Tính đến ngày 5/10, một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã hé lộ kết quả kinh doanh trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2023.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) ước tính tổng doanh thu toàn tập đoàn 9 tháng đầu năm ước đạt 643.200 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi trước thuế hợp nhất ước đạt 42.500 tỷ đồng. Với kết quả này, PVN đã thực hiện được 95% kế hoạch doanh thu và vượt 22% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
PVN đánh giá, trong ba quý đầu năm, ngành dầu khí xuất hiện yếu tố tích cực khi giá dầu vào quý III có sự gia tăng so với trước đó, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước và tình hình cung cầu, thị trường tồn tại rất nhiều bất cập. Bên cạnh đó, huy động điện thấp kéo theo huy động khí rất thấp so với kế hoạch cũng như cùng kỳ, tác động đến chỉ tiêu khai thác dầu thô và dư thừa khí.
Một thành viên của PVN là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) cũng đã đưa ra ước tính kết quả ba quý đầu năm.
Doanh thu công ty ước đạt 22.213 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 882 tỷ đồng, giảm 48%. Nộp ngân sách Nhà nước 609 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 69% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Nếu tính riêng quý III, doanh thu PV Power ước đạt 6.358 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Công ty lỗ trước thuế 47 tỷ đồng trong khi quý III/2022 lãi 224 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của PV Power kể từ niêm yết trên sàn (tháng 1/2019).
Theo lãnh đạo PV Power, trong 9 tháng đầu năm 2023 có nhiều yếu tố tiêu cực đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào (than, khí); sự lệch pha giữa nhu cầu điện và khả năng cấp khí; giá nguyên, vật liệu sản xuất tăng cao làm gia tăng chi phí tài chính và ảnh hưởng của El Nino đến hoạt động của các nhà máy thủy điện...
Một công ty thành viên khác của Petrovietnam và là công ty con của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là CTCP CNG Việt Nam (Mã: CNG) ước tính doanh thu giảm 27% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 69% mục tiêu cả năm.
CNG Việt Nam - đơn vị đang nắm 70% thị phần khí CNG và sở hữu hệ thống phân phối CNG sẵn có, đã báo cáo gặp một số khó khăn, vướng mắc trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh và nguồn cung khí suy giảm trong 9 tháng đầu năm.
Trong ba quý đầu năm, công ty đã đưa thêm được 7 nhà máy/khách hàng vào nhận khí, ký thêm hợp đồng cung cấp khí với 5 khách hàng mới, đồng thời chuẩn bị kinh doanh khí LNG, đặc biệt tại thị trường miền Bắc…
Với Tổng công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC) , ban lãnh đạo thông tin riêng tháng 9, lợi nhuận hợp nhất trước thuế toàn tổng công ty ước đạt 115% so với kế hoạch tháng, trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ ước vượt 112% so với kế hoạch tháng.
Trong quý III, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 565 tỷ đồng, tăng 83% so với quý III/2022; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 503 tỷ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Viglacera đạt 1.590 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch năm và giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận công ty mẹ khoảng 1.694 tỷ đồng, đạt 129% so với mục tiêu năm.
Doanh nghiệp cho biết lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là mảng kinh doanh chủ chốt đóng góp vào kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng của Viglacera. Ước tính lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2023 của mảng này là 1.800 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch năm và tăng 389 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh mảng vật liệu xây dựng trong nước còn gặp nhiều khó khăn thì xuất khẩu tiếp tục có những dấu hiệu khả quan, lũy kế 9 tháng ước đạt 33,6 triệu USD và vượt 151% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm gạch ốp lát, kính xây dựng và sứ vệ sinh đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.
Một đại diện trong ngành thủy sản đã đưa ra kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm là CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) với doanh số tiêu thụ đạt 150,4 triệu USD (khoảng 3.670 tỷ đồng), giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sao Ta cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty đang trong tiến trình phục hồi, rút ngắn đà giảm ở 6 tháng đầu năm. Hiện nay, công ty tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý IV.
Về trại tôm, công ty đang thu hoạch và đã thu gần 2.000 tấn. Song, Sao Ta đánh giá kết quả này vẫn không như mong đợi, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nuôi tôm thành công không cao và cỡ tôm thu hoạch chỉ vừa phải.
Sao Ta dự kiến việc thu hoạch tôm sẽ kéo dài hết tháng 11 và ngay sau đó là thả nuôi vụ mới ngay trong năm, tranh thủ thời tiết không lạnh (do hiện tượng El Nino còn kéo dài) và độ mặn có sớm (năm nay dự báo hạn và xâm nhập mặn đến sớm).
Tại Hội thảo Quốc tế Ngành tôm diễn ra vào cuối tháng 8, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta nhận định tình hình ngành tôm sẽ còn khó khăn đến ít nhất năm 2024.
Đối với mảng phân bón, CTCP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (Mã: LAS) ước tính doanh thu 9 tháng đạt 2.990 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, và thực hiện được 92% kế hoạch năm. Tính riêng quý III, doanh thu của công ty đạt 840 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Gần đây, giá phân bón trong nước có xu hướng tăng trong bối cảnh Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu mặt hàng này hồi đầu tháng 9, sau khi giá trong nước tăng vọt.
Tuy nhiên Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), đà tăng giá của phân bón có thể kéo dài đến vụ Đông Xuân - vụ sản xuất chính nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng của giá các loại phân bón không đột biến như giai đoạn xung đột chính trị, khủng hoảng năng lượng.