LDG có thể bán nhiều tài sản, dự án để trả nợ

CTCP Đầu tư LDG sẽ tái cơ cấu tài sản, dự án của công ty để trả nợ.

Khu vực dự án khu du lịch Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: Văn Luận).  

Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) vừa thông qua chủ trương tái cơ cấu tài sản, dự án của công ty. 

Theo đó, LDG sẽ thực hiện phương án tái cơ cấu để giải quyết nhu cầu về tài chính, phục vụ cho việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu, khoản nợ ngân hàng và các khoản nợ khác, đảm bảo nguồn tài chính để phát triển dự án. 

Các dự án nằm trong phương án tái cơ cấu này của LDG gồm dự án Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà tại TP Đà Nẵng (do CTCP Hải Duy làm chủ đầu tư); dự án Khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương (do LDG làm chủ đầu tư); cùng các tài sản, dự án khác thuộc LDG/công ty con. 

Bên cạnh đó, LDG cũng thực hiện phương án cơ cấu tài sản, dự án, bao gồm thực hiện hợp tác với các đối tác có năng lực tài chính để phát triển dự án; cũng như chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án của LDG/công ty con, một phần hoặc toàn bộ cổ phần sở hữu của LDG tại công ty con. 

Quyết định của HĐQT LDG cho biết, giá trị xác định để hợp tác phát triển dự án hoặc chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng cổ phần không thấp hơn nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ bảo lãnh của LDG/công ty phải trả/phải thực hiện. 

Nghị quyết này sẽ thay thế cho nghị quyết tái cơ cấu mà HĐQT LDG từng ban hành vào cuối tháng 9/2023. 

Tổng nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 của LDG là 4.548 tỷ đồng, giảm 71 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ tài chính của doanh nghiệp đạt mức 1.332 tỷ đồng, tăng 9%. Phần lớn các khoản vay của LDG đến từ ngân hàng và trái phiếu.

Năm 2023, LDG báo doanh thu thuần âm 36,6 tỷ đồng và lỗ sau thuế 374,4 tỷ đồng, trong khi năm trước doanh thu đạt 193,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 4,2 tỷ đồng. 

Tại ngày 31/12/2023, quy mô tổng tài sản của LDG đạt mức 7.415 tỷ đồng, cũng thu hẹp 5,7% so với thời điểm đầu năm 2023.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.