Nhiều 'ông lớn' tăng tốc trên thị trường bán lẻ, Aeon dự kiến tăng gấp đôi số TTTM

Sau thời gian giãn cách xã hội, bất động sản bán lẻ đang dần phục hồi, tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ quay lại thị trường. Lần này, cuộc cạnh tranh dự kiến sẽ trở nên sôi nổi và khắc nghiệt hơn khi nhiều 'ông lớn' đang hướng tới đẩy mạnh tại thị trường này.

Thị trường đang dần phục hồi

Báo cáo mới đây của Colliers cho thấy, trong quý IV/2021, thị trường bán lẻ các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng không ghi nhận nguồn cung mới. Các dự án bị chậm trễ một phần do phải thực hiện chỉ thị 16 về giãn cách xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều dự án đã được tiếp tục triển khai. Dự kiến trong quý I và II năm nay, một vài dự án tại TP HCM sẽ được đưa ra thị trường như Socar Mall (40.000 m2), Central Mall East Saigon (39.000 m2), Sense City East Saigon (50.000 m2), Vincom Mega Mall Grand Park (45.000 m2).

Tại Hà Nội, Vincom Mega Mall với quy mô 49.000 m2 sẽ sớm được ra mắt. Ngoài ra, Toshin - Starlake từ Toshin Development Co., LTD sẽ cung cấp 17.000 m2 và dự kiến sẽ ra mắt năm sau hoặc năm 2023. Đến năm 2023, thị trường sẽ đón thêm nguồn cung mới và đa phần là những trung tâm thương mại được đầu tư bài bản, như Lotte Mall ở khi vực Võ Chí Công hay khu Starlake với sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc như CJ hay E-mart. Trong thời gian tới CTCP Tập đoàn Ecopark sẽ cho ra thị trường dự án trung tâm thương mại The Island Mall Ecopark với quy mô hàng chục nghìn ha...

Giá thuê trung bình đự kiến tăng trong năm 2022. (Nguồn: Colliers).

Các 'ông lớn' đua nhau tăng tốc 

Đại dịch Covid-19 khiến cho một số doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam, đáng kể đến là Top Shop, Hard Rock Coffee nhưng lại là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô thị trường. 

Cụ thể, Con Cưng đang có ý định mở rộng thị trường, Saigon Co.op cũng đẩy nhanh mục tiêu đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Hay chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ (đổi tên thành Winmart và Winmart+) với hơn 2.500 điểm bán đang tăng tốc hợp tác với The CrownX. Sắp tới Nutrifood mở rộng quy mô với 200 cửa hàng trên khắp TP HCM. Tiếp đến, Central Retail sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam với 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình và Lào Cai và 1 siêu thị MiniGo! ở Tây Ninh. 

Không chỉ Aeon hay Vincom Retail, mà các ông lớn khác cũng đang hướng tới thị trường bán lẻ. Tập đoàn Central Retail Việt Nam vừa ký kết hợp tác đầu tư phát triển ở mảng bán lẻ với Tập đoàn Kido (KDC). Theo đó, KDC sẽ đưa chuỗi F&B Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) GO!, Big C và Tops Market, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm mới. 

Tập đoàn Aeon dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Hiện tại Tập đoàn từ Nhật Bản có 6 trung tâm thương mại tại Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM và Bình Dương và kế hoạch của họ là sẽ vận hành 25 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025. 

Bên cạnh đó, chuỗi siêu thị với chiến lược giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ "ở lại" Việt Nam và được vận hành dưới dạng nhượng quyền thương mại, Thaco sẽ trả phí bản quyền cho E-mart. Thương vụ này đi cùng kỳ vọng của E-mart là tập đoàn sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ mở được 10 siêu thị E-mart đến năm 2025. 

Hay Masan, mua lại chuỗi VinMart/VinMart+ từ Vingroup, tập đoàn đã sớm phát đi thông điệp muốn xây dựng điểm đến Point of Life (POL) – nền tảng "tất cả trong một" phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm trực tiếp và trực tuyến. 

Như vậy thị trường bán lẻ sắp tới ở Việt Nam sẽ trở nên sôi nổi và cạnh tranh khắc nghiệt hơn khi mà các ông lớn như Thaco hay Masan cũng đang bước chân vào thị trường đầy tiềm năng này. 

Thương mại điện tử chiếm ưu thế 

Colliers nhận định, đại dịch lần này đã tạo nên một cơ hội lớn để các kênh thương mại điện tử bùng nổ. Cho đến nay, nhiều người vẫn lựa chọn kênh thương mại điện tử để mua sắm mặc dù tình hình dịch bệnh đã có phần thuyên giảm. Các kênh bán lẻ như SatraFoods, Bách Hoá Xanh, Vinmart cũng góp phần tạo nên xu hướng trên.

Bên cạnh đó các ông lớn chuyên về mảng mua sắm như Tiki và Shopee cũng mở rộng danh mục hàng hoá thiết yếu. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, Uniqlo cũng theo đà phát triển mảng bán hàng trực tuyến. Euromonitor dự báo doanh số thương mại điện tử tại Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong vòng 5 nămtới. Về triển vọng của thị trường bán lẻ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam cho biết, doanh thu thương mại điện tử của nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 13 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và trong 5 năm tới, ngành này dự kiến sẽ tăng trưởng 19%/năm, đến năm 2025.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.