Hiện nay, Tây Ninh có dự án trọng điểm là tuyến đường 787B có chiều dài gần 15 km, mặt đường bê tông nhựa rộng 21,5 m, gồm 4 làn xe cơ giới, đã khởi công xây lắp cuối năm 2021.
Hiện đơn vị thi công đang thực hiện đào, đắp mở rộng nền đường. Dự án trải dài trên địa bàn các phường Trảng Bàng, phường Gia Lộc, phường Lộc Hưng và xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Để thực hiện dự án trên, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Trảng Bàng đã chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng được gần 1.500 hộ/1.606 hộ, với giá trị gần 320/359 tỷ đồng.
Vẫn còn khá nhiều hộ chưa nhận kinh phí, bàn giao mặt bằng, địa phương đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
Hay dự án đường Đất Sét - Bến Củi có tổng chiều dài tuyến gần 17 km, được chia làm 3 gói thầu thi công xây dựng công trình với tổng giá trị các gói thầu hơn 300 tỷ đồng. Dự án cũng đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên kéo dài thời gian thi công.
Với dự án nâng cấp mở rộng ĐT.782 - ĐT.784 (từ ngã ba tuyến tránh Quốc lộ 22 đến ngã tư xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) tổng mức đầu tư là hơn 1.271 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 - 2022. Tổng chiều dài công trình là hơn 46 km, mặt đường rộng 21,5m.
Phần xây lắp được chia làm 5 gói thầu, hiện đã thi công hoàn thành gói thầu số 11 và gói thầu số 15. Các gói thầu 12, 13 và 14 sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm nay, khi các địa phương bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đối với tuyến đường ĐT.789 đi qua các xã Hưng Thuận và xã Đôn Thuận thuộc thị xã Trảng Bàng; xã Bến Củi thuộc huyện Dương Minh Châu, với tổng chiều dài hơn 24 km, phạm vi giải phóng mặt bằng là 31m. Tổng số hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng là 1.423 hộ.
Đơn vị chủ đầu tư kiến nghị hai địa phương đẩy nhanh việc điều tra hiện trạng và điều tra giá đất, để thực hiện chi trả bồi thường và giải phóng mặt bằng để dự án thực hiện đúng kế hoạch đề ra và dự kiến trong tháng 5 này dự án này sẽ được khởi công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trần Văn Chiến cho biết, khó khăn lớn nhất trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng là xác định giá đất, xác định cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất trên đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó còn có tình trạng hiện trạng sử dụng đất và mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không khớp với mục đích sử dụng thực tế; khó khăn trong bố trí khu tái định cư; đơn giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc, cây trồng chưa hợp lý.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.
Sự phối hợp, quyết tâm của hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy ở cấp huyện trong chỉ đạo thực hiện vấn đề này chưa quyết liệt; khó khăn trong việc xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm đất, đất tranh chấp, đất sang nhượng bằng giấy tay.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 74/2015/TT-BTC, ngày 15/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm giải quyết thu nhập thêm cho nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất an tâm làm việc.
UBND tỉnh đã kiến nghị HĐND tỉnh Tây Ninh xem xét, cho ý kiến về việc xây dựng chính sách đặc thù cho người làm bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Nhấn mạnh việc phải đảm bảo điều kiện tái định cư cho người dân, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm yêu cầu UBND tỉnh khi triển khai quy hoạch đất đai cần phải đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cần rà soát lại quy định về tái định cư.
Khi chuẩn bị thực hiện các dự án cần phải chuẩn bị phương án tái định cư cho người dân bị thu hồi hết đất và phải chủ động thực hiện việc tái định cư trước khi thu hồi đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân có đất bị thu hồi và lợi ích của Nhà nước.
Đồng thời, định giá đất phải theo cơ chế thị trường nhưng trong điều kiện bình thường và phải theo đúng mục đích sử dụng đất được Nhà nước cấp.
Bí thư Tỉnh ủy còn đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh khẩn trương hoàn thành Đề án cơ sở dữ liệu về đất đai.
Đồng thời, đánh giá, tổng kết lại việc chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định pháp luật về giải phóng mặt bằng trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh để cập nhật, bổ sung, nhằm triển khai tốt việc giải phóng mặt bằng phục vụ cho đầu tư công và có thể mở rộng ra cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong giai đoạn 2018-2021, toàn tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tổng cộng 113 công trình, dự án đầu tư công có liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích thu hồi đất là hơn 1.560 ha. Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất 8.852 hộ.
Tổng số hộ gia đình, cá nhân chấp hành việc thu hồi đất là 8.822/8.852 hộ. Tổng kinh phí chi cho giải phóng mặt bằng là gần 2.000 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm đánh giá, trong giai đoạn 2018-2021, về cơ bản, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng.
Các dự án được triển khai đúng tiến độ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống người dân.