ĐHĐCĐ Viglacera: HĐQT có thêm người từ Gelex, Bộ Xây dựng dự kiến thoái hết vốn vào năm 2022

Năm 2021, Viglacera dự kiến dành ra 2.800 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó dự kiến rót thêm 2.400 tỷ đồng vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp.
[Live] ĐHĐCĐ Viglacera: Mục tiêu doanh thu 12.000 tỷ đồng, dự kiến rót nghìn tỷ vào khu công nghiệp - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ Viglacera. (Ảnh: Thu Thủy).

Viglacera đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ đồng, sẽ tập trung rót vốn mảng khu công nghiệp

Sáng nay (27/4), Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Tổng công ty Viglacera (Mã: VGC) thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 19% so với kết quả năm ngoái.

Riêng với công ty mẹ, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ, tăng 17%; lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, tăng 2%.

Kết thúc quý I, công ty công bố báo cáo tài chính hợp nhất với doanh thu thuần đạt 2.358 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; ghi nhận 280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2020; lãi ròng tăng 183% lên 277 tỷ đồng.

Giải trình kết quả kinh doanh đạt được trong quý I, lãnh đạo Viglacera cho biết nguyên nhân đến từ lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tiếp tục mang lại hiệu quả, đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận.

Về kế hoạch cổ tức, Viglacera dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12% vốn điều lệ, tăng so với mức 11% của năm 2020.

Năm 2021, theo kế hoạch, công ty dự kiến dành ra 2.800 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó dự kiến rót thêm 2.400 tỷ đồng vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp, 375 tỷ đồng cho lĩnh vực kinh doanh nhà trong khi đầu tư cho lĩnh vực vật liệu, nghiên cứu phát triển và đào tạo 25 tỷ đồng năm 2021.

Cụ thể, Viglacera sẽ triển khai chuẩn bị đầu tư vào các dự án mới, bao gồm nhà máy gạch Viglacera Eurotile công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong lĩnh vực khu công nghiệp (KCN), công ty cho biết chuẩn bị đầu tư vào KCN Thuận Thành I (gần 250 ha) tại Hưng Yên.

Đối với bất động sản khu đô thị, nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng, tổng công ty tiếp tục phát triển dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung, khu công nghiệp Đồng Văn IV, Phú Hà; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong – Bắc Ninh; dự án tổ hợp văn phòng thương mại, khách sạn, nhà ở Thăng Long No1 giai đoạn 3 (Hà Nội)…

Đặc biệt, trong vấn đề quản trị và tái cơ cấu, doanh nghiệp dự định sẽ thoái vốn các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng không hiệu quả trong lĩnh vực gạch ngói và đất sét nung là CTCP Từ Liêm, CTCP Hạ Long 1, CTCP Cầu Đuống, CTCP Từ Sơn và CTCP Hợp Thịnh.

Đồng thời, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng tại CTCP Viglacera Tiên Sơn để thực hiện dự án Viglacera Eurotile.

Ngoài ra, còn tăng vốn cho các công ty thành viên khác như CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Viglacera, CTCP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên, CTCP Viglacera Vân Hải để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm. Song song đó, công ty sẽ nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.

[Live] ĐHĐCĐ Viglacera: Mục tiêu doanh thu 12.000 tỷ đồng, dự kiến rót nghìn tỷ vào khu công nghiệp - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ BCTC Viglacera.

Tại đại hội, Ban lãnh đạo công ty chia sẻ về định hướng phát triển 5 năm (2021 – 2025) với tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến của doanh thu và lợi nhuận tổng công ty trong giai đoạn này lần lượt là 10% và 9%.

Tổng giá trị xuất khẩu toàn tổng công ty 5 năm dự đạt 240 triệu USD, tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2016 – 2020.

Thêm nhân sự từ Gelex vào hội đồng quản trị

Liên quan đến vấn đề nhân sự, đại hội sẽ bỏ phiếu nhằm thông qua đơn từ nhiệm của ông Luyện Công Minh về việc thôi tham gia HĐQT và thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT công ty theo nguyện vọng cá nhân. 

Đại hội thông qua bầu cử ông Nguyễn Trọng Hiền, sinh năm 1976 thay thế vị trí thành viên HĐQT của ông Luyện Công Minh. Hiện ông Hiền đang là thành viên HĐQT độc lập của Gelex.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Viglacera cũng trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm của bà Phạm Ngọc Bích, thôi tham gia Ban Kiểm soát và thôi giữ chức vị Trưởng Ban kiểm soát của Tổng công ty để nhận nhiệm vụ khác.

Phát biểu tại đại hội, ông Đậu Minh Thanh – Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp – Bộ Xây dựng cho biết Viglacera là đơn vị do bộ đại diện Nhà nước nắm giữ trên 38% vốn. Nếu không có dịch COVID-19 thì công tác thoái vốn đã hoàn tất trong năm 2020.

Hiện thủ tướng về cơ bản đã chấp thuận đề án thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty, dự kiến sẽ thoái hết vốn trong năm 2022 để Viglacera trở thành công ty đại chúng.

Phần hỏi đáp:

Cổ đông: Kế hoạch cho thuê bất động sản khu công nghiệp năm 2021?

Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn: Tổng diện tích cho thuê là 137 ha như báo cáo của ban điều hành. Chúng tôi đã khảo sát các nhà đầu tư tiềm năng, dự kiến cho thuê được khoảng 83% mục tiêu theo kế hoạch.

Cổ đông: Kế hoạch cụ thể của Viglacera để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ. Khi nhà máy đi vào hoạt động thì doanh thu và lợi nhuận dự kiến là bao nhiêu?

Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn: Dự án kính nổi siêu trắng Phú Mỹ triển khai từ 2013 – 2014, khi đó tình hình tài chính của công ty chưa tốt trong khi vốn đầu tư dự kiến khi đó là 120 triệu USD nên tỷ lệ sở hữu của tổng công ty là 33%, trong khi Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) nắm giữ 31%, Công ty Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Khải Thịnh sở hữu 35%.

Đến nay, khi tình hình tài chính đã cải thiện, chúng tôi quyết định đàm phán với hai đối tác còn lại để mua cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% nhằm mục tiêu quản lý vận hành tốt hơn.

Cổ đông: Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, Viglacera tập trung phần lớn nguồn vốn để đầu tư khu công nghiệp (khoảng 2.400 tỷ đồng), xin ban lạnh đạo chia sẻ về kế hoạch cụ thể.

Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn: Viglacera có lợi thế trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong thời gian qua. Trong năm 2021, tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các khu công nghiệp (KCN) đang triển khai dở dang như KCN Yên Phong 2C, KCN Yên Phong mở rộng, KCN Phú Hà – Phú Thọ, KCN Tiền Hải - Thái Bình, KCN Phong Điền. Đây là các KCN đã có khách hàng thuê nhưng hiện chưa xong bàn giao xong mặt bằng.

Nguồn vốn 2.400 tỷ chủ yếu tập trung cho 5 KCN này, cộng thêm phần đầu tư cho KCN Thuận Thành I – Bắc Ninh vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư vào đầu năm nay. Những KCN này hợp thành 1 quỹ đất sạch khoảng 300 – 400 ha, chuẩn bị bàn giao cho khách thuê và kế hoạch kinh doanh những năm tới.

Trong cơ cấu vốn đầu tư, khoảng 1.100 tỷ đồng là chi phí đền bù giải phòng mặt bằng, đầu tư hoàn chỉnh các nhà máy cấp nước sạch, xử lý nước thải để đồng bộ hạ tầng KCN.

Tag:
chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.