Loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ: Một phần nguyên nhân do... thiếu kinh nghiệm

Đường sắt đô thị đang chiếm đa số trong loạt dự án giao thông chậm tiến độ, tăng tổng vốn đầu tư.

Loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ: Một phần nguyên nhân do... thiếu kinh nghiệm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Hai dự án cao tốc chậm tiến độ

Theo thông tin từ Bộ GTVT, ngành này có nhiều dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư tập trung ở 2 nhóm dự án chính là đường bộ và đường sắt đô thị.

Cụ thể, với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT cho biết ngày 22/3/2019, đơn vị này đã bàn giao nhiệm vụ quyền hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cho UBND tỉnh Tiền Giang.

"Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT sẽ tiếp tục hỗ trợ việc chỉ đạo thực hiện dự án nếu được tỉnh đề nghị theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ này cho hay.

Với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT cho biết sản lượng đạt khoảng 73,19% (chậm 12,72%).

Ngoài ra, Bộ GTVT cho biết các gói vốn ADB chậm chủ yếu là do vướng giải phóng mặt bằng, nguồn cát khó khăn, năng lực hạn chế của một số nhà thầu cũng như năng lực điều hành của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không tốt.

Bên cạnh đó, theo Bộ này, các gói vốn JICA chậm do cần rà soát, điều chỉnh thiết kế của một số hạng mục. Nguy cơ dự án không hoàn thành trước thời hạn kết thúc Hiệp định khung vào 14/12/2020.

Bộ này cũng khẳng định trong thời gian qua đã phối hợp tích cực với Ủy ban quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng việc thực hiện không hiệu quả, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án rất chậm.

Loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ: Một phần nguyên nhân do... thiếu kinh nghiệm - Ảnh 2.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa khai thác thương mại. (Ảnh: Di Linh).

Loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ

Đối với Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Bộ GTVT cho biết hiện giá trị sản lượng đạt 63,91%, và đang thanh toán từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố (2.158 tỉ đồng) trong khi chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.

Với tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, Bộ GTVT cho biết dự án này có 9 gói thầu. Trong đó Gói thầu CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng, khu depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Các gói thầu còn lại đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên chưa thể triển khai do đang vướng mắc về việc điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án.

"Ngày 9/4/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ xin ý kiến về dự thảo hướng dẫn UBND TP HCM tổ chức thẩm định và phê duyệt theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng", Bộ GTVT cho hay.

Bộ này cũng cho biết Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong 2019.

"Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.

Các vướng mắc cụ thể là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chúng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng…", Bộ GTVT cho hay.

Bộ này cũng cho biết đã và sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện.

Đới với dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, hiện tại, tổng tiến độ chung dự án mới chỉ đạt trên 49% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.

Theo Bộ GTVT, hiện nay UBND Hà Nội đã có văn bản số 4255/UBND-KH&ĐT ngày 14/9/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Đối với dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, Tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu cập nhật thiết kế kĩ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu của gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu khu Tổ hợp Ngọc Hồi; đang thực hiện thanh quyết toán Hợp đồng Tư vấn giám sát khảo sát.

Bộ GTVT cho biết đang tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến chỉ đạo về kế hoạch thực hiện làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.

Loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ: Một phần nguyên nhân do... thiếu kinh nghiệm - Ảnh 3.

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 50%. (Ảnh: Di Linh).

Một phần nguyên nhân do chưa có... kinh nghiệm

Đối với các dự án giao thông đường bộ và đường sắt đô thị chậm tiến độ, Bộ GTVT cho biết đây đa phần đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam do đó chưa có kinh nghiệm quản lí thực hiện.

Ngoài ra, Bộ này cho biết, năng lực và kinh nghiệm quản lí thực hiện của chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế.

Các tư vấn tham gia thực hiện dự án đều là các tư vấn lớn, tuy nhiên thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam dẫn đến trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc.

"Do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị nên cả chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu", Bộ GTVT cho hay.

Bên cạnh đó, vướng mắc, chậm kéo dài công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, cây xanh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm; công tác giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng.

Ngoài ra, theo Bộ GTVT, việc tiến độ dự án kéo dài dẫn đến tổng mức đầu tư tăng do các yếu tố như biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định; các dự án đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và hình thành các yếu tố quan trọng quốc gia cần điều chỉnh lại thủ tục từ chủ trương đầu tư… theo quy định của Luật Đầu tư công.

Loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ: Một phần nguyên nhân do... thiếu kinh nghiệm - Ảnh 4.

Hiện tại, chưa có dự án đường sắt đô thị nào ở Hà Nội khai thác. (Ảnh: Di Linh).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Bộ GTVT, hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lí, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (các dự án đường sắt đô thị), trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lí thực hiện.

Ngoài ra, năng lực nhà đầu tư, Ban quản lí dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến các khó khăn vướng mắc không được xử lí triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến việc thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư...

"Về cơ bản, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư", Bộ GTVT cho hay.

Theo Bộ này, vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư kéo dài, thiếu mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ tại nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị. Trách nhiệm thuộc địa phương, chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với vấn đề năng lực nhà đầu tư còn yếu dẫn đến tình trạng như không hoàn thành kí kết Hợp đồng tín dụng với các tổ chức tín dụng (như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư.

Đối với công tác qui hoạch tại một số địa phương chưa thực sự tốt, mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (ví dụ dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi), trách nhiệm liên quan đến công tác quy hoạch thuộc địa phương.

Về vấn đề tăng tổng mức đầu tư dự án, Bộ GTVT cho biết nguyên nhân chính do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, Tư vấn thực hiện dự án.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.