Lô đất đấu giá 100 triệu/m2 ở Thanh Oai có thể tác động đến bảng giá đất của Hà Nội ra sao?

Theo lãnh đạo EZ Property Vietnam, sẽ có nhiều bất cập nếu bảng giá đất mới của Hà Nội được xây dựng dựa trên giá giao dịch của những trường hợp đấu giá đất cả trăm triệu/m2 vừa qua ở Thanh Oai.

Ảnh: Di Anh.

Vừa qua ngày 10/8, phiên đấu giá 68 thửa đất thuộc khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đã diễn ra. Được biết đây là phiên đấu giá đầu tiên của huyện trong năm 2024 và đã thu hút gần 5.000 hồ sơ đăng ký tham gia nộp về.  

Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất được xác định là 100,6 triệu đồng/m2; giá trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2. 

Phiên chợ đất diễn ra trong bối cảnh Luật Đất đai (sửa đổi) vừa chính thức có hiệu lực ít ngày. Cùng với đó, TP Hà Nội đang tích cực chuẩn bị dự thảo và điều chỉnh bảng giá đất mới, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm nay. Việc điều chỉnh bảng giá đất mới sẽ sát thực tế hơn.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property Vietnam) cho rằng, phiên đấu đất tại Thanh Oai với mức giá cao bất thường có thể tạo ra mặt bằng giá mới phi thực tế, để lại những hệ lụy tiêu cực về lâu dài. 

Cụ thể, trường hợp người đấu giá không bỏ cọc, mức giá hơn 100 triệu/m2 tại Thanh Oai sẽ được ghi nhận một cách chính thức, lúc này nếu các cơ quan chính quyền căn cứ và lấy đó là một trong những tiêu chí để xây dựng, phê duyệt bảng giá đất mới của Hà Nội thì sẽ rất bất cập. 

"Luật Đất đai mới quy định 4 phương pháp định giá đất, trong đó có phương pháp so sánh, tức so với giá của những giao dịch gần nhất trong khu vực.

Nếu bảng giá đất mới của thị trường chung được xây dựng dựa trên giá giao dịch của những trường hợp cá biệt như thế này, doanh nghiệp sẽ là bên bị ảnh hưởng trực tiếp và rơi vào thế khó. 

Bảng giá đất bị đẩy lên quá cao sẽ khiến chủ đầu tư khó thực hiện được dự án do các chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tiền thuế đất... đều tăng. Doanh nghiệp làm là lỗ, hoặc họ cũng không dám làm vì quá rủi ro.

Từ đây, dẫn đến nguồn cung trên thị trường ngày càng thiếu, giá bán bất động sản tăng cao, người dân có nhu cầu mua cũng bị ảnh hưởng theo. Đây chính là thiệt hại lớn cho cả thị trường địa ốc trong dài hạn", ông Toản phân tích. 

Còn trong trường hợp người đấu giá trúng bỏ cọc, huyện Thanh Oai sẽ phải tổ chức lại. Khi đó, mức giá được xác định sau này mới là tiêu chí được dùng để so sánh, tính tiền sử dụng đất chung. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc địa phương và các nhà đầu tư cũng phải tốn thêm chi phí, thời gian, để lại tiền lệ xấu. 

"Nhìn chung, dù bỏ cọc hay không bỏ cọc thì đều để lại những tác động tiêu cực cho thị trường. Tôi nghĩ tình trạng này còn có thể xảy ra nhiều, nhất là trong những trường hợp phiên đấu giá đất có giá khởi điểm thấp, tiền đặt cọc ít", lãnh đạo EZ Property Vietnam cho hay. 

chọn
Hà Nội giao 10 ha đất cho 3 huyện ngoại thành đấu giá đất
Hà Nội vừa giao cho UBND các huyện Thường Tín, Ứng Hòa và Mỹ Đức lần lượt 65.795 m2, 15.069 m2 và 19.816 m2 để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá. Các khu đất nói trên đều đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.