Cuộc “xâm chiếm” của rác thải nhựa
Nhiều năm trở lại đây, Maldives nổi tiếng là “thiên đường du lịch”, với những bãi san hô sặc sỡ, bãi cát dài trắng phau và làn nước xanh như ngọc. Tuy nhiên, quốc đảo này cũng phải hứng chịu những hậu quả to lớn từ ô nhiễm nhựa, với nhiều núi rác thải được tìm thấy trên nhiều hòn đảo khắp đất nước.
Núi rác thải trên một hòn đảo của Maldives. (Ảnh: Caters News Agency) |
Ngoài “nguồn tiếp nhận” là các cơn sóng ngoài đại dương mang tới, phần lớn lượng rác thải nhựa ở Maldives là từ hoạt động du lịch. Theo một số liệu từ năm 2014, khoảng 400 tấn rác thải bị đổ ra trên đảo Thilafushi mỗi ngày. Nếu chia bình quân đầu người, mỗi khách du lịch sẽ phải chịu tới 3,5 kg trong con số khổng lồ đó.
Cuộc khủng hoảng này chủ yếu đến từ việc nguồn nước sạch ở Maldives đa phần phụ thuộc vào nước đóng chai, với hàng triệu chai nước được nhập khẩu trực tiếp mỗi năm để phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch. Đó là chưa kể con số khổng lồ 106,5 triệu túi nilon cập bến quốc gia này chỉ trong năm 2017, được sử dụng để đóng gói và đa phần là đồ dùng một lần.
Những quyết tâm mạnh mẽ
Trước viễn cảnh bị “xâm chiếm” bởi ô nhiễm trắng, nhiều tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, trường học và chính phủ cũng đang có nhiều sáng kiến thiết thực để cải thiện tình hình.
Secret Paradise Maldives - một công ty chuyên tổ chức các tour du lịch đến Maldives mới đây đã “tuyên chiến” với "ống hút nhựa". Theo đó, công ty này đã yêu cầu những cơ sở cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng hợp tác với mình cam kết không sử dụng ống hút nhựa. Ruth Franklin, giám đốc kinh doanh của công ty đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng 7/18 nhà nghỉ liên kết với họ đã nhất trí với cam kết này vào tháng 6 vừa qua.
Ngoài ra, Ruth cũng cho biết rằng nhiều du khách cũng rất quan tâm tới thực trạng rác thải ở Maldives và rất tò mò với các giải pháp của địa phương trong việc cải thiện vấn đề. Đó chính là một trong những lý do mà họ quyết định đưa ra nhiều lựa chọn tour tham quan đảo cho phép du khách cùng tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
Hiệp hội Hàng thủ công Maldives (Maldives Authentic Crafts Cooperative Society) đang đặt hy vọng vào dự án Plastic Noon Gotheh (tạm dịch: giải pháp không nhựa). Mục tiêu của dự án này là nâng cao ý thức và thúc đẩy một lối sống không phụ thuộc vào nhựa cho người dân Maldives. Giám đốc Aminath Abdulla cho rằng cư dân Maldives đã quá quen với một cuộc sống phụ thuộc vào nhựa nhưng cô tin rằng, những thay đổi nhỏ nhất cũng sẽ tạo động lực cho những chuyển biến tích cực lớn lao hơn.
Cùng với đó, các tổ chức nước ngoài như Parley cũng đang tích cực chống lại ô nhiễm nhựa bằng cách hợp tác với các trường học, khu nghỉ dưỡng và cả các tàu đánh cá để thu thập rác thải nhựa cho mục đích tái chế. Lượng rác thải này, sau khi được chuyển đi, sẽ được “biến hóa” thành các sản phẩm thời trang để thu hút và nâng cao ý thức của người dân toàn cầu.
Và không chỉ có các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới vấn đề này, nhiều trường học, nhà hàng và quán cà phê địa phương cũng tích cực hưởng ứng bằng cách cấm các loại đồ nhựa dùng một lần, chai nhựa hay ống hút.
Học sinh của một trường học địa phương đang được đi thực tế về vấn đề rác thải nhựa. (Ảnh: Maldives Independent) |
Nhiều hạn chế còn tồn tại
Dễ thấy rằng cộng đồng đang có rất nhiều sự cải thiện và ý thức trong vấn đề ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, những nhà hoạt động môi trường cho rằng cuộc chiến này không thể thiếu sự giúp sức từ các chính sách hiệu quả của chính quyền, mà điều này vẫn còn đang là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Dù vẫn kêu gọi và vận động cho việc giảm lượng tiêu thụ nhựa vào Ngày Môi trường Thế giới 5/6 vừa qua, chính quyền sở tại vẫn bị nhiều tổ chức phi chính phủ lên án và đặt dấu hỏi về sự quyết tâm thực sự của họ khi mới đây, một nhà máy sản xuất vỏ chai nhựa với công suất lên tới 10.000 chai mỗi giờ đang được cho phép xây dựng tại Kulhudhuffushi – một hòn đảo phía bắc Maldives.
Vào năm 2015, mức thuế nhập khẩu dành cho các sản phẩm nhựa không phân hủy đã tăng từ 200% lên tới 400%. Nhưng song song với đó, lượng nhập khẩu các sản phẩm từ nhựa phân hủy sinh học và nhựa phân hủy bằng oxy hóa lại gia tăng mạnh mẽ. Gần 80 triệu túi nhựa phân hủy sinh học đã được nhập khẩu vào Maldives vào năm 2017, theo số liệu của hải quan nước này.
Giải thích về các lo ngại của mình, những nhà hoạt động môi trường cho rằng nhựa phân hủy sinh học thực ra không hề mang lại những lợi ích về lâu dài, khi chúng dễ dàng phân rã và bị tiêu thụ bởi các sinh vật biển. Một báo cáo trình lên Nghị viện Châu Âu hồi tháng 1 ủng hộ quan điểm này, chứng minh rằng nhựa phân hủy sinh học không hề phân hủy hoàn toàn mà còn tạo nên lớp tích tụ, đặc biệt trong môi trường đại dương.
Nhiều báo cáo chứng minh rằng nhựa phân hủy sinh học thực ra không phải giải pháp hữu hiệu cho vấn đề ô nhiễm đại dương. (Ảnh: Green And Growing) |
///
#MALDIVES
Muốn biết Maldives đẹp thế nào, xem ngay hình ảnh 'checkin' của Quang Vinh
Chuyến đi đến thiên đường hạ giới Maldives của ca sỹ Quang Vinh đã ngay lập tức 'đốn tim' cộng đồng mạng vì độ đẹp và sang ... |
11 lý do nên đến Maldives càng sớm càng tốt
Với 26 đảo san hô và hơn 1.000 hòn đảo trên biển Ấn Độ Dương, Maldives là một trong những điểm đến được săn đón ... |
'Giấc mơ có thật' ở thiên đường nghỉ dưỡng lãng mạn nhất thế giới Maldives
Nguyễn Thiện Chí vừa có chuyến du lịch đến thiên đường biển đảo Maldives. Sau nhiều năm ấp ủ từ lâu, đến nay, giấc mơ ... |