Lương giáo viên không bằng osin, tại sao vẫn 'lao đầu' vào biên chế?

Nếu so sánh đồng lương của một giáo viên với lương của một người giúp việc nhà thì đúng là buồn. Biết vậy, nhiều người vẫn mong vào biên chế.

“Tôi biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu so sánh đồng lương của một giáo viên với lương của một người giúp việc nhà thì đúng là buồn. Biết vậy, nhưng nhiều người vẫn mong muốn có một suất vào biên chế”, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (TP.HCM) cho hay.

luong giao vien khong bang osin tai sao van lao dau vao bien che
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (TP.HCM). Ảnh: NV.

Cụm từ “biên chế” đang là từ khoá nóng với ngành sư phạm. Theo ông, lí do nào khiến nhiều người dù biết khó xin việc vẫn quyết “mai phục” hay tìm cửa để “chạy” một suất vào biên chế?

- Có nhiều lí do khiến không chỉ giáo viên mà nhiều người làm trong ngành nghề khác của cơ quan nhà nước cũng đều mong muốn. Đối với giáo viên, biên chế được cho là sự ổn định, không bấp bênh, không lo sợ bị cắt hợp đồng bất cứ lúc nào.

Khi đã vào biên chế, “cứ đến hẹn lại lên lương” chứ không như giáo viên hợp đồng chỉ được hưởng mức lương thỏa thuận. Ngoài tiền lương theo quy định, giáo viên sẽ có thêm khoản phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy.

Giáo viên trong biên chế nếu có trình độ chuyên môn tốt sẽ được bổ nhiệm làm Ban giám hiệu, chuyên viên Phòng giáo dục,…

Trong quá trình công tác, nếu đạt các danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua thành phố,… giáo viên sẽ được xét nâng lương trước thời hạn.

Vấn đề tiền lương có ảnh hưởng nhiều đến quyết định vào biên chế không, thưa ông?

- Theo tôi, đây cũng là một trong những lí do khiến nhiều giáo viên hợp đồng khao khát vào biên chế. Như phân tích ở trên, giáo viên có biên chế thường không phải lo lắng về mức lương vì đã được biết trước và có sẵn các quy định chứ không như giáo viên hợp đồng chỉ được hưởng mức lương thỏa thuận.

Tuy nhiên, thực tế, mức lương của giáo viên có biên chế vẫn chưa thực sự phù hợp để giữ chân người tài. Đầu năm học vừa qua, có 5 cán bộ và giáo viên của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TPHCM) làm đơn xin được chuyển công tác. Trong số này có 2 phó hiệu trưởng và 3 khối trưởng các khối. Điều đáng nói là những nhà giáo đang công tác tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân đều có khả năng, trình độ chuyên môn cao thì việc giáo viên và ban giám hiệu xin chuyển sang trường tư, trong thời điểm đầu năm học là một điều đáng báo động cho thu nhập nhà giáo, chính sách giữ giáo viên giỏi của ngành sư phạm.

Với 18 năm công tác trong ngành giáo dục, trình độ thạc sĩ nhưng theo quy định của thông tư số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cũng chỉ hưởng mức lương trình độ đại học.

Lương hiện nay của tôi được tính như sau: Hệ số lương: 3,66 nhân với 1.300.000 đồng. Ngoài ra được thêm các khoản phụ cấp 35%, phụ cấp thâm niên nên cũng được 6,5 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản về BHYT, BHXH, BHTN, tiền công đoàn phí, tiền đóng góp các phong trào, … lương thực lãnh chỉ còn khoảng 5 triệu đồng.

Với mức lương này, để lo cho các con, bản thân tôi cũng phải cộng tác giảng dạy tại một trương tư thục để cải thiện các nhu cầu thiết yếu của đời sống.

Tôi biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu so sánh đồng lương của một giáo viên với lương của một người giúp việc nhà thì đúng là buồn. Biết vậy, nhưng nhiều người vẫn mong muốn có một suất vào biên chế.

Nói như vậy không phải lâu nay bản thân tôi cũng như các thầy cô khác không làm tròn vai trò, trách nhiệm của một người giáo viên. Tuy lương thấp nhưng giáo viên vẫn bám trường, bám lớp. Hình ảnh các thầy cô vùng sâu, vùng xa miệt mài "gieo" chữ cho các em học sinh vẫn lay động bao trái tim cũng chỉ vì hai chữ “yêu nghề”.

Vậy ông có ủng hộ việc bỏ biên chế hay không?

- Nếu chủ trương này được thực hiện thì tôi rất ủng hộ. Bỏ biên chế giúp cho mỗi giáo viên phải vận động, học hỏi và sáng tạo không ngừng để khẳng định vị trí của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ bỏ đối với giáo viên thì không công bằng. Vấn đề này cần được áp dụng rộng hơn.

Tôi tin chắc nếu bỏ biên chế và có những quy định chặt chẽ về tuyển dụng và sử dụng nhân sự thì chúng ta sẽ không phải nhắc đến những từ đau buồn như: “chạy” biên chế, “mai phục” vào biên chế hay “đổi tình lấy biên chế” nữa.

Xin cảm ơn ông!

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.