Loạt giải pháp mới khơi thông dòng vốn vào bất động sản: Cấp gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, giãn nợ gốc và lãi vay

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Tại Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ nhận định trong thời gian qua và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động...

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có tháo gỡ về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu cho thị trường.

Cấp gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

Theo Dự thảo Nghị quyết, một trong các mục tiêu quan trọng là thúc đẩy thị trường bất động sản tăng nguồn cung đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân.

Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022 - 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. 

Cụ thể, khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi, 50% còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo đề xuất của Chính phủ, gói tín dụng này giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây. Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện gói tín dụng này.

Giãn nợ gốc, lãi vay cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ nguồn vốn cho thị trường bất động sản nói chung, Chính phủ cũng đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...).

Đồng thời Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó, tập trung cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

Ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp...

Bên cạnh đó, cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Với nguồn vốn trái phiếu, cần hướng dẫn hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật.

Kiểm soát hoạt động, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá trên thị trường chứng khoán, đồng thời tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh... 

Chính phủ cũng đặt yêu cầu giám sát việc phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.