Lí do nào khiến thị trường BĐS trầm lắng nhưng giá bán không giảm?

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS quí I/2020 vô cùng trầm lắng nhưng lại tồn tại một điều khá lạ đó là giá bán BĐS không sụt giảm so với quí IV/2019.
Lí do nào khiến thị trường BĐS trầm lắng nhưng giá bán không giảm? - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản quí I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kì hàng năm. (Ảnh minh hoạ: Minh Anh).

Trong báo cáo mới đây về tình hình thị trường bất động sản quí I/2020, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay tình hình thị trường vô cùng trầm lắng so với cùng kì hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỉ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. 

Đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Trong đó lượng giao dịch chỉ là 7.641 sản phẩm đạt tỉ lệ hấp thụ là 14,3%.

Đáng chú ý, theo Hội Môi giới BĐS VN, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quí IV/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi về "nghịch lí" này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay khi đưa ra thông tin như vậy là Hội Môi giới BĐS Việt Nam dựa trên những số liệu được thu thập từ các công ty, các dự án đều không công bố việc giảm giá. 

Ngoài ra, theo ông Đính, số lượng giao dịch cũng không nhiều. Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy tuy lượng cung mới trong quí I/2020 chào bán là 18.695 sản (gồm 8.363 căn hộ chung cư và 10.322 nhà ở thấp tầng) nhưng lượng giao dịch chỉ là 2.769 sản phẩm (chỉ bằng 19,6% so với cùng kì năm 2019). Tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,8%. 

Theo ông Đính có thể giai đoạn vừa qua chưa phải là giai đoạn quá áp lực đối với các doanh nghiệp BĐS. Các doanh nghiệp do có nguồn dự phòng nên có thể nói họ vẫn đang gồng mình để vượt qua giai đoạn khó khăn với niềm tin dịch bệnh mang tính giai đoạn ngắn hạn.

Ngoài ra ảnh hưởng tích cực từ gói kích cầu của Chính phủ cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các doanh nghiệp có niềm tin giá BĐS không giảm. 

"Còn khó khăn do dịch bệnh gây ra khó khăn đến lúc nào thì tính đến lúc đó", ông Đính nói.

Cuối cùng, theo ông Đính, còn một nguyên nhân nữa đó chính là đặc thù của những giao dịch BĐS trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu đó là những giao dịch mà người mua mua để ở.

"Phân khúc cao cấp trong bối cảnh này có thể bị áp lực giảm giá nhưng đối với phân khúc trung và bình dân hầu như không có áp lực giảm giá vì phân khúc đó có cầu thực sự, rất mạnh trong bối cảnh nguồn ít cung.

Hiện nay rất khó để tìm được sản phẩm có mức giá 1 - 1,5 tỉ đồng. Tôi biết có một doanh nghiệp trong thời gian vừa qua mở bán ở khu vực ngoại ô với giá bán rất hợp lí. Những căn có giá 1 - 1,7 tỉ đồng đã đăng kí và đã bán hết. Đối với những giao dịch như thế này thì khó có thể có chuyện giảm giá", ông Đính cho hay.

Ảnh

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Môi giới BĐS Việt Nam. (Ảnh: Infonet).

"Có thể trong quí II/2020 có thể những dự án đang dở dang gặp khó khăn buộc phải tìm cách bán dự án hoặc tìm người góp vốn đầu tư với một số ưu đãi nào đó", ông Đính đưa ra nhận định thêm.

Liên quan đến sự ảnh hưởng tích cực tới tâm lí thị trường BĐS của gói kích cầu của Chính phủ, theo Savills Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vức bất động sản sẽ được hưởng lợi.

Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản có thể kì vọng về việc Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, là thứ doanh nghiệp luôn cần.

"Thứ hai, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, việc đẩy mạnh truyền thông minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, là một điểm cộng rất lớn trong gói kích cầu của Chính phủ. Đây là một trong những chính sách ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh khiến chúng ta có thể tự tin rằng khả năng phục hồi của thị trường Việt Nam là khá tốt so với các nước khác, đến từ việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19", TS Sử Ngọc Khương, GĐ Cấp cao Savills Việt Nam đưa ra đánh giá. 

Theo báo cáo thị trường căn hộ tại TP HCM quí I/2020, của CBRE, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và giá tăng cao thì tình hình tiêu thụ vẫn tốt, đặc biệt là phân khúc trung cấp. Tỉ lệ tiêu thụ cao đạt 80% đến 100% được ghi nhận tại một số dự án của chủ đầu tư uy tín.

Tuy nhiên với tình hình dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng từ giữa tháng 3 và lệnh cấm hội họp đông người nghiêm ngặt hơn thì lượng quan tâm của người mua giai đoạn này đã giảm nhiệt.

Trong quí I/2020, có 3.757 căn hộ được tiêu thụ, giảm 32% so với quí trước và 37% so với năm trước. Thị trường tiếp tục hấp thụ nguồn cung còn lại từ các dự án cũ. Xét về tỉ lệ giữa các phân khúc sản phẩm, phân khúc trung cấp tiếp tục chiếm phần lớn với 58% tổng nguồn cung trong quí 1/2020, tạo nền tảng bền vững cho thị trường bằng việc đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người mua.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.