Loạt DN ngoài ngành lấn sân làm BĐS, nguồn lực tài chính không phải 'hành trang' duy nhất

Một tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp như Coteccons (xây dựng), Halcom (điện), Thành Nam (TNI),... liên tục lên kế hoạch làm dự án bất động sản, đánh dấu bước đầu tiên vào một “sân chơi” mới.

Loạt doanh nghiệp ngoài ngành chuyển mình làm BĐS

Ngày 4/10 vừa qua, Coteccons (CTD), một doanh nghiệp xây dựng đã công bố ký kết hợp tác với Tập đoàn Lê Phong đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng dự án căn hộ cao cấp The Emerald 68 tại Bình Dương. Theo Coteccons, đây là bước chuyển mình của công ty từ tổng thầu xây dựng sang phát triển dự án căn hộ.

Cùng ngày 4/10, một doanh nghiệp điện là Halcom (HID) đã tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên và thông qua chủ trương đầu tư dự án Resort Phương Mai 3 (tỉnh Bình Định, quy mô 45 ha) với tổng mức đầu tư năm nay là 4.500 tỷ đồng.

Nói về dự án này, lãnh đạo Halcom từng cho biết đây là bước đi đầu tiên của công ty trong lĩnh vực đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, dự kiến sẽ được triển khai bán hàng trong năm 2025 và bắt đầu hoạt động trong năm 2026.

Trước đó, tại một công bố ngày 30/9, Tập đoàn Thành Nam (TNI), một doanh nghiệp thép, cũng khẳng định tiếp tục kế hoạch mở rộng kinh doanh bất động sản tại các thị trường Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Yên,... ngay sau khi lãnh đạo phê duyệt việc bán khu đất làm dự án tại Đà Nẵng (diện tích 2.039 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 1.090 tỷ đồng) để trả nợ. 

Theo công ty từng chia sẻ, việc mở rộng sang đầu tư bất động sản là một ngã rẽ mới, định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành nghề của Thành Nam. 

Hay Ladofoods (VDL), một đơn vị sản xuất rượu vang, đã đăng ký làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên khu đất diện tích 8.593 m2, đang là trụ sở, kho và cơ sở sản xuất của Ladofoods (hình thức trả tiền thuê đất hằng năm) tại TP Đà Lạt, song không được chấp thuận do chưa phù hợp với quy hoạch và quy định. 

Khác với các doanh nghiệp trên, bất động sản không phải lĩnh vực nằm trong kế hoạch của Ladofoods. Hai lĩnh vực chính của công ty là sản xuất kinh doanh rượu và sản xuất kinh doanh điều. 

Ảnh minh họa: Phối cảnh dự án The Emerald 68 tại Bình Dương mà Coteccons hợp tác đầu tư cùng Tập đoàn Lê Phong. (Nguồn: Lê Phong).   

Bên cạnh những doanh nghiệp trên, từ đầu năm đến nay, Haxaco (đơn vị phân phối ô tô Mercedes-Benz), Stavian Group (nhựa), SSI (chứng khoán), Apax Holdings (giáo dục),... cũng liên tiếp công bố kế hoạch lấn sân đầu tư bất động sản. 

Hàng trang gia nhập “sân chơi” mới

Đối mặt với bối cảnh kiểm soát dòng vốn vào bất động sản như hiện nay cũng như đặc thù thâm dụng vốn, nguồn lực tài chính là vấn đề cần quan tâm của các doanh nghiệp ngoài ngành, bên cạnh những lợi thế sẵn có về quỹ đất, kinh nghiệm, tệp khách hàng…

Đơn cử như Coteccons, theo Chứng khoán Mirae Asset, đã thay đổi cấu trúc tài chính (tăng nợ vay, đầu tư trái phiếu,...). Qua đó, đơn vị này cho rằng công ty sẽ có nguồn thu đáng kể từ hoạt động này trong hai năm tới, bên cạnh hoạt động kinh doanh chính. 

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản Coteccons đạt hơn 16.555 tỷ đồng, trong đó, gần 3.700 tỷ đồng là tiền mặt và hơn 9.230 tỷ đồng là các khoản phải thu trong ngắn hạn. 

Bên cạnh tài chính, công ty cũng cho rằng kinh nghiệm làm thầu xây dựng tại các dự án phân khúc cao cấp như Landmark 81, The MarQ, Masteri Thảo Điền,... sẽ là tiền đề cho bước chuyển mình này. 

Bài toán tài chính cũng là một vấn đề đối với Halcom khi kế hoạch tổng đầu tư cho dự án nghỉ dưỡng là 4.500 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần tổng tài sản công ty tại thời điểm cuối năm 2021.  

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ ngày 4/10 vừa qua, Halcom cho biết đang xem xét, làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để huy động vốn vay thương mại. 

Ưu thế của Halcom tại dự án này là về quỹ đất, đây là khu đất sẵn có nằm trong khuôn viên nhà máy điện gió Phương Mai 3 do CTCP Phong Điện Miền Trung (công ty con của Halcom) làm chủ đầu tư. Theo Halcom, dự án sẽ giúp công ty nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hiện dự án đang được cơ quan Nhà nước xem xét phê duyệt quy hoạch.

Ảnh minh họa: Phối cảnh dự án Resort Phương Mai 3, nằm trong khuôn viên nhà máy điện gió Phương Mai 3 do thành viên nhóm Halcom làm chủ đầu tư. (Nguồn: Halcom). 

Tương tự Haxaco khi phát triển dự án nghỉ dưỡng tại Hồ Tràm (Vũng Tàu) từ khu biệt thự biển sẵn có, lãnh đạo công ty từng cho biết, lúc đầu công ty đầu tư vào biệt thự này giữa tình hình dịch bệnh là vì giá rẻ, sau mới lên kế hoạch dài hơi là phát triển thành khu nghỉ dưỡng Mercedes Home và nhân rộng mạng lưới. 

Dự án nghỉ dưỡng này dành cho các khách hàng đi xe Mercedes-Benz, tệp khách hàng sẵn có nhờ vị thế là một nhà phân phối Mercedes-Benz của doanh nghiệp. 

Dư địa phát triển cho các doanh nghiệp ngoài ngành

Việc đầu tư bất động sản đối với các doanh nghiệp ngoài ngành không phải là xu hướng mới, đặc biệt với các doanh nghiệp có sẵn tiềm lực tài chính, song, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sau một thời gian lấn sân vẫn quyết định rút lui để tập trung nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính. 

Đơn cử như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đang thực hiện thoái vốn 5 dự án bất động sản (1C Tôn Thất Thuyết, Ascent Garden Homes, Ascent Plaza, Ascent Lakeside, Long Thới) và tái cấu trúc để tập trung mảng chủ lực là xây dựng, theo thông tin từ Chứng khoán Mirae Asset.

Hay một doanh nghiệp chuyên khai thác cảng và logistics, Gemadept (GMD) tại báo cáo thường niên công bố hồi tháng 4, cũng cho biết đang tìm kiếm đối tác để có thể thoái vốn mảng bất động sản, tập trung các nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính. Hiện, công ty đang có hai dự án là Saigon Gem tại quận 1, TP HCM và dự án khách sạn 5 sao tại Viêng Chăn, Lào.

Ảnh minh họa: Dự án Ascent Garden Homes tại TP HCM do nhóm Tập đoàn Hòa Bình làm chủ đầu tư, đã được bán lại cho Gotec Land, dự kiến hoàn thành các giao dịch và thu hơn 225 tỷ đồng trong năm nay. (Nguồn ảnh: danhkhoireal.vn). 

Song song với những bài học cũ, hiện thị trường bất động sản cũng gặp khó với vấn đề về dòng vốn, đối với chủ đầu tư lẫn người mua nhà. 

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, 36% số người được hỏi cho biết khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào bất động sản, 23% người chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế vay vốn, 19% môi giới nhận thấy trở ngại chính là giá bất động sản quá cao so với khả năng tài chính của người mua. 

Đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hạn mức tín dụng năm 2022, song, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, con số này không thấm tháp gì với thị trường bất động sản. 

Song, trước bối cảnh này, Chứng khoán Vietcombank đánh giá giai đoạn này sẽ có sự phân hóa rõ rệt, các doanh nghiệp duy trì được dòng tiền để phục vụ các dự án mới, thậm chí có lợi thế mở rộng thêm được quỹ đất với giá rẻ trong bối cảnh hiện tại.

Nhiều công ty chứng khoán khác cũng có cái nhìn tích cực đối với thị trường bất động sản trong giai đoạn tới. Báo cáo chiến lược quý IV/2022 của KBSV cho rằng, mảng nhà ở sẽ phát triển nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng giao thông, qua đó thúc đẩy giá nhà đất, kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản. 

Theo đại diện Chứng khoán Bản Việt (VCSC), về dài hạn, bất động sản vẫn là ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tận dụng chỉ số giá tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Ngoài ra, xu hướng đô thị hóa tiếp tục tăng sẽ dẫn dắt nhu cầu ở tại các khu đô thị lớn, cùng với sự phát triển của thị trường vùng ven và loại hình bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch. 

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.