Cây kim ngân (Dracaena fragrans) là một loại cây cảnh phổ biến được nhiều người trồng trong nhà. Loài cây sở hữu thân và lá xanh đẹp, từ đó giúp tạo nên không gian sống dễ chịu và tươi mới.
Xét về mặt phong thuỷ, loài cây này còn mang đến nhiều may mắn, tiền tài cho gia chủ. Trong đó, thế cây “trụ thiên" - trồng 1 cây, thế cây “phúc - lộc - thọ" - trồng 3 cây và thế cây “phúc - lộc - thọ - an - khang" - trồng 5 cây.
Như nhiều loại cây khác, cây kim ngân cũng cần chăm sóc đúng cách để phát triển và sống lâu dài. Dưới đây là một số bước căn bản mà bạn có thể tham khảo để biết cách chăm sóc cây trong nhà:
Trước khi tưới cây, bạn hãy kiểm tra độ ẩm của đất bằng cách chạm vào bề mặt của đất. Trường hợp bề mặt đất đã khô hoặc hơi khô, có nghĩa là cây cần được tưới.
Tuỳ theo nhu cầu trồng mà bạn sẽ có cách tưới nước cho cây kim ngân khác nhau, trong đó:
Tưới nước cho cây kim ngân gốc to: Bạn cần tưới lượng nước trung bình khoảng 500 - 800ml/lần với tần suất tưới nước thường 2 lần/tuần để đất đạt được độ ẩm nhất định (Lưu ý: không phun sương vào lá để cây tránh bị nhiễm nấm)
Tưới nước cho cây kim ngân gốc nhỏ: Cây có kích thước và bộ rễ nhỏ nên tưới lượng nước khoảng 100 - 200ml/lần với tần suất 2 lần/tuần tương tự như những cây gốc to
Tưới nước cho cây kim ngân bị khô héo: Lý do là cây bị thiếu nước và bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời. Do đó, bạn cần di chuyển cây sang vị trí thông thoáng và cắt bỏ đi phần lá héo úa, đồng thời hãy hoà chất đạm với lượng nước vừa phải rồi tưới nước khoảng 1 lần/tuần để cây trở lại hiện trạng ban đầu
Tuỳ vào mục đích khác nhau mà các bạn tiến hành cắt tỉa cho cây kim ngân. Trong đó, lá già, lá vàng, cây quá sum suê,... là những trường hợp mà bạn cần cắt tỉa ngay để cây được phát triển tốt hơn.
Cắt tỉa cây khi bị lá vàng: Bạn cần dùng kéo sắc hoặc kéo chuyên dụng để cắt bỏ các lá vàng, già. Nếu lá vàng không phải do lá già, bạn cần cắt những cành có lá bị vàng, sau đó tìm nguyên nhân để khắc phục kịp thời
Cắt tỉa cây khi cây sum suê: Cành lá dài và sum suê hơn sẽ làm cho cây mất đi dáng đẹp như ban đầu nên bạn cần cắt toàn bộ cành lá (không cắt sát thân mà để lại cành khoảng 1cm) để cây kim ngân đẹp như mới
Cắt tỉa cây khi giâm cành: Hãy cắt tỉa cây khi bạn muốn nhân giống cho cây kim ngân bằng cành. Nếu cành có mầm mới, bạn hãy cắt gần hết lá xung quanh và giữ mầm để mầm phát triển. Ngoài ra có thể cắt hết lá và mang cành trồng xuống đất trường hợp cành không có mầm
Hiện nay có hai hình thức bón phân cho cây kim ngân bao gồm trộn phân bón với đất khi trồng cây hoặc bón trực tiếp vào đất, chi tiết như sau:
Tự trồng cây kim ngân: Bạn có thể trộn phân bón với đất trồng để cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho đất trồng cây
Mua cây về và không cần trồng lại cây: Bạn có thể bón phân trực tiếp vào đất nhưng lưu ý rằng bạn hãy bón phân với liều lượng hợp lý. Tốt nhất là nên bón cách nhau 20 ngày (đối với phân NPK), 15 ngày (đối với phân vi sinh), 30 ngày (đối phân trùn quế) và 30 - 45 ngày (phân hữu cơ ủ hoai).
Để giảm thiểu sự thất thoát về chất lượng cây trồng, bạn cần có cách chăm sóc cây để phòng trừ sâu bệnh như sau:
Bệnh đốm lá
Nếu thấy lá cây kim ngân xuất hiện những đốm nâu có hình dạng bất định và viền vàng, nguyên nhân là do nấm Colletotrichum sp gây ra. Do đó, bạn cần sử dụng thuốc khi bệnh mới xuất hiện với các loại thuốc gốc đồng như: boođô 1%, Bacba 86 WP, COC 85 WP, Kocide hoặc thuốc có hoạt chất Difenoconazole.
Bệnh thối thân, thối rễ
Rễ và thân cây sẽ xuất hiện vết thâm đen, có thể ăn sâu vào bên trong thân cây làm cho lá cây vàng và thối rụng nhanh chóng. Theo đó, bạn nên sử dụng các loại thuốc có các hoạt chất như: Metalaxyl, Mancozed, Fosetyl Aluminium, Dimethomorph, Cuprous oxide.
Các bệnh khác do môi trường sống
Trường hợp cây có hiện tượng sinh lý như vàng lá, thối gốc và rụng lá, trước tiên bạn cần kiểm tra cây và đất trong. Sau đó điều chỉnh chế độ tưới hợp lý cũng như bón phân một cách cân đối.