Cổ Thạch cách Phan Thiết khoảng 100km và cách TP Hồ Chí Minh gần 300km. Từ TP Hồ Chí Minh bạn có thể di chuyển đến Cổ Thạch một cách dễ dàng với hai lựa chọn là xe khách hoặc xe máy.
Ảnh: Viên Diệu Phát |
Xe khách: Xe chạy tuyến TP.HCM - Cổ Thạch khởi hành hàng ngày từ 7 giờ sáng tại bến xe miền Đông. Một số hãng xe bạn có thể liên hệ như xe Linh Vũ, Trúc Nguyên...với giá vé từ 80.000 - 100.000 đồng/ chiều. Điểm dừng của xe là bến xe Liên Hương, từ đây bạn có thể bắt taxi hoặc xe ôm để vào khu du lịch Cổ Thạch.
Lưu ý: Đi vào ngày tết, các nhà xe thường rất đông bạn nên liên hệ và mua vé trước 1 ngày để đảm bảo chỗ ngồi và không bị động trong việc di chuyển.
Xe máy: Từ TP.HCM chạy thẳng theo QL1A, tới ngã ba Liên Hương (Tuy Phong) thì rẽ phải chạy khoảng hơn 3km là đến Cổ Thạch.
Cổ Thạch được nhiều người ví như một chốn bồng lai tiên cảnh và là điểm du xuân rất hấp dẫn. Bạn có thể lựa chọn lịch trình 2 ngày 1 đêm là phù hợp.
Ngày 1: TP. HCM - Cổ Thạch
Buổi sáng: Bạn đón xe khách tại bến xe miền Đông, lưu ý chọn tuyến HCM - Tuy Phong. Trên cung đường di chuyển theo Quốc lộ 1A sẽ đi qua núi Chứa Chan, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Đây là ngọn núi cao thứ 2 Nam Bộ, độ cao 800 m, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với vách núi dựng đứng.
Đến 10 giờ: Bạn có thể dừng nghỉ chân ở Phan Thiết để dùng bữa trưa đến tầm hơn 11 giờ tiếp tục di chuyển đến Cổ Thạch.
Đến Cổ Thạch, bạn làm thủ tục nhận phòng. Ở đây, bạn có thể lựa chọn lưu trú ở khu du lịch làng Cổ Thạch hoặc khách sạn bình dân.
Khu du lịch làng Cổ Thạch có đầy đủ bãi tắm, nhà hàng, với không gian yên tĩnh... Bạn cũng có thể thuê lều để lưu trú ở đây.
Khách sạn tại Cổ Thạch có giá dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/ phòng.
Lưu ý: Đi vào dịp Tết giá phòng sẽ tăng nhẹ một chút, bạn nên chủ động liên hệ để đặt phòng trước. Nếu đi nhóm đông từ 6-8 người, bạn có thể đặt hạng phòng gia đình.
Ngôi chùa hang nổi tiếng với hơn 100 tuổi. Ảnh: Du lịch Bình Thuận |
Buổi chiều: Bạn di chuyển đến chùa Hang (hay còn gọi là Cổ Thạch Tự). Chùa có hơn 100 tuổi là một di tích, thắng cảnh cấp quốc gia. Chùa Cổ Thạch nằm lọt thỏm giữa những hang động trên một ngọn đồi đá cao 64m so với mặt nước biển. Từ xa đã trông thấy bóng cổ tự thấp thoáng ẩn hiện trên nền trời. Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc liên hoàn với nhau trên khu đồi đá rộng hơn 4 ha.
Bạn dành thời gian tham quan tại chùa khoảng 1 tiếng, có thể kết hợp hành hương với tắm bãi Cà Dược gần đó.
Bãi tắm Cà Dược. Ảnh: Du lịch Bình Thuận |
Lưu ý: Bãi tắm Cà Dược không sâu nhưng có nhiều đá ngầm và nhiều vỏ hào có thể cứa đứt da chân.
Sau đó, bạn tiếp tục di chuyển đến biển Cổ Thạch. Điều hấp dẫn nhất khi đến đây là những bãi đá lung linh sắc màu có tên gọi là “ Bãi đá 7 màu”.
Bãi đá 7 màu với cảnh quan tuyệt đẹp. Ảnh: Du lịch Bình Thuận |
Ảnh: Du lịch Bình Thuận |
Đá ở đây có nhiều kích thước, hình dạng lớn nhỏ khác nhau. Hình dạng và màu sắc chính là điểm độc đáo của bãi đá và trở thành một điểm du lịch hấp dẫn vì có nhiều màu sắc khác nhau, như: nâu, vàng, tím, xanh lam, trắng…với những đường vân rất đẹp. Dưới tiết trời mùa xuân, những ánh nắng vàng nhè nhẹ chiếu xuống bãi đá làm ánh lên màu sắc càng thêm rực rỡ.
18 giờ: Rời bãi đá 7 màu, quay về khách sạn để dùng bữa và nghỉ ngơi.
Ngày thứ 2: Lăng Ông Nam Hải - Bãi cát
Buổi sáng: Từ khu vực gần chùa Cổ Thạch đến Lăng Ông Nam Hải (cách 1 km) thuộc xã Bình Thạnh. Cổng chính của lăng có hai tầng, tầng dưới hình bán nguyệt để người dân ra vào.
Lăng Ông Nam Hải. Ảnh:Tuy Phong - Bình Thuận |
Sát bên lăng Ông Nam Hải là đồi cát bao la với những độ cao khác nhau. Nơi đây được ví như một sa mạc thu nhỏ. Vào những ngày Tết, tại đây còn diễn ra rất nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn. Bạn có thể thư giãn bằng cách trượt máng cát và ngắm những đường vân cát đẹp mắt.
Sau đó, bạn tiếp tục di chuyển ra chợ "Chòm hỏm". Tại đây, có rất nhiều hải sản tươi ngon và giá cả rất bình dân như: Cua, ghẹ, sò, ốc và đặc biệt ở đây nổi tiếng với món ‘Sò Huyết”.
Ảnh: Travelpx |
Buổi chiều: Kết thúc hành trình và di chuyển về TP. HCM.