Từ trước đại dịch Covid-19, các cửa hàng vật lý vốn đã đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên sau thời gian dài đóng cửa vì giãn cách, vai trò này càng được khẳng định khi nhu cầu kết nối trực tiếp với khách hàng tăng cao.
Bà Marie Hickey, Giám đốc Nghiên cứu bán lẻ Savills UK cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quen mua sắm trực tuyến, các cửa hàng vật lý đang trở thành một địa điểm chiến lược quan trọng trong việc giúp khách thư giãn và tăng trải nghiệm.
Trong khi một vài thương hiệu gặp khó khăn trong việc duy trì doanh số trong thời điểm dịch bệnh thì vẫn có một số ngành ghi nhận hoạt động tích cực như thể thao, đồ gia dụng, sức khoẻ, F&B và xe điện. Đánh giá về vấn đề này, ông Sam Foyle, Trưởng Bộ phận Bán Lẻ cao cấp toàn cầu Savills (Prime Global Retail Team) cho hay:
“Một vài thương hiệu thuộc những nhóm ngành trên đang ghi nhận doanh thu mạnh mẽ trong suốt thời gian đại dịch diễn ra. Giá thuê tăng tại một số thị trường và các mặt vị trí tốt đang có giá rẻ hơn nhiều so với năm 2019, do đó, có thể nói đây là một thời điểm tuyệt vời để các thương hiệu mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý của mình.
Đối với những thương hiệu đồ xa xỉ, đây thời điểm thích hợp cho các cửa hàng này di chuyển đến những mặt bằng lớn với vị trí đẹp hơn và cũng là cơ hội cho những thương hiệu xa xỉ mới bước vào thị trường”.
Trong báo cáo Savills Retailer Attractiveness City – báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ hấp dẫn của các thành phố đối với các nhà bán lẻ của Savills được công bố trong ấn phẩm nghiên cứu chuyên sâu Impacts 2022 - New York, Paris và London được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ quan trọng nhờ tốc độ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
“Covid-19 đã tạo ra nhiều thay đổi cho ngành bán lẻ, chủ yếu là sự chuyển dịch cơ cấu sang kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, một số thay đổi đã tác động lên hành vi người tiêu dùng và gián tiếp thúc đẩy các xu hướng bán lẻ truyền thống. Bên cạnh đó, sự hồi phục của những địa điểm tại các thành phố cho thấy cửa hàng bán lẻ vẫn là một yếu tố chính trong chiến lược thương hiệu kết nối với người tiêu dùng, tăng nhận diện thương hiệu và góp phần tăng doanh thu”, ông Sam Foyle cho hay.
Đánh giá về sự hồi phục khác nhau tại các thành phố trọng điểm, Savills đã chỉ ra một số lý do khiến đại dịch trở thành cơ hội cho các nhà bán lẻ ở một số thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực Trung Đông và Châu Á.
Tại Dubai, nhiều cửa hàng nội địa đại diện cho các thương hiệu xa xỉ thông qua mô hình nhượng quyền. Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách của Chính phủ, những thương hiệu quốc tế đang tìm cách đưa các cửa hàng này về thành chi nhánh phân phối chính thức. Ở các khu vực như Cairo (Ai Cập), Saudi Arabia và Bahrain, nhóm người tiêu dùng trong nước có mức sống cao sẽ tạo nhiều điều kiện phát triển cho các nhà bán lẻ tại đây.
Savills cũng ghi nhận xu hướng các thương hiệu đang muốn mở thêm nhiều cửa hàng trong bối cảnh các mô hình bán lẻ truyền thống đang không còn cần thiết với nhiều lĩnh vực. Cụ thể, các nhãn hàng đang tận dụng những mặt bằng này như một chiến lược xây dựng thương hiệu. Ví dụ, trong năm nay, gã khổng lồ Netflix sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Tokyo.
Tại Việt Nam, thị trường mặt bằng cho thuê tại TP HCM và Hà Nội cũng đang hồi phục sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch với nhiều thương hiệu nước ngoài mới.
Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ của Savills Việt Nam cho biết doanh thu ghi nhận của các mặt bằng bán lẻ tại TP HCM đã tăng trở lại từ 70 - 80% và được kỳ vọng từ nay đến cuối năm sẽ phục hồi về thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh. Do đó, giá thuê mặt bằng bắt đầu có xu hướng hồi phục lại so với năm 2019. Với nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhiều thương hiệu quốc tế đang có chiến lược mở rộng tại thị trường Việt Nam, là động lực cho giá thuê tiếp tục tăng trở lại.
Chuyên gia của Savills đánh giá đây là thời điểm phù hợp khiến các doanh nghiệp tự tin hơn khi thuê lại mặt bằng hoặc bắt đầu thuê mới. Họ tin rằng đây là cơ hội để tiếp tục mở rộng thị trường và tăng doanh thu thông qua kênh bán lẻ truyền thống.