Vì sao không nên có tâm lí chờ mua bất động sản với giá cắt lỗ lúc này?

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, tâm lí chờ để bắt đáy chỉ nên có khi khủng hoảng thừa gây ra rớt giá hàng loạt. Còn hiện tại, dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường trong khi nguồn cung đang khan hiếm.

Liên quan đến sự khó khăn của thị trường BĐS bởi dịch Covid-19, theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường. Khó khăn nếu có sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn. 

Vì sao không nên có tâm lí bắt đáy thị trường BĐS lúc này? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Minh Anh.

Một số báo cáo về tình hình thị trường của Hội Môi giới BĐS hay DKRA mới đây đều cho thấy thị trường BĐS đang ghi nhận sự sụt giảm trong số lượng giao dịch, nhu cầu nhà ở của khách hàng nước ngoài đã sụt giảm trong thời gian vừa rồi... 

Nhưng theo vị GĐ cấp cao của Savills Việt Nam, việc đẩy mạnh truyền thông minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam khiến chúng ta có thể tự tin rằng khả năng phục hồi của thị trường Việt Nam là khá tốt so với các nước khác, đến từ việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, TGĐ Đại Phúc Land cho hay: "Quan trọng là tâm lí thị trường, mọi người cùng hi vọng về một sự khởi sắc, sự hồi phục thì thị trường sẽ tốt hơn".

Bà Hương cho rằng đầu tư vào BĐS chủ yếu là dạng đầu tư trung và dài hạn, còn đầu tư ngắn hạn theo kiểu lướt sóng thì chỉ mang tính thời điểm khi có một yếu tố nào đó tác động đến thị trường bởi chu kì thực hiện một dự án mất khoảng 3 – 5 năm, thậm chí còn lâu hơn.

"Đối với thị trường BĐS luôn tồn tại hai nhu cầu: đầu tư và để ở. Đối với nhu cầu đầu tư ở những thời điểm thị trường có sự tác động như dịch bệnh, rõ ràng đầu tư ngắn hạn theo dạng đầu cơ, lướt sóng rõ ràng rất khó. Nhưng vẫn có nguồn đầu tư trung và dài hạn vì đây là một kênh để cất giữ tài sản", bà Hương nói.

Vì sao không nên có tâm lí bắt đáy thị trường BĐS lúc này? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, TGĐ Đại Phúc Land. (Ảnh: Báo Doanh nhân Sài Gòn).

Vị TGĐ Đại Phúc Land phân tích: "Nguồn cung khan hiếm (do các yếu tố liên quan đến pháp lí dự án), triển vọng về giá trị gia tăng của BĐS trong tương lai vẫn rất tốt. Và nhu cầu nhà ở tại TP HCM và HN trong thực tế vẫn rất lớn. 

Còn dịch bệnh chỉ là yếu tố ngắn hạn, nó có thể diễn ra 3 – 6 tháng hoặc lâu hơn rồi sẽ chấm dứt. Nhưng câu chuyện về tăng trưởng kinh tế cũng như BĐS vẫn là câu chuyện dài hạn. Vì thế tôi cho rằng thị trường BĐS sẽ sớm khởi sắc khi dịch bệnh được khống chế".

Khi được hỏi về tâm lí chờ đợi để bắt đáy thị trường BĐS, bà Hương cho rằng các khách hàng không nên có tâm lí bắt đáy bởi tâm lí bắt đáy chỉ nên có khi có khủng hoảng thừa gây ra rớt giá hàng loạt. 

"Tại thời điểm này, vấn đề mấu chốt là nguồn cung vẫn đang khan hiếm, khủng hoảng dịch bệnh chỉ mang tính ngắn hạn chứ không phải dạng như khủng hoảng do lệch cung - cầu hồi 2009 - 2010. 

Tôi cho rằng đây chỉ là thời điểm gián đoạn của nền kinh tế, dù có thể có thiệt hại nhưng các ngành trong đó có bất động sản sẽ có lộ trình để phục hồi từng bước khi dịch bệnh được kiểm soát", bà Hương chia sẻ.

Bà Hương cũng đưa ra lời khuyên đối với những nhà đầu tư thứ cấp tại thời điểm này khi cho hay ưu tiên số một là tính pháp lí của dự án phải rõ ràng, nên chọn những chủ đầu tư có thương hiệu, có uy tín, có cam kết nguồn lực để đầu tư phát triển dự án một cách đồng bộ.

"Ngoài ra, kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy một điều rất quan trọng đó là dự án đó phục vụ nhu cầu thực hay không để khách hàng có thể an cư được. Nếu phục vụ nhu cầu thực thì giá trị gia tăng mới bền vững. 

Còn đối với những dự án không phục vụ nhu cầu thực sự, xây dựng xong không có người vào ở thì việc đầu tư sẽ trở nên khó khăn. Đa số các chủ đầu tư hiện nay đều chú ý tới xây dựng những khu dân cư phục vụ nhu cầu an cư có đầy đủ hạ tầng, tiện ích, có cam kết lộ trình đầu tư rõ ràng thì chắc chắn các khách hàng sẽ an tâm chọn lựa", bà Hương nói.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.