Mặt bằng bán lẻ TP HCM thêm 470.000 m2 sàn

Tới năm 2024, nguồn cung bán lẻ tại TP HCM sẽ có 470.000 m2 sàn từ 24 dự án, khu vực ngoại ô chiếm 40% tổng nguồn cung dự án tương lai.

Theo báo cáo gần đây của Savills, trong quý 4/2021, tổng nguồn cung bán lẻ TP HCM xấp xỉ 1,5 triệu m2, tương đối ổn định theo quý và theo năm, mặc dù dự án Lucky Plaza ở quận 1 với diện tích 1.000 m2 sàn đóng cửa. 

Nguồn cung tiếp tục phát triển ở các khu vực ngoài trung tâm. Trong 5 năm qua, nguồn cung tại khu vực vùng ngoại ô đã tăng 7% mỗi năm, trong khi đó giá chào thuê giảm 1% mỗi năm. Ba tháng cuối năm, 70% các dự án tương lai gần như hoàn thành hoặc đang xây dựng. Tới năm 2024, nguồn cung tương lai sẽ có 470.000 m2 sàn từ 24 dự án, khu vực ngoại ô chiếm 40% tổng nguồn cung dự án tương lai.

Kể từ năm 2019, công suất cho thuê giảm nhẹ 1 điểm phần trăm mỗi năm, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao 94% trong năm 2021. 

Trong quý IV/2021, công suất trung bình giảm 1 điểm phần trăm theo quý và theo năm xuống còn 93%, khi mà công suất của phân khúc khối đế bán lẻ và trung tâm mua sắm giảm 1 điểm phần trăm theo quý. Việc giảm công suất này đến từ việc một số khách thuê kết thúc hợp đồng sớm hoặc không tái ký đối với các khách thuê có hiệu quả kinh doanh kém. 40% các khách thuê rời đi thuộc ngành ẩm thực. 

Những tháng cuối năm, các hoạt động kinh tế và thương mại mở cửa trở lại. Các chủ cho thuê không còn áp dụng các chính sách hỗ trợ như giảm giá trực tiếp vào giá chào thuê, hoặc giảm giá thuê lên 50% trong tháng thuê đầu tiên. Giá chào thuê trung bình đạt 1.150.000 đồng/m2 /tháng, tăng 2% theo quý và tăng 1% theo năm. 

Tuy nhiên, một số chủ cho thuê tại khu vực ngoài trung tâm (đặt biệt là khu vực ngoại ô) vẫn áp dụng một số chỉnh sách kích cầu bao gồm kéo dài thời gian thi công hoặc không tính tiền thuê hoặc tiền phí dịch vụ trong thời gian thi công.

Savills đánh giá, do ảnh hưởng của thương mại điện tử, các doanh nghiệp đang chú trọng hơn vào kênh trực tuyến và giảm quy mô cửa hàng vật lý. 

Dẫn đầu xu hướng này là các doanh nghiệp thuộc ngành ẩm thực như Starbucks, The Coffee House, và Phúc Long đã giảm không gian cửa hàng vật lý.

Theo Euromonitor International, trong giai đoạn 2017 - 2021, giá trị bán lẻ tại Việt Nam đã tăng trung bình 3% mỗi năm, giá trị bán lẻ ngoài cửa hàng tăng 24% mỗi năm và giá trị bán lẻ tại cửa hàng tăng 2% mỗi năm. 

Đến năm 2025, giá trị bán lẻ ngoài cửa hàng được kỳ vọng sẽ tăng 15% mỗi năm, trong khi giá trị bán lẻ tại cửa hàng sẽ chỉ tăng 5% mỗi năm. 

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.