Mạng lưới ba đường vành đai ở TP HCM: Vành đai 2 xong trong 2022, vành đai 4 tổng vốn 100.000 tỷ hoàn thành trước 2030

Đường vành đai 2 của TP HCM dự kiến phải hoàn thành trong năm 2022. Còn vành đai 3, vành đai 4 kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.

Hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 của TP HCM - Ảnh 1.

Trong 4 đường vành đai ở TP HCM, có vành đai 1 đã hoàn thành. Ba dự án còn lại với tổng chiều dài hơn 350 km gồm vành đai 2, 3, 4 được phê duyệt lần lượt vào năm 2007, 2011 và 2013. 

Vành đai 3 chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, còn vành đai 4 dài 198 km, đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An.

 

Hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 của TP HCM - Ảnh 2.

Vành đai 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2022

Đường vành đai 2 của TP HCM được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô 6 - 10 làn xe.

Dự án được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với TP HCM, góp phần giảm lượng phương tiện (xe tải, container) đi vào nội đô, giúp giải quyết bài toán giao thông cho thành phố.

Hệ thống đường vành đai ở TP HCM: Vành đai 2 xong trong năm 2022, vành đai 4 dài nhất 197 km tổng vốn 100.000 tỷ - Ảnh 3.

Theo TTXVN, đến nay, dự án vẫn còn 4 đoạn chưa được khép kín gồm:

Đoạn kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) dài 2,75 km được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) từ năm 2017. Đây là dự án nhằm kết nối trục giao thông chính là đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1, qua đó từng bước khép kín tuyến đường vành đai 2 theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.

Hai đoạn đầu tư bằng vốn ngân sách gồm đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng với chiều dài tuyến hơn 2,4 km, tổng vốn đầu tư 5.569 tỷ đồng và đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội với chiều dài tuyến hơn 3,5 km, tổng mức đầu tư 9.047 tỷ đồng.

Đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài tuyến 5,3 km, tổng mức đầu tư 9.240 tỷ đồng đang trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đường vành đai 3, 4 triển khai tối đa theo phương thức PPP  

Mạng lưới ba đường vành đai ở TP HCM: Vành đai 2 xong trong 2022, vành đai 4 tổng vốn 100.000 tỷ hoàn thành trước 2030 - Ảnh 4.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương liên quan khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP (lưu ý nghiên cứu phương án thu phí tổng hợp trên toàn tuyến và phân bổ đến từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật). 

Trong quá trình triển khai đầu tư, Phó Thủ tướng lưu ý triển khai đồng thời các dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 theo điều kiện của từng địa phương, sớm khép kín các tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.

Đường vành đai 3 đi qua địa phận TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng chiều dài khoảng 90 km.

Đường vành đai 3 kết nối với cao tốc TP HCM – Mộc Bài và cao tốc TP HCM – Chơn Thành, là dự án mang tính huyết mạch, kết nối các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phân luồng các phương tiện vận tải nặng quá cảnh qua TP HCM không phải lưu thông vào trung tâm thành phố, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh.

Về nguồn vốn, theo UBND TP HCM, Thủ tướng Chính phủ đã phê quyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 TP HCM năm 2011, với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA kết hợp khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua và huy động từ tư nhân.

Dự án mới có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (dài 16 km) hoàn thành. Mới đây hai dự án thành phần 1A và 1B, dài gần 18 km, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Mạng lưới ba đường vành đai ở TP HCM: Vành đai 2 xong trong 2022, vành đai 4 tổng vốn 100.000 tỷ hoàn thành trước 2030 - Ảnh 5.

Đường vành đai 4 có chiều dài 198 km, đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An. Dự án có mặt cắt ngang từ 6- 8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc, mức đầu tư sơ bộ khoảng 100.000 tỷ đồng.

Vành đai 4 dự kiến chia làm 5 phân đoạn đầu tư gồm:

Đoạn 1 (Phú Mỹ - Trảng Bom), dài 45 km, kinh phí 21.000 tỷ đồng

Đoạn 2 (Trảng Bom – Quốc lộ 13) dài 52 km, kinh phí 24.000 tỷ đồng

Đoạn 3 (Quốc lộ 13- Quốc lộ 22), dài 23 km, kinh phí 11.000 tỷ đồng

Đoạn 4 (Quốc lộ 22 – Bến Lức), dài 41km, kinh phí 23.000 tỷ đồng

Đoạn 5 (Bến Lức – Hiệp Phước), dài khoảng 36 km, kinh phí 20.000 tỷ đồng. Ngoại trừ đoạn 5 đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì các đoạn còn lại vẫn chưa khởi động.

Theo Sở GTVT TP HCM, đường vành đai 4 liên kết với nhiều trục giao thông chính như trục Bắc – Nam, Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, cao tốc TP HCM – Trung Lương, cao tốc TP HCM – Chơn Thành.

Tại buổi làm việc với các bộ ngành, địa phương về dự án đường vành đai 3, 4 TP HCM hồi giữa tháng 5, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP HCM phải hoàn thành tuyến đường vành đai 2 trong năm 2022, tuyến đường vành đai 3 phải xong trước 2025 và vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, không kéo dài đến 2030.