'Tháo gỡ pháp lý dự án là chìa khóa khôi phục thị trường trái phiếu DN, tín dụng bất động sản'

Theo cáo báo của FiinRatings, việc rà soát và tháo gỡ pháp lý nhất là cho BĐS sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của không chỉ thị trường TPDN, tín dụng BĐS mà cả hoạt động tự điều tiết như chuyển nhượng dự án/ M&A.

Chỉ có duy nhất một lô trái phiếu riêng lẻ được phát hành thành công

Trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 1, FiinRatings cho biết, tháng 1 đầu năm nay ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công, thuộc về một đơn vị đầu ngành về nền móng cọc xây dựng là CTCP Đầu tư Phan Vũ. 

Lô trái phiếu riêng lẻ với giá trị 110 tỷ đồng, lãi suất danh nghĩa 10,5%/năm cho kỳ hạn 5 năm. Trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phần hoặc đáo hạn và cuối kỳ ở năm thứ 5 và không có tài sản đảm bảo. 

Theo FiinRatings, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 1 chỉ tương đương 2,1% so với tháng liền kề và 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Mức suy giảm lớn về quy mô phát hành trái phiếu này được ghi nhận trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thuận lợi cả về phía cung và phía cầu của thị trường.

 Có duy nhất một giao dịch phát hành riêng lẻ trong tháng 1/2023. (Nguồn: FiinRatings).

Về phía cầu, tâm lý nhà đầu tư, nhất là cá nhân vẫn ưu tiên lựa chọn kênh tiền gửi tiết kiệm có mức lãi suất cao 9 - 10%. Điều này cho thấy một số ngân hàng nhỏ hiện nay và niềm tin vào kênh đầu tư TPDN vẫn cần thời gian để khôi phục sau các dự kiện vi phạm trong năm trước cũng như rủi ro vi phạm nghĩa vụ nợ đang gia tăng trong bối cảnh hiện nay, nhất là với trái phiếu bất động sản (BĐS). 

Bên cạnh đó, các ngân hàng với vai trò là đơn vị mua và kinh doanh trái phiếu lớn nhất vẫn đang trong quá trình cân nhắc và đợi chờ những định hướng chính sách cụ thể trong việc giải ngân hạn mức tín dụng cho năm 2023, cũng như những thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Về phía cung, nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn song yếu tố cầu yếu như trên, trong khi Nghị định 65 vẫn đang trong tiến trình sửa đổi và nhà phát hành tiếp tục chờ quy định mới. Hơn nữa, đây là giai đoạn doanh nghiệp đang tập trung vào hoạt động mua lại trái phiếu cũng như xử lý các vấn đề thanh khoản vào cuối năm.

FiinRatings nhận định, các doanh nghiệp tốt và chưa gặp sức ép đáo hạn có xu hướng chờ đợi thêm một thời gian để thị trường đi vào giai đoạn ổn định, các quy định rõ ràng hơn nhằm tăng khả năng phát hành thành công và kỳ vọng nền lãi suất sẽ hạ nhiệt trong những quý tiếp theo để tối ưu về cơ cấu và chi phí vốn.

Liên quan đến hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp, theo số liệu từ FiinRatings, hoạt động mua lại diễn ra theo đúng xu hướng được quan sát trong những năm qua, với lượng mua lại tăng vọt vào cuối các bán niên và giảm mạnh vào đầu năm. 

Tháng 1 ghi nhận quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn đạt 8.900 tỷ đồng, tương đương 18,8 % so với tháng trước và tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Xu hướng trên phụ thuộc nhiều vào hoạt động hỗ trợ thanh khoản từ hệ thống tổ chức tín dụng, với quy mô mua lại lẻ tẻ quanh năm và tăng vọt vào tháng 6 và tháng 12,  đây là hai thời điểm chốt báo cáo bán niên và báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp.

FiinRatings dự báo, kênh huy động TPDN sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023 do môi trường lãi suất sẽ cần thời gian giảm để kênh trái phiếu hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác, đặc biệt so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi.

 Hoạt động mua lại trái phiếu diễn ra mang tính chu kỳ. (Nguồn: Fiinratings).

Bên cạnh đó là các biện pháp chính sách can thiệp qua tín dụng ngân hàng, tháo gỡ pháp lý BĐS và trực tiếp cho TPDN hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trao đổi và thiết kế. Trong trường hợp được triển khai từ quý quý III thì hoạt động huy động TPDN có thể có cơ hội bắt đầu hồi phục từ đầu quý III.

FiinRatings cho rằng, một số tổ chức phát hành có chất lượng tín dụng tốt, hồ sơ pháp lý sạch và chương trình dự án sử dụng vốn TPDN rõ ràng và minh bạch vẫn sẽ có cơ hội phát hành thành công trên thị trường nợ trong nước cũng như một số giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.

Rà soát, tháo gỡ pháp lý BĐS là chìa khóa cho sự khôi phục của thị trường TPDN, tín dụng BĐS 

Một số chuyển biến được kỳ vọng hỗ trợ cho sự khôi phục của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 2023. Đầu tiên, bên cạnh cho vay tín dụng cho doanh nghiệp theo room tín dụng mới năm 2023 và triển khai các chính sách của NHNN, FiinRatings kỳ vọng một số các ngân hàng thương mại có xếp hạng tín nhiệm tốt bởi NHNN có thể khôi phục lại hoạt động đầu tư và kinh doanh TPDN theo Thông tư 13.

Ngoài ra, khi vấn đề pháp lý dự án BĐS được tháo gỡ và điều khoản cho phép giãn nợ trái phiếu 24 tháng theo dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được áp dụng, giải ngân cho vay và tín dụng dưới hình thức TPDN có thể được một số các tổ chức tín dụng triển khai trở lại, bao gồm cả hoạt động tái cơ cấu nợ qua hình thức TPDN.

Thứ hai là triển khai tái cơ cấu nợ TPDN khi sửa đổi Nghị định 65 đi vào hiệu lực. Nghị định 65 có một số dự thảo sửa đổi ở góc độ tạo đà cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoặc luân chuyển giữa kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu sẽ diễn ra theo khuôn khổ quy định mới này.

Việc triển khai đồng bộ giữa việc triển khai tín dụng BĐS và tái cơ cấu TPDN sẽ góp phần giải quyết một phần áp lực đáo hạn 205.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm nay, trong đó 104.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn từ các doanh nghiệp BĐS.

Cuối cùng là biện pháp tháo gỡ về pháp lý BĐS. Điểm nghẽn pháp lý là một trong những vấn đề trọng yếu đối với các doanh nghiệp và dự án BĐS hiện nay.

Do đó, việc rà soát và tháo gỡ pháp lý nhất là cho BĐS sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của không chỉ thị trường TPDN, tín dụng BĐS mà cả hoạt động tự điều tiết như chuyển nhượng dự án/ M&A. Bởi khi yếu tố pháp lý BĐS chưa được giải quyết, doanh nghiệp không thể mở bán cho dù chấp nhận giảm giá bán và dẫn tới nguồn thu lớn nhất là từ khách hàng mua nhà chưa được khơi thông.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.