tiêu thụ ở nơi này.

Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP HCM - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra tại hiện trường.

Cụ thể, qua đường dây nóng Báo Thanh Niên, nhiều hộ dân sinh sống gần cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Khang (KP.Bình Đức 2, P.Bình Hòa, TX.Thuận An, Bình Dương) phản ánh về việc mùi hôi thối rất khó chịu phát tán từ cơ sở này, làm ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh khu vực. Sau nhiều ngày tìm hiểu, phóng viên đã ghi hình cặn kẽ quy trình sản xuất của cơ sở này.

Đường đi của nước mắm bẩn

Theo ghi nhận của PV, cơ sở sản xuất này hoạt động trong một căn nhà cấp 4 diện tích khoảng 70 m2, trước sân chất khoảng 30 can nhựa (loại 20 lít/can), bên trong chứa nước màu nâu đen. Phía sau căn nhà có 2 bồn chứa (loại 1.200 lít/bồn) và hàng trăm can, chai nhựa lớn nhỏ treo lủng lẳng khắp hàng rào.

Kế bên 2 bồn này là một cánh cửa dẫn vào nhà vệ sinh. Bên trong nhà vệ sinh có hàng chục ống nước nối chằng chịt với nhau, một số ống được nối với 2 bồn nước dẫn thẳng vào khu sản xuất trong nhà.

Trong khu sản xuất thường có 3 người làm cùng một dây chuyền, đưa ra thành phẩm. Theo đó, người thứ nhất có nhiệm vụ cho chai nhựa lên băng chuyền, sau đó vặn vòi xả nước có màu nâu vào bên trong. Tiếp đến, người thứ hai dùng cái khoan tay tự chế để đóng nắp chai, rồi bỏ từng chai xuống nền nhà. Người còn lại có nhiệm vụ dán nhãn mác nước mắm cá cơm Phúc Khang vào chai, sau đó dùng màng co ni lông quấn các chai lại với nhau thành từng lốc 8 chai. 

Chỉ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, dây chuyền cơ sở Phúc Khang cho ra lò khoảng 100 chai nước mắm.

Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP HCM - Ảnh 2.

Nguyên liệu thu giữ được.

Sau khi đóng chai, cơ sở này cho người chở nước mắm đi giao cho các quán cơm bình dân.

PV bám theo một người đàn ông vận chuyển 6 lốc nước mắm thành phẩm xuất phát từ cơ sở chạy thẳng ra đại lộ Bình Dương về hướng TP HCM. Đến cầu Sài Gòn, người vận chuyển rẽ vào đường Trần Não (Quận 2, TP HCM), dừng xe ở một quán cơm bình dân giao 3 lốc nước mắm tại đây và thu tiền.

Tiếp đó, ông này điều khiển xe chạy ngược lại phía cầu Sài Gòn, đến khu Thảo Điền (Quận 2, TP HCM), vào trong một con hẻm nhỏ ở đường Quốc Hương (P.Thảo Điền), bỏ toàn bộ số nước mắm còn lại xuống một cái kho để tiếp tục trung chuyển đến các nơi khác...

“Nước mắm cá cơm” làm bằng nước lã + chất tạo màu…

Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP HCM - Ảnh 3.

Thành phẩm nước mắm bẩn Phúc Khang.

Sau khi tiếp cận thu thập chứng cứ khá đầy đủ, phóng viên hệ thống tài liệu để phối hợp với cơ quan chức năng triệt phá. Cùng thời điểm, ngày 6/9, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an phối hợp với Cục Quản lí thị trường Bình Dương kiểm tra cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Khang.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở Phúc Khang có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, hộ kinh doanh số 46F8031439, được UBND TX.Thuận An (Bình Dương) cấp ngày 22/5/2015, do bà Đoàn Kiều Anh (33 tuổi, ngụ Quận Phú Nhuận, TP HCM) làm chủ. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất, chế biến, gia công nước mắm.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở Phúc Khang đang hoạt động sang chiết nước mắm để giao cho khách hàng.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng Phúc (chồng bà Kiều Anh) đang thực hiện “quy trình” sang chiết và khai với cơ quan chức năng nước mắm nguyên liệu được ông mua tại một cơ sở ở Vũng Tàu, với giá 4.000 đồng/lít. 

Tuy nhiên, ông Phúc không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP HCM - Ảnh 4.

Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP HCM - Ảnh 5.

Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP HCM - Ảnh 6.

Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP HCM - Ảnh 7.

Quy trình sản xuất từ chiết rót, đóng gói đến đưa nước mắm bẩn đi tiêu thụ. (Ảnh: Lê Bình - Đỗ Trường - Công an cung cấp).

Ông Phúc thừa nhận, cơ sở có sản xuất 5 loại nước mắm với các dung tích khác nhau (5 lít, 900 ml, 650 ml, 500 ml và 200 ml). 

Cụ thể, với các loại dung tích 5 lít, 900 ml và 500 ml, quy trình sản xuất, pha chế như sau: 20 can nước mắm nguyên liệu (khoảng 1 - 2% độ đạm) + 6 can nước (20 lít/can) + caramen để tạo màu, sau đó sang chiết vào các chai có dung tích như trên rồi dán nhãn mác thương hiệu nước mắm cá cơm Phúc Khang và bán ra thị trường.

Với loại có dung tích 650 ml và 200 ml thì để nguyên nước mắm nguyên liệu, không pha chế gì thêm, chỉ đóng chai rồi dán nhãn nước mắm cá cơm hiệu Phúc Khang mang đi tiêu thụ.

Do làm bằng nước lã, hóa chất... nên giá của mỗi loại nước mắm cũng “siêu rẻ”: loại 5 lít/chai giá 35.000 đồng; loại 900 ml/chai giá 5.500 đồng; loại 650 ml giá 12.000 đồng; loại 500 ml giá 4.000 đồng; loại 200 ml giá 4.500 đồng.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản cơ sở Phúc Khang với một loạt hành vi vi phạm: sử dụng nguyên liệu để sản xuất chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có giá kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh theo đúng quy định; không bố trí riêng biệt nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến đóng gói... theo quy định; nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm (hệ thống lọc nước để sản xuất đặt trong nhà vệ sinh bẩn thỉu, ẩm thấp và hôi thối); chủ hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm nhưng không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của. 

Đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số nước mắm bẩn hàng trăm lít cùng nguyên liệu, chất tạo màu tại cơ sở để chờ kiểm nghiệm, xử lí.

Mua hóa chất ở chợ Kim Biên

Theo một cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, cơ sở này mua hóa chất ở chợ Kim Biên (Quận 5, TP HCM) pha chế với nước máy và số lượng ít nguyên liệu nước mắm loại rẻ để làm nước mắm, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thị trường tiêu thụ của cơ sở nước mắm này chủ yếu là chợ dân sinh, các quán cơm vỉa hè, khu công nhân, lao động nghèo ở khu vực Huyện Củ Chi, Hóc Môn, Quận 2, Quận 12 (TP HCM) và một số khu vực tại tỉnh Bình Dương.


chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.