Lễ cúng ông Táo thịnh soạn mà tươm tất cho ngày cuối năm

Cứ vào mỗi dịp 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình lại tất bật sắm sửa lễ cúng ông Táo sao cho tươm tất, nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình.

Theo quan niệm từ thời xa xưa của người dân Việt Nam, ông Táo (Táo Quân hay Thổ Công) được biết đến như vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ. Ngoài việc quyết định vận may rủi, phúc họa trong gia đình thì ông Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ cũng như mang lại sự bình yên cho gia chủ. Mọi người thờ cúng ông Táo với hy vọng “bếp lửa” của gia đình sẽ luôn nồng ấm, hạnh phúc nhờ sự giúp đỡ của Táo Quân. 

Vào mỗi dịp cuối năm âm lịch, người Việt sẽ làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng nhằm báo cáo chuyện làm ăn, cư xử của các thành viên trong gia đình. Việc gia chủ làm lễ thịnh soạn để tiễn ông Táo có ý mong những điều tốt đẹp sẽ được Táo Quân chuyển lời đến Ngọc Hoàng. Bên cạnh đó, những chuyện không may mắn sẽ được báo cáo nhẹ đi. Quan niệm này được truyền lại qua nhiều thế hệ và trở thành một nét đẹp văn hóa trong những ngày cuối năm âm lịch. 

Cúng ông Công ông Táo ngày nào? 

Thông thường, lễ cúng ông Công ông Táo sẽ được các gia đình chuẩn bị vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy vậy, cũng có nhà cúng từ tối ngày 22 do quan niệm đầu ngày 23 tháng Chạp là ông Táo đã về chầu Trời. Nếu để sang ngày 23 mới cáo lễ tiễn đưa thì sẽ không kịp, đồng thời, Táo Quân cũng không nhận được lễ vật thành tâm của gia chủ.  

Năm nay, ngày cúng ông Công ông Táo rơi vào thứ Năm, ngày 4/2 Dương lịch. Ngay từ thời điểm này, rất nhiều gia đình đã rục rịch chuẩn bị, nhằm soạn sửa một lễ cúng ông Táo tươm tất cho ngày cuối năm. 

Lễ cúng ông Táo thịnh soạn mà tươm tất cho ngày cuối năm  - Ảnh 1.

Ảnh: Điện máy Xanh

Cúng ông Táo ở đâu?

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên cúng ông Táo ở đâu. Vậy nên tùy theo phong tục từng miền cũng như các quan niệm khác nhau mà bạn có thể cúng ông Táo và bày biện mâm cúng sao cho hợp lý. 

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương và Mai Văn Sinh, đối với lễ cúng ông Táo, nếu gia chủ có bàn thờ Táo Quân thì nên thắp hương ở bàn thờ này. Nếu không có thì phải thắp hương ở bàn thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng ở bếp. Cũng bởi từ xưa đến nay, bàn thờ luôn được coi là nơi kết nối tâm linh giữa hai thế giới âm - dương, giữa người trần thế và thần linh. 

Lễ cúng ông Táo thịnh soạn mà tươm tất cho ngày cuối năm  - Ảnh 2.

Ảnh: Hoàng Ngọc Anh

Cúng ông Táo mấy giờ là tốt nhất? 

Về thời gian cúng ông Táo, nhiều người cho rằng gia chủ nên làm lễ trước 12h trưa. Nếu muộn hơn, e rằng Táo quân sẽ về chầu Trời và không kịp nhận thành ý cũng như lễ vật gia chủ dâng lên. 

Cúng ông Công ông Táo cần những gì?

Để chuẩn bị lễ cúng ông Táo sao cho tươm tất, bạn nên tham khảo một số điều sau: 

Đồ cúng ông Táo

Lễ vật cúng ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm thường bao gồm:

- Mũ ông Công: gồm 3 chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ cho ông Táo được trang trí với hai cánh chuồn, mũ của Táo bà thì không có cánh chuồn. 

- Ba bộ quần áo, hia hài Táo Quân, tiền vàng, vàng thoi bằng giấy. 

- Hương, đèn nến, lọ hoa, đĩa ngũ quả. 

- Ngoài ra, người Việt còn cúng thêm cá chép như “phương tiện” để giúp Táo Quân về chầu Trời. Thông thường, người miền Bắc sẽ cúng cá chép vàng còn sống thả bên trong chậu nước. Còn ở miền Trung, người ta cúng bằng ngựa giấy với dây cương và yên đầy đủ. Miền Nam đơn giản hơn, gia chủ chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy trong ngày 23 tháng Chạp. 

Lễ cúng ông Táo thịnh soạn mà tươm tất cho ngày cuối năm  - Ảnh 3.

Ảnh: Lao động Thủ đô

Lễ cúng ông Táo thịnh soạn mà tươm tất cho ngày cuối năm  - Ảnh 4.

Ảnh: Pinterest

Mâm cúng ông Táo

Mâm cúng ông Táo cũng có sự khác biệt giữa các vùng miền. Nhiều gia đình tại miền Bắc thường làm một mâm cơm với đầy đủ xôi, chè, gà luộc, canh măng, hành muối, thịt đông… để dâng lên ông Công ông Táo. Còn với người miền Nam, gia chủ sẽ bày biện nem giò, gà luộc kèm thêm đậu phộng, kẹo mè đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy”.

Nếu cúng đồ chay, bạn có thể lựa chọn trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc cho mâm cúng ông Táo của gia đinh. 

Lễ cúng ông Táo thịnh soạn mà tươm tất cho ngày cuối năm  - Ảnh 5.

Ảnh: Eva

Sau khi bày biện lễ vật, gia chủ sẽ thắp hương, đọc văn khấn và đợi hương tàn để lễ tạ rồi hóa vàng và thả cá chép xuống ao hồ gần đó để ông Táo có thể lên chầu Trời. 

Lễ cúng ông Công ông Táo vừa là phong tục truyền thống trong những ngày cuối năm, vừa là nét đẹp văn hóa được lưu giữ từ bao đời nay của người Việt. 

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.