Lên cơn 'ngáo đá', chồng khóa cửa hành hung vợ con

Sử dụng ma túy đá cộng với việc mâu thuẫn trong sinh hoạt nên người chồng đã khóa trái cửa nhốt vợ và con trong nhà rồi hành hung, không chỉ có vậy, người chồng này còn ngăn cản không cho người dân đưa vợ mình đi cấp cứu…

“Ngáo đá” khóa cửa đánh vợ con

Người chồng nhắc đến ở phía trên là Trần Duy Thái (43 tuổi) trú tại khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long.

Vào đêm ngày 5/1, một số người dân sống gần khu vực nhà Thái nghe thấy tiếng động của việc đập vỡ đồ dùng trong nhà, khi mọi người chạy ra mới biết vợ chồng Thái đánh nhau. Tuy nhiên, Thái đã khóa trái cửa đập phá đồ đạc trong nhà không cho chị Nga và con trai út ra ngoài.

Đến sáng hôm sau, người dân vẫn thấy ngôi nhà bị khóa trái đồng thời vấn thấy tiếng chửi mắng của Thái nên đã lập tức đến trình báo cơ quan công an.

len con ngao da chong khoa cua hanh hung vo con
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt để giải cứu 2 mẹ con chị Nga (Ảnh: CTV)

Nhận được thông tin, Công an phường Hà Khẩu đã có mặt nắm bắt sự việc đồng thời báo cáo lên Công an TP Hạ Long.

Ngay sau đó, lực lượng CATP Hạ Long đã nhanh chóng có mặt, phong tỏa hiện trường đồng thời thuyết phục Thái thả người nhưng không có sự hợp tác từ phía Thái.

Đến 9h sáng, Thái vẫn cố thủ trong nhà và không chịu mở cửa cho lực lượng chức năng đưa vợ con ra ngoài mặc dù vợ Thái là chị Nga đã bị bầm tím cơ thể vì trận đòn từ đêm qua.

Sau nhiều tiếng đồng hồ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và thuyết phục đối tượng thả người. Đến 12h trưa, lực lượng chức năng TP Hạ Long đã giải cứu thành công hai mẹ con. Người chồng đã bị lực lượng công an dẫn giải về trụ sở Công an đã điều tra làm rõ.

len con ngao da chong khoa cua hanh hung vo con
Trần Duy Thái tại cơ quan cảnh sát điều tra.

Trao đổi qua điện thoại với PV sáng nay (7/1), Đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng Công an Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường từ rạng sáng. Sau nhiều thời gian thuyết phục và dùng nghiệp vụ, đối tượng đã được đưa về trụ sở công an thành phố. Đối tượng này có biểu hiện sử dụng ma túy đá.

Theo Đại tá Tấn, hiện trường lúc đó là ngôi nhà hai tầng chỉ có một cửa vào mặt tiền hai lớp cửa, lớp cửa kính đã bị đập vỡ còn lớp cửa xếp sắt đã bị khóa trái. Trên tầng 2 cũng chỉ có một cửa sổ khung sắt, bên ngoài là lớp kính cũng đã bị đập vỡ.

“Sau nhiều giờ kiên trì vận động, thuyết phục Thái mới chịu mở cửa để lực lượng chức năng đưa nạn nhân đi cấp cứu”.

Chị H., người dân sinh sống gần hiện trường cho biết, Thái bị nghiện ma túy lâu năm và thường xuyên có hành vi đánh đập vợ. Vợ chồng Thái đang kinh doanh tại cửa hàng kinh doanh sửa chữa – sơn xì xe máy tại nhà.

Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Trách nhiệm, hình phạt và biện pháp phòng ngừa

Theo luật sư Đặng Văn Cường – trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, hành vi của Thái là rất nguy hiểm, xâm hại nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của vợ con mình. Khi đã “ngáo đá”, hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì những người ngáo đá như Thái có thể gây tội ác bất cứ lúc nào.

Trong vụ việc trên, hành vi của Thái xâm phạm tới sức khỏe và quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do thân thể của công dân… Vì vậy, hành vi của Thái sẽ bị xem xét, xử lý về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự. Tương ứng với hành vi giam, giữ nhiều người như vậy thì Thái sẽ phải đối mặt với mức án từ 1 năm đến 5 năm tù theo quy định tại khoản 2, Điều 123 BLHS nêu trên.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật không phải là tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, kể cả trường hợp vợ, con Thái không có đơn tố cáo hoặc rút đơn tố cáo thì đối tượng này vẫn bị xem xét, xử lý về hành vi nêu trên.

Hành vi giam, giữ người trái pháp luật của Thái diễn ra trong lúc trạng thái tinh thần không minh mẫn, bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi do tác động của ma túy đá. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 14 Bộ luật hình sự hiện hành thì việc sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích (ma túy) sau đó thực hiện hành vi phạm tội thì người thực hiện hành vi phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự do tự mình đặt mình vào tình trạng có thể gây nguy hiểm cho người khác.

Ngoài ra, nếu vợ Thái có đơn tố cáo Thái về hành vi cố ý gây thương tích thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định thương tích cho chị này, nếu tỉ lệ thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a, đến điểm k, khoản 1, Điều 104 BLHS thì đối tượng Thái sẽ bị xem xét thêm tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.

Qua vụ việc này, Luật sư Cường khuyến cáo, trong tình huống bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, rước hết, mỗi chúng ta cần phải phòng ngừa không để bản thân, người thân rơi vào tình huống bị đối tượng “ngáo đá” khống chế. Đối tượng bị “ngáo đá” có thể là người thân trong gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp hoặc những người không quen biết, có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu.

Do đó, để tránh bị đối tượng “ngáo đá” tấn công, khống chế, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị “ngáo đá”. Có thể nhận biết nhanh qua các dấu hiệu cơ bản như: đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục; đi vệ sinh, rửa tay liên tục; liên tục uống nước; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể; men răng mỏng, miệng hôi, hơi thở có mùi nặng; hay bị chảy máu cam… đặc biệt, khi bị “ngáo đá” đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: nói lảm nhảm; la hét; đập phá; leo trèo; hung hãn…

Nếu đang ở nhà, phát hiện người thân trong gia đình bị “ngáo đá”, nếu đối tượng còn kiểm soát được hành vi cần phải trợ giúp cho đối tượng, trấn an, cho đối tượng uống nhiều nước để làm giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá. Nếu nhận thấy đối tượng có biểu hiện bất thường, hành vi hung hãn cần phải sơ tán người già, trẻ em ra khỏi nhà, đến nơi an toàn, nhờ hàng xóm hoặc lực lượng chức năng khống chế để kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của đối tượng bị “ngáo đá”.

Trường hợp bất ngờ bị đối tượng khống chế, không kịp chạy thoát, chống trả, cần phải nương theo, làm theo yêu cầu của đối tượng, phải trấn tĩnh không được la hét, gào khóc sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động dễ có hành vi nguy hiểm gây thương tích. Khi đối tượng có biểu hiện bình tĩnh hơn, cần phải nhẹ nhàng hỏi han xem đối tượng có nhu cầu gì, cần trợ giúp gì.

Người thân phải thực sự bình tĩnh, thuyết phục, năn nỉ đối tượng “ngáo đá”, nếu nhận thấy đối tượng lơi lỏng, có thể giải thoát cho con em mình thì mới ra tay. Khi nhận thấy không an toàn tuyệt đối không có những hành vi manh động để tránh kích thích đối tượng.

Như vậy, để tránh và xử lý an toàn trong tình huống bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, chúng ta cần phải nhận biết được các dấu hiệu cơ bản của người bị “ngáo đá” để tránh xa họ, bảo đảm an toàn cho bản thân và người thân. Khi bị đối tượng “ngáo đá” bất ngờ khống chế cần phải bình tĩnh, làm theo yêu cầu của đối tượng, xoa dịu đối tượng, tìm cơ hội chạy thoát hoặc khống chế đối tượng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.