Mất niềm tin mua hàng online, bán đồ Trung Quốc quảng cáo Hàn Quốc, Singapore

Hàng gian, hàng giả và không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên các sàn thương mại điện tử đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Trong khi thương mại điện tử được dự báo tăng nhanh tại Việt Nam thì người tiêu dùng lẫn giới chuyên môn đều lo ngại về việc quản lí xuất xứ, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm trên các chợ trực tuyến này.

Khủng hoảng niềm tin vì hàng không như quảng cáo

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019 vừa tổ chức, nhiều chuyên gia tin tưởng thương mại điện tử trong nước sẽ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm tới. Đặc biệt, tốc độ phát triển của ngành hàng này tại Việt Nam sẽ cao hơn trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mất niềm tin mua hàng online, bán đồ Trung Quốc quảng cáo Hàn Quốc, Singapore - Ảnh 1.

Theo Nielsen, hiện nhiều người tiêu dùng Việt Nam mất niềm tin khi mua hàng qua mạng vì sản phẩm nhận không như quảng cáo. (Ảnh: Thanh Niên).

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong năm ngoái đạt trên 30%, cao hơn trung bình khu vực với qui mô toàn ngành đạt gần 8 tỉ USD. Dự báo, nếu giữ nguyên tốc độ này, qui mô trong hai năm tới có thể lên 13 tỉ USD.

Tuy nhiên, Giám đốc đối tác bán lẻ Nielsen - bà Lê Thị Thùy Trang, cho rằng rào cản lớn nhất của thương mại điện tử tại Việt Nam, chính là niềm tin của người tiêu dùng.

Theo bà Trang, nguyên nhân là hiện trên các sàn này, nhiều sản phẩm là hàng gian, hàng giả, hoặc hàng hóa nhận được không đúng như quảng cáo khiến người tiêu dùng kém mặn mà.

"Hiện nhiều khách hàng không tin tưởng vào mua sắm trực tuyến bởi sản phẩm thực không như trên mạng, sản phẩm có thể bị hư hỏng trên đường vận chuyển. Thực tế, niềm tin là rất quan trọng bởi nếu xảy ra trường hợp gian lận, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho hàng hóa họ đã mua", bà Trang nhấn mạnh.

Sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 triệt phá hàng giả

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cũng xác nhận vấn nạn bán hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm sở hữu trí tuệ trên các trang thương mại điện tử ngày càng nhiều.

Đồng thời, bày tỏ lo ngại do đây là hình thức mua sắm mới và người tiêu dùng chuyển từ mua hàng offline sang online ngày càng nhiều.

Mất niềm tin mua hàng online, bán đồ Trung Quốc quảng cáo Hàn Quốc, Singapore - Ảnh 2.

Hàng trăm chiếc đồng hồ chưa rõ nguồn gốc được bày bán tại một cơ sở trên đường Lê Thị Riêng (P.Bến Thành, Q.1) bị cơ quan chức năng thu giữ. (Ảnh: Thanh Niên).

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng quản lí hoạt động Thương mại điện tử, thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết trên các website, thông tin giới thiệu sản phẩm rất nhiều, hình ảnh rất hấp dẫn nhưng truy mãi vẫn không tìm được nguồn gốc, xuất xứ.

"Nhiều sản phẩm là hàng Trung Quốc nhưng giả là Hàn Quốc, Singapore… Người bán không nói rõ nguồn gốc trên môi trường mạng. Chủ các shop này cứ đưa thông tin chung chung nên giá nhiều khi chênh lệch nhưng thực chất, mẫu mã, thông số kĩ thuật rất khác nhau", ông Tuấn nói.

Từ đó, dẫn đến các khiếu kiện giữa người mua và người bán hoặc các sàn thương mại điện tử. Đơn cử, năm 2018, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương phát hiện, xử lí 250 trường hợp vi phạm về hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, tập trung vào các hành vi như thiếu minh bạch, qui trình giao dịch và trách nhiệm thực hiện hợp đồng của các sàn.

"Thời gian tới, các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, họ rất có ý thức về bảo vệ thương hiệu vì vậy, Bộ sẽ tăng cường giải quyết vấn đề này", đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.

Cụ thể, ông Tuấn cho biết sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 390) để xử lí các trường hợp lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, sẽ trình Chính phủ ban hành, sửa đổi các văn bản để quản lí, xử lí vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đứng ra giải quyết các tranh chấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.