Trong hình dung của tôi, hình ảnh già làng luôn là một ông già da ngăm đen, cởi trần, đóng khố, vai vác xà gạc, miệng ngậm tẩu thuốc, ngồi bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn cùng chóe rượu cần và giàn chiêng bám bụi thời gian, mắt nhìn xa xăm như nghĩ ngợi điều gì.
Nói đi đôi với làm
Thế nên, khi đến nhà già làng Điểu Định ở xã Đắk R’Tíh, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, tôi "choáng" vì trước mắt là một ngôi nhà sang trọng, có cả chiếc ô tô Camry. Không lẽ mình nhầm nhà? Tôi lưỡng lự nửa muốn bước vào, nửa muốn quay ra.
"Đã đến rồi thì vào nhà ngồi thôi" - Điểu Định đứng sau lưng tôi tự lúc nào, trên vai là buồng chuối vừa chín tới. "Tranh thủ thăm vườn, coi chuồng heo, ao cá thế nào. Mấy hôm nữa là đến ngày xuất cho bạn hàng rồi" - ông nói, rồi tiếp luôn: "Cái nhà này cả trong lẫn ngoài là tròn ba tỉ đồng đấy. Còn cái xe này hả? Mua lâu lắm rồi, cái ô tô đầu tiên của Đắk R’Tíh đấy, để dành tiền nhiều mùa rẫy với bao nhiêu là cà phê, heo mới đổi được nó. Bây giờ nó cũ rồi nhưng vẫn chạy tốt lắm".
Rồi ông đề nghị: "Cô muốn ra thăm trang trại không?". Chẳng cần biết tôi có đồng ý hay không, ông xăm xăm bước xuống thềm nhà, vào gara đánh ô tô ra. "Trang trại xa lắm hay sao mà phải đi xe?" - tôi hỏi. "Không xa, tôi đi bộ quen rồi. Nhưng các cô đi bộ không quen. Với lại, đi giày cao thế kia thì lết đến nơi chân cũng sưng vù, còn coi ngó được cái chi. Đường đến rẫy không xa nhưng trang trại của mình rộng lắm, không đi hết được đâu" - ông nói.
Chưa đầy 15 phút sau, trước mắt tôi đã thấy cánh cổng đề "Trang trại gia đình Điểu Định" với đầy đủ địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Một triền đồi "tuyết trắng" tỏa hương ngào ngạt của hơn 10 ha cà phê đang mùa trổ bông, bên dưới tán cây là dãy thùng nuôi ong. Hàng rào bảo vệ trang trại là cả ngàn gốc mít Thái lúc lỉu quả. Chếch phía bên trên một chút là vườn chuối; cạnh là ao, hồ. Cá nhao lên đớp mồi trắng cả mặt nước. Gần bên là dãy chuồng dành cho đàn heo giống. Xa hơn một chút là chuồng dê, nơi có một nhóm người đang tẩy rửa, dọn dẹp. Rồi đàn bò 10 con, đàn gà cả trăm con.
"Bao la vầy thì lấy người đâu mà làm cho xuể?". Nghe tôi hỏi, ông cười hề hề: "Thì cả nhà mình chớ ai, rồi thêm bà con nữa, ai không có việc cứ ra đây phụ mình. Mà giá heo bữa nay xuống quá nên mình chỉ nuôi heo giống thôi. Lúc trước có khi đến 700 con heo các loại, chỉ nghe tiếng kêu của chúng cũng nhức cả đầu".
Tôi hỏi: "Điểu Định giàu thế này thì bà con có được nhờ gì không đấy?". Ông đáp ngay: "Ui, nhờ nhiều chớ. Đứa nào nhà khó mà muốn nuôi heo thì cứ đến bắt về nuôi, bán được tiền rồi trả cho mình sau. Ai rảnh chân, rảnh tay thì vô phụ với mình. Bây giờ chỉ có vài người cắt cỏ, thả bò, chăm heo, nuôi dê chứ đến mùa thu hoạch thì đông vui, nhộn nhịp như một công trường. Rồi khi nhà mình mời cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật trồng mít cao sản, nuôi cá, nuôi heo, mọi người cũng được nghe cùng. Ở đây trồng lúa, trồng cà phê, chăn nuôi đúng kỹ thuật nên năm nào lúa cũng đầy kho, cà phê cho nhiều hạt; heo, gà đẻ nhiều con. Chưa nhiều người giàu nhưng không còn hộ thiếu mặc, thiếu ăn".
Đắk R’Tíh là một trong những xã kinh tế phát triển, an ninh chính trị ổn định của huyện Tuy Đức, một phần lớn nhờ sự đóng góp của những người như ông. Thế nhưng, nghe tôi hỏi, ông xua tay lắc đầu lia lịa: "Ôi, cái phần của mình ít lắm. Nhờ sự trợ giúp của bà con cả mà. Tất cả cùng đồng lòng thì việc khó sẽ thành dễ thôi. Muốn làm được việc, nhất quyết phải dựa vào dân. Mà thời nay, lời nói phải đi đôi với việc làm thì dân mới nghe, mới tin theo".
Già làng Điểu Định khoe vườn chuối trĩu quả quanh năm |
Dân quý, dân tin
Tôi tiếp lời: "Thế bây giờ và ngày xưa, thời nào dân dễ thuyết phục hơn?". Ông trầm ngâm, suy nghĩ thiệt hung, đôi mắt nhắm nghiền. Điếu thuốc trên tay cháy gần hết mà Điểu Định vẫn đắm chìm trong miền ký ức: "Năm 1993, tình hình an ninh chính trị ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp, Đắk R’Tíh cũng không tránh được ngọn lửa lây lan. Ghé bếp nhà nào cũng nghe những tiếng thầm thì nhỏ to với những ánh mắt không che giấu sự nghi ngờ. Nghe lời kẻ xấu, bà con bỏ hết nương rẫy, chỉ nằm nhà chơi rồi đợi chờ sẽ được giàu sang".
Ông nhớ bấy giờ, lãnh đạo huyện giao ông đi thuyết phục bà con không tin theo lời xúi giục của người xấu. Lúc đầu, bà con chỉ cần nghe tiếng Điểu Định là lên giường đắp mền vờ ngủ để không phải tiếp chuyện. Nhưng ông đâu chịu thua, không gặp ở nhà thì gặp trên nương, không nói chuyện được ban đêm thì ghé ban ngày. Ông thuyết phục bà con bằng cách chỉ ra cho thấy những chỗ trái, cái sai của kẻ xấu. Thì đó, có một nhúm người với mấy con dao cùn, xà gạc mẻ làm sao giúp bà con cơm no áo ấm được. Vậy mà dần dà bà con cũng nghe. Cả Tây Nguyên năm đó sục sôi, chỉ riêng Đắk R’Tíh lặng yên.
"Đến năm 2001 rồi 2004, Tây Nguyên tiếp tục bất ổn về an ninh chính trị. Nhưng mình đã có kinh nghiệm hơn trong việc vận động bà con. Bà con đã tin mình rồi, có việc lớn nhỏ gì cũng thông tin kịp thời nên ý đồ của bọn xấu vừa manh nha đã bị phá ngay. Tất cả vô sự, bình yên. Mình được khen thưởng và đi báo cáo thành tích tận trung ương đấy. Được dân quý, dân tin thì làm việc gì cũng trúng".
Muốn đi đường dài
Đang thao thao bất tuyệt, tôi nghe tiếng được tiếng mất thì ông Điểu Định đột nhiên trầm hẳn, tiếng nói cũng nhỏ dần: "Nơi này mình sinh ra và lớn lên nên chỉ muốn nó tốt lên thôi. Không chỉ giúp bà con chuyện con giống, kỹ thuật cây trồng, phát triển kinh tế mà mình còn vận động con cháu biết đánh cồng, đánh chiêng, biết kể chuyện sử thi, dệt áo, đan gùi… Không việc nào mình từ chối. Cái gì mình cũng làm trước, bà con nhìn theo, bắt chước mà làm".
Ông Điểu Nheo, hàng xóm của ông Điểu Định, nhân sang chơi cũng góp thêm lời cho câu chuyện rôm rả: "Cái miệng Điểu Định nói đúng. Cái bụng nó thật lòng mong bà con thêm nhiều người giàu. Cái tai lại biết lắng nghe lời nhiều người. Nó biết lắng nghe mọi người thì nó nói mọi người cũng tin thôi. Nhìn những giấy khen, bằng khen từ địa phương đến trung ương treo kín một góc nhà kia thì biết nó tốt thế nào mà".
Chia tay tôi, Điểu Định còn nói với theo: "Mình muốn giúp bà con phát triển kinh tế bằng mô hình trang trại như của gia đình mình. Chỉ có mình thôi thì cũng chỉ nhỏ giọt, chỉ có thể giúp nhau lúc khó chứ đâu lâu dài. Muốn đi đường dài thì phải trường vốn. Một mình thì làm không nổi. Rồi còn đầu ra cho hàng nông sản sạch, gia đình mình thì ổn rồi vì đã có công ty nhận bao tiêu sản phẩm. Nhưng nếu cả 100 nóc nhà cùng làm thì đầu ra kiếm ở chỗ nào? Cô đi nhiều, có thể giúp bà con tìm câu trả lời được không?".
Một câu hỏi thật khó trả lời. Tôi chỉ còn cách đưa lên đây, nhờ mọi người tìm câu trả lời giúp Điểu Định - một già làng thời nay với khát vọng làm giàu không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả quê hương.
Bà con nhìn thấy mới tin Ông K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, không tiếc lời ngợi khen: "Cái đầu nó biết nghĩ, cái tay siêng làm, biết cách giúp đỡ bà con nên ai cũng quý, nhiều người thương. Mà bà con thời nay biết đọc cái chữ, thông tin lại nhiều, nếu không làm thì nói nhiều bà con cũng chẳng nghe đâu. Để nói cho bà con nghe thì không chỉ cái miệng, cái đầu mà còn phải có kho lúa đầy, cái nhà, cái xe cho bà con nhìn thấy mới tin. Điểu Định đã làm được điều này". |
Thay vì đến nhà văn hóa cộng đồng, người dân ở xã Đắk R’Tíh thường xuyên tới lui nhà Điểu Định để lúc thì hỏi kỹ thuật trồng cà phê, khi thì nhờ phân xử việc tranh chấp đất đai hay mất con heo, con bò. |
Mẹ trẻ 8x táo bạo phá cây chủ lực chuyển sang trồng cây ăn quả
Mặc dù mới trồng mía được 1 năm, nhưng người mẹ trẻ với 3 người con thơ đã táo bạo phá bỏ loại cây chủ ... |
Cuộc gọi lúc 0 giờ của khách hàng giàu có khiến nữ PG hoảng sợ
“Hôm đó, ngoài yêu cầu Lan phải biết uống rượu, nhóm thanh niên còn đề nghị cô phải mặc bikini và nhảy trong suốt thời ... |
Người phụ nữ 42 tuổi hóa thành gái trẻ lừa bạn trai giàu có
Wang Sanjie (người Trung Quốc) trang điểm đẹp tới nỗi người yêu tưởng cô ở độ tuổi hai mươi suốt 2 năm liền. |