Báo cáo của Colliers Việt Nam về triển vọng thị trường bán lẻ cho thấy, nhiều mô hình mới như Multi-store, mini-mall, outlet mall… đã xuất hiện trên thị trường thời gian qua.
Theo đó, với mục đích tối ưu hóa chi phí quản lý và không gian trưng bày, mô hình “multi-store” ngày càng trở nên phổ biến. Tại Hà Nội, cửa hàng Winmart+ đầu tiên áp dụng mô hình kết hợp các dịch vụ tài chính Techcombank đã được khai trương tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khách hàng tới đây có thể mua sắm đồ dùng thiết yếu, sử dụng dịch vụ ăn uống, đồng thời thực hiện các giao dịch tài chính.
Chưa dừng lại, The CrownX (“TCX”), một công ty thành viên của Masan đã xây dựng mô hình “mini-mall”, tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (ngân hàng) và điểm giao dịch Reddi (viễn thông di động) tại một điểm phục vụ duy nhất. Trong năm 2022, công ty này đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng “mini-mall” theo 5 hình thức khác nhau, dựa trên phân tích đặc trưng của từng thành phố, ngoại ô, nông thôn ở các cửa hàng mới mở cũng như cửa hàng hiện có của WCM.
Mô hình “all-in-one” cũng đang chiếm lĩnh thị trường bán lẻ TP HCM và Hà Nội. Chuỗi Aeon Mall và Vincom là hai thương hiệu đi theo xu hướng này ở thời điểm hiện tại và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới tại cả TP HCM và Hà Nội.
Để thực hiện được các mô hình trên cần có quỹ đất lớn, nhưng hiện nay quỹ đất tại các khu trung tâm ở Hà Nội và TP HCM đang dần trở nên khan hiếm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp lớn như Central Retail, Aeon Group, Vingroup, Thaco chọn các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận làm địa điểm tiềm năng cho các trung tâm thương mại quy mô lớn của mình. Trong những năm tới Việt Nam hứa hẹn sẽ có loại hình “outlet mall” nằm ở vùng ngoại ô của các thành phố lớn với quy mô lớn.
Cũng trong quý vừa qua, nhiều cửa hàng có tên tuổi lớn trên thị trường như Uniqlo, Muji, Con Cưng... đã liên tục cho ra những điểm bán mới với quy mô lên đến hàng nghìn m2 ở thị trường TP HCM. Theo Colliers Việt Nam, việc các nhà bán lẻ không ngừng tìm kiếm vị trí đẹp tại các trung tâm mua sắm để mở rộng quy mô kinh doanh là do giá thuê mặt bằng bán lẻ đã giảm nhẹ so với quý trước.
Tại TP HCM, giá thuê trung bình tại khu vực trung tâm ở mức 102 USD/m2 mỗi tháng, tỷ lệ trống trung bình là 8%. Giá thuê khu vực ngoài trung tâm từ khoảng 28 USD/m2, tỷ lệ trống trung bình khoảng 25%.
Trong khi đó, tại Hà Nội, giá thuê trung bình tại khu vực trung tâm từ 92 USD/m2 mỗi tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 13%. Tại khu vực ngoài trung tâm, giá thuê khoảng 21 USD/m2 với tỷ lệ trống trung bình khoảng 27%.
Thị trường bán lẻ tại Hà Nội đã gặp nhiều khó khăn trong quý vừa qua do lượng ca nhiễm Covid-19 tăng. Các nhà bán lẻ có xu hướng thận trọng khi thực hiện giao dịch thuê mặt bằng nên giá thuê vẫn giảm so với quý trước.
Thị trường Đà Nẵng cũng không có chuyển biến tích cực nào hơn so với hai khu vực TP HCM và Hà Nội, dẫn đến giá thuê toàn thị trường giảm nhẹ so với quý trước. Thị trường này không ghi nhận thêm nguồn cung mới trong quý, tuy nhiên một số dự án đang chuẩn bị triển khai. Việc mở cửa chào đón lượng khách du lịch và nhà đầu tư quay trở lại được cho là một tín hiệu khả quan với thị trường này.